Chờ...

Đưa tư duy phản biện vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới

(VOH) - Đây là ý kiến được nhiều diễn giả đưa ra Toạ đàm Góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Viện nghiên cứu Nghiên cứu phát triển giáo dục- IRED thực hiện vào chiều 12/5.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Các diễn giả cho rằng chương trình giáo dục mới là một điểm khởi đầu rất tốt và rất quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai nhiều thế hệ nên cần phải được thực hiện hiệu quả, thành công. Để làm tốt điều này, trước tiên cần phải xác định triết lý giáo dục: chúng ta muốn xây dựng con người như thế nào? con người sáng tạo, bản lĩnh hay con người phải cầm tay chỉ việc?

Nền giáo dục tốt phải phát huy được yếu tố riêng biệt trong đó, sự sáng tạo, tư duy phản biện là một yêu cầu cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, nhà nghiên cứu Viện IRED cho rằng: "Phản biện trước tiên là tình trạng của một đầu óc tò mò, cởi mở. Ví dụ nhìn một ngọn đèn, nếu học sinh không có tư duy phản biện sẽ chấp nhận như vậy thôi, chẳng cần đặt câu hỏi làm gì.

Nhưng một học sinh có tư duy phản biện sẽ quan sát, đặt câu hỏi tại sao lại như vậy? Cái gì bên trong đó? Có tinh thần muốn khám phá, muốn tìm tòi để trả lời những câu hỏi tại sao, như thế nào, và đó là nguồn cội của sự sáng tạo, của các phát minh, sáng kiến. Cho nên một nền giáo dục không đề cao giáo dục tư duy, kỹ năng phản biện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng con người".

Các diễn giả đều cho rằng lực lượng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành công của chương trình. Giáo viên cần được tham gia vào xây dựng chương trình, sách giáo khoa, chủ động lựa chọn tài liệu giảng dạy theo khung chương trình và cần được đào tạo tư duy theo hướng mở.

Tuy nhiên, theo tính toán, lực lượng giáo viên để thực hiện chương trình mới chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện để các học sinh trải nghiệm sáng tạo còn hạn chế.

Có phụ huynh nêu thực tế trường tiểu học con mình có đến 58 học sinh/lớp. Với sỉ số lớp học cao như vậy bà Nguyễn Thi Thu Trang, giảng viên khoa Hoá, Trường ĐH Sư Phạm lo lắng:

"Để sáng tạo được, trước hết tư duy của người giáo viên sáng tạo, chương trình sáng tạo và các em phải có không gian, cơ sở vật chất chuẩn bị cho các em sáng tạo. Đến năm 2018, tôi chắc rằng không thể nào có giáo viên đủ trình độ và sự chuẩn bị để dạy cho học sinh sáng tạo. Không thể có những môi trường 58 em trong một lớp mà có thể dạy cho các em sáng tạo". 

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, ĐH Nông Lâm để xây dựng chương trình thành công cần bắt đầu từ đích đến. Hiện nay thống kê có 60% sinh viên tốt nghiệp ra trường phải đào tạo lại.

Giáo dục cần nhìn ngược từ đầu ra để thực hiện, cần nhanh chóng đẩy mạnh phân luồng: "Phân luồng càng sớm càng có ý nghĩa hướng nghiệp, bỏ bớt những môn học không thực sự cần thiết, sẽ giảm bớt gánh nặng cho học sinh và nhiều thứ nữa. Đừng nên dùng từ đổi mới mà đây là bổ sung hoàn thiện để tốt hơn", ông Lý nhấn mạnh. 

Bình luận