Đúng và sai trong sơ cứu người đuối nước

(VOH) - Sơ cứu người đuối nước trong vòng 4 phút đầu tiên là cực kì quan trọng và có thể giúp cứu sống nạn nhân. Tuy nhiên, vẫn không ít người sử dụng cách sơ cứu truyền miệng - có thể khiến nạn nhân tổn thương nặng hơn.

Cách sơ cứu nạn nhân đuối nước (Nguồn: VOH)

Hiểm họa của sơ cứu sai

Theo quan niệm dân gian tại một số nơi, khi cứu được người bị đuối nước, ngạt nước, người dân thường cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng xốc nước, nắm chổng ngược nạn nhân lên và cõng chạy lòng vòng cho nước chảy từ phổi ra ngoài.

Lại có nơi bỏ nạn nhân lên cái lu, vừa lăn lu vừa đốt lửa bên trong lu để cho lu nóng lên nhằm giúp nạn nhân ấm lên hay cho nạn nhân uống nước mắm... Đây được coi là những cách sơ cứu chưa đúng vì không phải tất cả nạn nhân đuối nước đều có nhiều nước trong phổi.

Khi bị rơi xuống nước, có khoảng 10% nạn nhân không có hít nước vào phổi do phản xạ co thắt thanh môn, còn lại 90% có hít nước, nhưng lượng nước này cũng nhanh chóng được hấp thu vào máu khi nạn nhân thở lại được.

Đặc biệt, việc xốc nước, lăn lu kéo dài có thể sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi. Bởi chỉ cần chậm trễ 4 phút là não nạn nhân có nguy cơ bị chết.

Sơ cứu đúng như thế nào?

Sau khi đưa nạn nhân lên bờ, hãy nhanh chóng gọi điện thoại số 114 và tiến hành các biện pháp hô hấp nhân tạo. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy:

- Đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau.

- Móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra.

- Một tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi nạn nhân bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu và miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy; để lòng ngực xẹp và thổi tiếp lần thứ hai.

- Sau đó tiến hành ép tim ngoài lồng ngực 30 lần (tốc độ 100 lần/phút)

- Lặp lại sau chu kỳ thổi ngạt 2 lần, ấn tim ngoài lồng ngực 30 lần. Kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Chú ý: Sau sơ cứu ban đầu, dù người bị đuối nước đã tỉnh lại thì vẫn cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước hay không để có can thiệp y tế sớm.

Ngoài ra, khi ấn tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh bạo vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân.

Tầm quan trọng của sơ cứu

Ngạt nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước. Sở dĩ có tình trạng này là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn, co cơ nắp thanh quản và đóng kín khí quản - làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh.

Khi bị ngạt nước, nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại do phản xạ. Tình trạng ngừng thở tiếp tục dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Sau 4 phút não không tiếp nhận được oxy khả năng não sẽ chết.

Do đó, 4 phút này được coi là khoảng thời gian vàng để sơ cứu, hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân. Nếu người cứu không biết tận dụng, nạn nhân dù có cơ hội sống vẫn có thể tử vong ngay trên cạn vì không được sơ cứu kịp thời.

Bình luận