Chờ...

Giải quyết việc làm cho sinh viên: cần đẩy mạnh việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

(VOH) - Nhiều ý kiến cho rằng không thể thiếu vắng vai trò nhà nước trong việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Hội thảo khoa học “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp” do Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào chiều 10/1.

Thống kê cho thấy, tại thành phố tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp tăng hàng năm. Dự kiến năm 2018, tỷ lệ này là 80%. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển. Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 60% sinh viên ra trường phải làm trái ngành. Nhiều sinh viên sau khi ra trường phải khai thấp trình độ để làm công nhân cho thị trường lao động. Không ít doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên phải đào tạo lại từ 3 đến 6 tháng mới đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, nêu thực trạng khi sinh viên ứng tuyển, các doanh nghiệp hay yêu cầu sinh viên phải có kinh nghiệm, nhưng quá trình tích luỹ kinh nghiệm của sinh viên phải xuất phát từ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia thực tập tham quan, kinh nghiệm của sinh viên sẽ yếu. Đây là điểm cần phải giải quyết từ 2 phía và phải có vai trò can thiệp của nhà nước. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác hỗ trợ tốt với các trường đại học.

Các phân tích cũng chỉ ra rằng, nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa xác định khoảng cách giữa cung và cầu trong thị trường lao động. Vì vậy, một số giải pháp được đề xuất như cần có cơ chế để các doanh nhân thành đạt, các chính khách có trình độ, thực tiễn, am hiểu thị trường tham gia vào việc giảng dạy, cũng như cần có một học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên trước khi ra trường.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế, cho rằng thành phố có đủ các điều kiện để thực hiện các nghiên cứu về những vấn đề thị trường, ngành nghề, cũng như các vấn đề về tiến bộ khoa học kỹ thuật tác động thay đổi cơ cấu sản xuất, cũng như những dịch chuyển trong phát triển kinh tế của thành phố, từ đó đưa ra những thông tin và dự báo thị trường để giúp các trường hoạch định trong công tác tuyển sinh và xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, việc liên kết doanh nghiệp nhà trường hiện nếu có chỉ ở các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp ngoài nhà nước (phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và doanh nghiệp nước ngoài đang thu hút nhiều lao động. Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động. 

"Các trường nên phát triển thực hiện thông tin thị trường lao động trong các trường, gắn với doanh nghiệp. Tức là thông tin thị trường lao động gắn với hướng nghiệp tuyển sinh. Thứ hai, thực hiện thông tin thị trường lao động gắn với giới thiệu việc làm. Thay vì các trường quan hệ doanh nghiệp để liên hệ chỗ làm việc thì hãy làm sao để có 1 chuỗi thông tin lớn. Nhất là thế hệ trẻ hiện nay luôn tìm việc làm trong hệ thống thông tin điện tử. Thứ ba, gắn kết đào tạo doanh nghiệp bằng hệ thống thông tin điện tử và trực tiếp", ông Tuấn đề nghị.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên 72%. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, vai trò của nhà nước trong mối liên kết vẫn chưa nhiều.

Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị trước hết làm sao gắn được các viện - trường với doanh nghiệp, trong đó vai trò nhà nước là không thể thiếu vắng. Hàng năm, TP sẽ báo cáo tình hình kinh tế xã hội cho Hội đồng hiệu trưởng. Bởi vì chính các thầy, những người đào tạo, phải xem sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào. Quy mô kinh tế thành phố với sự chuyển động trong năm qua ra sao. Đào tạo để phục vụ cho thị trường. Đây cũng là một giải pháp.

Bình luận