Chờ...

Giảng dạy kỹ năng sống phải bắt đầu từ người thầy

(VOH) - Trong chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của ngành Giáo dục, việc giáo dục kỹ năng sống được xác định là phương hướng chung cho năm học.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 580 em bị tai nạn thương tích. Tỷ lệ này rất cao so với các nước Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ các nguồn thông tin, mạng xã hội...đặt trẻ đối mặt không ít thử thách: dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn, bạo lực, lối sống ích kỷ, phát triển sai lệch....

Học sinh trường Lê Quý Đông học kỹ năng Phòng cháy chữa cháy.

Mỗi trường mỗi kiểu

Hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở các trường hiện chỉ dừng ở mức "tự bơi", vừa làm, vừa thăm dò. Để dạy kỹ năng sống, có trường mời chuyên gia nói chuyện theo khối lớp hoặc toàn trường. Có trường xây dựng tiết kỹ năng sống theo các chuyên đề hoặc lồng ghép vào các nội dung sinh hoạt dưới cờ, ngoài giờ lên lớp. Vì vậy, hiệu quả, sự lĩnh hội của học sinh cũng không giống nhau.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, trưởng nhóm dạy “Kỹ năng sống” của  trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3, tâm tư khi làm giáo án, chương trình không phải của Bộ nên phải tự mày mò, tự hoàn thiện. "Bộ có một chương trình kỹ năng sống dạy cho đúng và vào tiết học luôn chứ không như hiện nay. Nếu dạy kỹ năng mà như cưỡi ngựa xem hoa thì dạy làm gì?", cô Châu nói.

Trong khi đó, theo cô Lê Thị Huyền Trang, Giáo viên Trường tiểu học An Hội, Chợ Mới, An Giang, việc lồng ghép nội dung kỹ năng sống vào bài học còn hạn chế do thời lượng không nhiều. Tiết dạy chỉ 35-40 phút nhưng có rất nhiều nội dung lồng ghép, ví dụ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Giáo viên chỉ dạy "nhẹ nhàng" cho đủ nội dung bài soạn chứ chưa quan tâm học sinh có hiểu và thực hành được hay không.

 Một tiết học sơ cấp cứu  của học sinh

Một khó khăn khác các trường gặp phải là lực lượng giáo viên dạy kỹ năng sống. Không phải giáo viên nào cũng có kỹ năng sống tốt hoặc được tập huấn về kỹ năng sống để có thể dạy cho học sinh. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân viện miền Nam cho rằng việc đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên về kỹ năng sống là cần thiết. Ông cho biết một thực tế là hiện nay, các công ty tư nhân họ "chạy vào" ngay các trường phổ thông để đào tạo kỹ năng sống, thế tại sao chúng ta không "chạy vào" với giáo viên, đào tạo giáo viên tại chỗ.

“Muốn tổ chức được giờ học riêng biệt thì giáo viên tại chỗ phải được học trước khi học sinh học. Từng thầy cô các khối lớp sẽ được học kỹ về kỹ năng đó trên phương diện tâm lý và giáo dục, cả phương pháp hình thức cách thức tổ chức dạy học sinh", ông Long đề nghị.

Ông Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng với các kỹ năng sống đòi hỏi chuyên môn sâu, việc phối hợp với các đơn vị là cần thiết. Nhiều trường đã phối hợp đơn vị phòng cháy chữa cháy hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, Trung tâm Y tế dự phòng hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu, các trung tâm giáo dục bên ngoài để thực hiện có hiệu quả giáo dục kỹ năng sống chuyên sâu.

Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% là dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và khả năng xử thế của người đó. Như vậy, kỹ năng sống không chỉ quyết định sự sống còn của con người mà cả sự thành công của người đó.

Việc trang bị kỹ năng sống một cách hiệu quả trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục và việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự cho công tác giáo dục kỹ năng sống được xem là yếu tố then chốt.

Bình luận