Chờ...

Gợi ý giải đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019

(VOH) - Thí sinh trên toàn quốc vừa kết thúc bài thi Ngữ văn, kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Đề thi có cấu trúc giống mọi năm với hai phần là đọc hiểu và làm văn, trong đó câu nghị luận văn học chiếm 5 điểm. 

'Trước biển' của nhà thơ Vũ Quần Phương và tác phẩm 'Ai đã đặt tên cho dòng sông" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vào đề thi.

THPT quốc gia 2019

Đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: PLO

Gợi ý giải đề Đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019:

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Đoạn trích viết theo thể thơ: Tự do

Câu 2:

Nội dung của hai dòng thơ:

- Câu thơ nói lên những khó khăn, cực nhọc, vất vả của biết bao kiếp người.

- Ca ngợi những phẩm chất cần cù, chịu khó, hy sinh của con người.

- Thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa, yêu mến, trân trọng của tác giả đối với những con người gắn bó cuộc đời với biển cả.

Câu 3:

Hiệu quả của phép điệp:

- Phép điệp giúp nhấn mạnh, tô đậm vẻ đẹp của biển cả: hào hiệp, kiên nhẫn, nghiêm trang…

- Từ đó, tác giả thể hiện tình yêu của mình với biển cả; khẳng định, ca ngợi phẩm chất của con người lao động;

- Tạo nhịp điệu cho câu thơ: nhanh, gấp gáp như lời kể về câu chuyện của biển cả muôn đời.

Câu 4:

Học sinh đưa ra những suy nghĩ của bản thân về hành trình theo đuổi khát vọng của con người.

Gợi ý:

- Khát vọng là những ước mơ, mong muốn của con người trong cuộc sống.

- Hành trình theo đuổi khát vọng không bao giờ là đơn giản, thuận lợi, có những hi sinh, những mất mát.

- Nhưng trên tất cả là sự hiên ngang, ý chí nghị lực phi thường luôn sẵn sàng tiến về phía trước.

- Khi đủ đam mê để theo đuổi tận cùng khát vọng, bạn sẽ gặt hái những thành công, những kinh nghiệm hay bài học quý giá.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

1. Giới thiệu vấn đề: Sức mạnh của ý chí

2. Giải thích

- Ý chí: là ý thức, tinh thần tự giác, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ đạt cho bằng được mục đích.

- Ý chí chính là con đường về đích sớm nhất, khiến con người đạt được ước mơ và hoàn thành được mục tiêu.

3. Bàn luận

* Vai trò của sức mạnh ý chí:

- Ý chí giúp con người có đủ niềm tin, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành công.

- Đối với học sinh, ý chí là điều vô cùng quan trọng giúp các em có đủ tự tin và thành công trong học tập. Gặp những bài toán khó, những bài văn với ý nghĩa sâu xa, thay vì việc "bó tay" hoặc bỏ cuộc, ý chí sẽ giúp các em có thêm niềm tin để tiếp tục tìm hiểu, khám phá và đi đến những kết quả cuối cùng.

* Biểu hiện:

- Từ xưa tới nay, dân tộc ta với truyền thống đánh giặc giữ nước kiên cường, dân tộc ta được xem là dân tộc có ý chí. Từ Bà Trưng Bà Triệu – những nữ vương đánh giặc đến người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, đến những nghĩa sĩ Cần Giuộc,… họ đều tay không bắt giặc mà vẫn làm nên những kì tích. Ngày nay, thời bình, thế hệ con cháu lại càng cần có ý chí hơn nữa để đưa đất nước phát triển vững mạnh….

- Con người trên hành trình cuộc đời cũng vậy, như bơi giữa biển lớn, nếu không có ý chí khát vọng, làm sao có thể cập bến hạnh phúc. Khổ thơ của Vũ Quần Phương bên cạnh việc ngợi ca khát vọng còn đề cao sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

* Bàn luận mở rộng vấn đề

- Ý chí không tự sinh ra, cũng không phải là thiên hướng bẩm sinh nên đừng tự nhủ là bản thân không có ý chí, đó chỉ là sự bao biện.

- Hãy rèn luyện cho bản thân có ý chí thép từ những hành động nhỏ nhất.

- Thật đáng buồn cho những kẻ không có ý chí, thấy khó khăn là nản lòng, thấy thử thách là chùn bước. Những kẻ đó sẽ chỉ trông vào sự thương hại và giúp đỡ của người khác mà thôi.

* Liên hệ bản thân và rút ra bài học: Ý chí có vai trò quan trọng trong công việc, học tập, Mỗi người cần phải rèn luyện ý chí cho bản thân để khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

Câu 2:

• Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn vừa cầm bút vừa cầm súng, có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể văn bút kí, tùy bút.

Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí,…

Ai đã đặt tên cho dòng sông? được viết ở Huế ngày 4-1-1981, in trong tập sách cùng tên.

Tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc bởi chất trữ tình rất đậm, lối hành văn phóng túng và "cái tôi" của tác giả - một cái tôi tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, say mê cái đẹp của cảnh và người xứ Huế.

• Phân tích đoạn trích

1. Vẻ đẹp sông Hương qua đoạn trích được cảm nhận từ góc nhìn địa lí - cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và quyến rũ:

a) Sông Hương trong không gian núi rừng Trường Sơn

Khái quát: Nói tới sông Hương người ta thường có ấn tượng về sự bằng phẳng, êm đềm trong khung cảnh yên ả thanh bình của Huế.

Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường  thì có cái nhìn khác, nhà văn không chỉ ngắm nhìn "khuôn mặt kinh thành" với vẻ đẹp sang trọng, cổ kính của sông Hương mà còn ngược dòng không gian, tìm về những cảnh rừng đại ngàn, khám phá vẻ đẹp bí ẩn, sức mạnh tiềm tàng được đóng kín trong tâm hồn sâu thẩm.

Không chỉ phát hiện "sông Hương dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất" Hoàng Phủ Ngọc Tường còn đi sâu khám phá sông Hương ở cội nguồn.

Nhà văn đặt sông Hương trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn:

- Là bản trường ca của rừng già:

+ Ở nơi khởi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp vừa hùng vừa trữ tình, mang một sức sống mãnh liệt. Qua đó nhà văn thể hiện cảm hứng cùng cái nhìn sâu sắc về cội nguồn.

+ Hình ảnh so sánh ấy được đặt trong một câu văn dài, được chia làm nhiều vế, có sử dụng thủ pháp điệp cấu trúc (rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn / mãnh liệt qua những ghềnh thác / cuộn xoáy như những cơn lốc…) vừa để gợi dậy cái dư vang của trường ca, vừa tạo nên âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ của con sông giữa rừng già.

- Như cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại:

Biện pháp nhân hóa đã gợi ra vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của dòng sông. Tính cách mạnh mẽ, phóng túng của những cô gái Di-gan ưa thích cuộc sống tự do, nay đây mai đó, xinh đẹp và bí ẩn, yêu thích nhảy múa, ca hát được gắn cho dòng sống hoang dã, khiến sông Hương khúc thượng nguồn càng trở nên quyến rũ say đắm.

- Chính rừng già đã hun đúc cho sông Hương bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng ấy. Rừng già là hình ảnh của những cánh rừng đại ngàn hoang sơ, bí ẩn, mênh mông. Hình ảnh đem đến sắc thái hoang dại cho dòng sông nơi thượng nguồn. Dòng sông khi trôi chảy trong lòng dãy Trường Sơn đã nhận vào nó tất cả những sắc thái phong phú đa dạng.

- Nhưng cũng chính rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của sông Hương - một sức mạnh hoang sơ, man dại, vừa sáng ngời rực rỡ, vừa khơi gợi quyến rũ, bí ẩn của người con gái trẻ còn năng động, hoạt bát.

Nhà văn sử dụng những hình ảnh phong phú, ấn tượng làm hiện lên dòng sông Hương ở giữa lòng Trường Sơn với vẻ đẹp đầy nữa tính, đáng yêu, vừa hoang dại vừa tự do và tràn trề sức sống.

b) Sông Hương trên thủy trình trở về với vùng châu thổ êm đềm

+ Khi ra đi khỏi rừng già, sông Hương cũng nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ của một vùng xử sở. Khi về với Huế - sự dịu dàng như cái bến bình yên sau những gian truân, vất vả của vùng thượng nguồn.

Đến đây, sông Hương như người mẹ hiền từ, nhân hậu của những con người và vùng đất nơi đây. Nó mang vẻ đẹp bình lặng nhưng không nhạt nhẽo hời hợt; thâm trầm và sâu sắc.

+ Với biện pháp nhân hóa này, người con xứ Huế đã xem sông Hương như một đấng sáng tạo góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên, xứ sở. Đây là một phát hiện độc đáo về sông Hương chỉ có thể có ở một người gắn bó và am tường về mảnh đất cố đô.

+ Bằng tình yêu và niềm tự hào với dòng sông quê hương, với trí tưởng tượng phong phú và khả năng khám phá tài tình, độc đáo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương  trong vẻ đẹp  nguyên sơ và đầy cá tính.

Với một lối hành văn uyển chuyển, ngôn ngữ đa dạng và giàu hình ảnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả một cách sinh động và hấp dẫn từng bước đi của sông Hương. Mỗi đường đi nước bước của nó gắn với những địa danh khác nhau của xứ Huế đã được nhà văn giành cho một cách diễn đạt riêng.

Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ tái hiện lại một cách chân thực dòng chảy tự nhiên trên bản đồ địa lí của dòng sông Hương mà quan trọng hơn là đã biến thủy trình ấy thành một hành trình của người con gái đẹp. Nhờ đó mà cùng với hành trình về xuôi của sông Hương, người đọc được đi từ hết phát hiện này sang ngạc nhiên khác.

c) Nhận xét của tác giả

- Nhà văn nhận xét dòng chảy của sông Hương ở thượng nguồn là "cuộc hành trình gian truân" không kém phần kì lạ và bí mật, vì nó đã đọng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khó trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng".

Hành trình khám phá sông Hương là hành trình kì bí, thú vị. Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thật tài hoa khi ông đã sáng tạo nên những liên tưởng, những so ánh, ẩn dụ và nhân hóa miêu tả vẻ đẹp mang tính lưỡng thể đầy tính nhân văn của dòng sông Hương giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tác giả đã nhắc khẽ mọi người "nếu chỉ mãi mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành cùa nó... sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua…". Suy tưởng ấy đã làm cho liên tưởng mà tác giả nêu lên thêm phần rung động thấm thía.

2. Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện của nhà văn về dòng sông

+ Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một người con gái mang trong mình nhiều phẩm chất và vẻ đẹp tâm hồn: vừa mạnh mẽ sôi nổi, vừa đằm thắm, dịu dàng. Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một cô gái Di-gan, một bà mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.

+ Hoàng Phủ Ngọc Tường: khám phá ra "phần đời" mà dòng sông không muốn bộc lộ: vẻ đẹp ở thượng nguồn với cảnh sắc thiên nhiên phong phú và đa dạng.

+ Dòng sông được miêu tả với nhiều góc nhìn từ góc nhìn địa lí đến góc nhìn văn hóa. Gắn thủy trình của dòng sông với lịch sử hình thành của nền văn hóa xứ sở. Phải là một con người có vốn tri thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là phải có một tình yêu thiết tha, mãnh liệt với dòng sông Hương, với thành phố Huế, với quê hương xứ sở, nhà văn mới có được góc nhìn mới mẻ, độc đáo đến vậy.

• Tổng kết.

Nguồn TTO

Bình luận