Chờ...

Không kiểm điểm tổ chức, cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia tại Hội đồng coi thi TPHCM

(VOH) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết đã tổ chức họp rút kinh nghiệm nhưng không tổ chức kiểm điểm tổ chức, cá nhân.

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện kiến nghị trong công tác coi thi Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông năm học 2021 - 2022 tại Hội đồng coi thi TPHCM. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết đã tổ chức họp rút kinh nghiệm nhưng không tổ chức kiểm điểm tổ chức, cá nhân. Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng bộ phận tham mưu đã thực hiện đúng theo hướng dẫn tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên Sở Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp tổ chức kỳ thi.

Theo giải trình, Hội đồng tại TPHCM có 3 đơn vị cùng tham gia thi tại một địa điểm gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, trường Năng khiếu – Đại học Quốc gia và trường Trung học Thực hành – Đại học Sư phạm TPHCM. Do vậy, Hội đồng thi Thành phố Hồ Chí Minh có 3 đơn vị dự thi độc lập cùng thi tại cùng một địa điểm là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

Không kiểm điểm tổ chức, cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia tại Hội đồng coi thi TPHCM 1
Ảnh minh họa: Tuyết Nhung

Việc tham mưu thành lập một số đội tuyển dự thi của Sở có số lượng vượt quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 16 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Cụ thể, số lượng các Đội tuyển một số môn thi của TPHCM và Phổ thông năng khiếu vượt quá 6 thí sinh là do 2 năm liên tiếp môn có kết quả trên 80% thí sinh đoạt giải. Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo và trường Phổ thông Năng khiếu đã có các văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng để có ý kiến xác định số lượng tăng thêm thí sinh và Cục Quản lý Chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép bằng công văn nên môn Toán lên 8 thí sinh, môn Tin học lên 10 thí sinh từ kỳ thi năm 2020. Danh sách và số lượng đội tuyển được Cục Quản lý chất lượng rà soát điều kiện và cấp số báo danh dự thi cho các thí sinh.

Với việc tham mưu xếp số báo danh không đúng quy định, Sở khẳng định là đơn vị đại diện nhập dữ liệu thí sinh cho 3 đơn vị dự thi trên phần mềm do Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Quá trình nhập dữ liệu được sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng và 3 đơn vị dự thi tại TPHCM được cấp 3 mã đơn vị độc lập, đăng ký theo 3 danh sách riêng, thực hiện các báo cáo giải trình và được công bố kết quả thi riêng.

Do Mã số của các đơn vị là khác nhau nên trên phần mềm do Cục Quản lý chất lượng triển khai sắp xếp theo thứ tự A, B, C,... của tất cả thí sinh dự thi ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi. Phần mềm của Cục quản lý chất lượng không phối trộn danh sách cả 3 đơn vị trong cùng một môn thi rồi mới xếp thứ tự A, B, C,...Danh sách thí sinh dự thi tất cả các bộ môn được xuất ra từ phần mềm đều là danh sách độc lập của 3 đơn vị dự thi tại Hội đồng thi.

Việc tham mưu bố trí phòng thi của từng đội tuyển Tiếng Anh, Tin học không đúng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 25 Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình do môn Tiếng Anh: tổng số thí sinh dự thi của ba đơn vị là 26 và phân chia thành 3 phòng thi vì môn Ngoại ngữ có phần thi Viết và Nói, danh sách phòng thi Viết và Nói phải trùng nhau (theo danh sách từng đơn vị), phải đảm bảo thời gian thi Nói kết thúc cùng lúc với các hội đồng trên toàn quốc do đó Hội đồng coi thi thực hiện chia thành 3 phòng với số lượng là 10, 10 và 6 cho 3 đơn vị tương ứng. Thời lượng phần thi nói của mỗi thí sinh là 20 phút (không tính đến các sự cố bất thường có thể xảy ra.

Đối với môn Tin học: Giám thị phải thực hiện việc in bài và sao chép bài thi của thí sinh lên đĩa CD, nếu phòng thi có số lượng 20 thí sinh thì công tác thu bài, in bài và sao chép bài thi lên đĩa CD sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của cả Hội đồng, do đó Hội đồng coi thi phân chia thành 2 phòng Tin học, mỗi phòng 10 thí sinh. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng TPHCM có 3 đơn vị dự thi thì cách sắp xếp trên phù hợp với quy định.

Báo cáo cũng nêu rõ, với trách nhiệm là một đơn vị được phân công phụ trách một số khâu của quá trình tổ chức coi thi, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thực hiện đủ trách nhiệm theo quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong công tác sắp số báo danh và xếp phòng thi cho các môn, thấy bất thường không hợp lý từ các file xuất từ phần mềm học sinh giỏi của Bộ nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo thiếu sót không tham mưu văn bản xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với trách nhiệm là một đơn vị dự thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng quy chế, hướng dẫn và được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt cho từng bước trong các quy trình: Đăng ký, duyệt số lượng và cấp số báo danh dự thi.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát và điều chỉnh các quy định về tổ chức Kỳ thi Học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông; thống nhất các quy định về số lượng học sinh dự thi của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thống nhất giữa hướng dẫn, quy chế và phần mềm tổ chức thi Học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông.

Trên cơ sở quy mô và chất lượng giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Bộ chấp thuận số lượng học sinh/môn thi của Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia của đội tuyển thành phố bằng với số lượng của đơn vị dự thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Đồng thời, Sở kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2022 – 2023, Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức điểm thi chung cho cả 3 đơn vị độc lập (Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, trường Năng khiếu – Đại học Quốc gia và trường Trung học Thực hành – Đại học Sư Phạm TPHCM).

Bình luận