Kỹ năng thoát hiểm trong các vụ cháy nhà cao tầng

(VOH) - Lãnh đạo TP Hà Nội sáng nay 2/11 cho biết, vụ cháy trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/11 đã khiến 13 nạn nhân thiệt mạng. Vụ cháy gây thiệt hại nặng về người và của này thêm lần nữa cảnh báo mọi người về việc cần thiết phải trang bị các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ, đặc biệt là đối với những người ở chung cư, nhà cao tầng.

Lúng túng khi gặp tình huống cháy nhưng lại thờ ơ trong việc trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy... là tâm lý chung của nhiều người. Tuy nhiên, cháy nổ đôi khi là điều không thể biết trước nên việc biết cách phòng cháy, thoát hiểm không bao giờ là thừa đối với bất cứ ai.

Dưới đây là những video hướng dẫn người dân cách thoát nạn khi phát hiện cháy tại chung cư, nhà cao tầng do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) và Cảnh sát PC&CC TPHCM phối hợp thực hiện.

Video: Cách thoát hiểm khi cháy chung cư, nhà cao tầng

Video: Cách thoát hiểm bằng dây khi không thể thoát bằng thang bộ

Video: Cách thoát hiểm bằng dây khi có em bé

Đề phòng cháy nổ

Để đề phòng, các căn hộ chung cư, nhà cao tầng cần:

- Trang bị các phương tiện phòng chống cháy như bình chữa cháy, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy.

- Trang bị các thiết bị an toàn, hỗ trợ thoát hiểm như dây thừng, thang dây để đề phòng bất trắc.

- Thường xuyên kiểm tra các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ như nơi đặt cầu giao điện, công tắc điện.

- Cẩn trọng trong quá trình sửa chữa điện, sử dụng mỏ hàn hay nơi có nguy cơ phóng điện.

- Thường xuyên có các buổi huấn luận hướng dẫn cách ứng phó, xử lý sự cố, sử dụng bình chữa cháy khi có đám cháy.

- Luôn đề cao cảnh giác, đề phòng cháy nổ trong mọi tình huống.

Cách thoát hiểm khi có cháy

Trong trường hợp cháy nổ, điều quan trọng nhất là mọi người cần tránh hoảng loạn, nhốn nháo, chen lấn gây khó khăn khi thoát nạn. 

- Không thoát nạn bằng thang máy mà thoát nạn bằng cầu thang bộ.

- Nếu không dập được hãy ra khỏi phòng và đóng cửa phòng bị cháy lại.

-  Trên đường đi, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

-  Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.

 - Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần - sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. Nên dùng khăn ướt bịt miệng mũi để tránh bị ngạt khói.

- Nếu phải mở cửa cầu thang bộ, hãy kiểm tra nhiệt độ tay nắm cửa trước khi mở.

- Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa.

-  Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở mà tìm lối thoát khác. Lúc này cần đặc biệt chú ý, các phương tiện chữa cháy như vòi nước cứu hỏa hay rèm cửa, chăn mền có thể được sử dụng để tạo thành dây, giúp mọi người leo xuống dưới dễ dàng hơn.

- Nếu có trẻ em hoặc người lớn tuổi, có thể tạo dây để thả xuống dưới trước khi thoát hiểm (như hướng dẫn trên)

- Nếu không thể leo xuống, hãy bít chặt các khe hở của cửa để tránh khói lan gây ngạt. Sau đó, từ cửa sổ, ban công hãy gọi to hoặc dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho lực lượng PCCC biết để kịp thời ứng cứu.

Cháy nổ thường bắt đầu từ những đám cháy nhỏ, do đó bạn cần nhớ tất cả những kĩ năng trên để thoát hiểm một cách nhanh chóng và an toàn nhất.

Bình luận