Chờ...

Kỳ thi THPTQG 2019: Nhiều thay đổi để hạn chế tiêu cực

(VOH) - Liên quan đến một số vấn đề giáo dục “nóng” trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT có buổi gặp gỡ và trao đổi thông tin với báo chí khu vực phía Nam.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm tới, đề thi sẽ được thiết kế nhằm đánh giá mức độ học vấn ở bậc phổ thông. Một số khâu sẽ được thay đổi, tuy nhiên chủ yếu ở phần việc của người lớn, không ảnh hưởng đến học sinh, nhằm tạo sự yên tâm cho các em. 

Kỳ thi THPTQG 2019: Nhiều thay đổi để hạn chế tiêu cực

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT chia sẻ về kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Thông tin về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT một lần nữa khẳng định rằng, kỳ thi này được xây dựng trên tinh thần Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có nội dung đổi mới kỳ thi xét tốt nghiệp theo hướng giảm áp lực, tốn kém nhưng vẫn đảm bảo độ trung thực và đánh giá đúng năng lực của học sinh. Mục tiêu thứ hai của kỳ thi là sử dụng kết quả này làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh.

Do đó, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 vẫn tiếp tục duy trì, có điều chỉnh và bổ sung sáu nhóm giải pháp.

Bộ sẽ rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.

Song song đó, giải pháp nữa là hoàn thiện, củng cố ứng dụng Công nghệ thông tin vào các khâu của các kỳ thi như phần mềm chấm thi, tăng cường bảo mật.

Bộ cũng đang nghiên cứu, xem xét tổ chức về việc chấm thi, trong đó có hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình. Đặc biệt, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh cải tiến ở khâu đề thi là rất quan trọng vì nó quyết định thành công của kỳ thi.

“Công tác đề thi sẽ quyết định thành công của bất kỳ kỳ thi nào. Đây là vấn đề cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.

Bộ sẽ sớm có đề thi tham khảo để giáo viên yên tâm tổ chức hoạt động dạy học. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi này là quá trình lâu dài và chúng ta cần nỗ lực hơn nữa.” – ông Mai Văn Trinh cho biết.

Qua thực tiễn và cụ thể là qua một số tiêu cực ở kỳ thi năm 2018, có thể thấy công tác nhân sự, con người là vấn đề quan trọng nhất. Việc lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác kỳ thi sẽ được xem trọng. Đồng thời, Bộ sẽ tập huấn kỹ hơn về công tác thi cho đội ngũ nhân sự.

Nhóm giải pháp cuối cùng mà Bộ đưa ra là nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả các phòng thi.

Trong khi đó, một vấn đề khác cũng đang được dư luận quan tâm hiện nay, đó là chương trình sách giáo khoa. Chia sẻ về tiến độ chương trình sách giáo khoa mới, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho hay, Thông tư hướng dẫn Chương trình Giáo dục phổ thông mới dự kiến ban hành trong tháng 10 này.

“Hiện nay, chúng tôi chuyển sang các cơ quan của Bộ GD-ĐT để thực hiện theo thủ tục trình tự, ban hành các thông tư, chắc chắn sẽ ban hành trong tháng 10 này. Lúc đó, Bộ sẽ có văn bản đề nghị các đơn vị, cá nhân có nguyện vọng viết sách giáo khoa đăng ký và sẽ tổ chức tập huấn cho những người muốn viết sách giáo khoa. Khi đó, công việc viết sách giáo khoa mới chính thức được bắt đầu” - Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết nói.

Ông Nguyễn Viết Lộc – Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết thêm, sau khi chương trình được ban hành, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đảm bảo công khai, minh bạch; tổ chức thẩm định sách giáo khoa, bao gồm sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn và các sách giáo khoa khác do tổ chức, cá nhân biên soạn; Hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương.

Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các trường phổ thông lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa để dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong thời gian chưa thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ sẽ có hướng dẫn các trường phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn 1 bộ SGK đảm bảo công khai, minh bạch - Ngày 29/9, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia cho hay, Thông tư hướng dẫn Chương trình Giáo dục phổ thông mới dự kiến ban hành trong tháng...
Năm 2019 vẫn duy trì phương thức thi như năm 2018 nhưng có một vài điều chỉnh - Thủ tướng Chính phủ đồng ý duy trì ổn định kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia đến năm 2020 theo hướng thi tự luận môn Văn và thi trắc nghiệm các tổ hợp các môn tự nhiên và xã hội, ngoại ngữ.
Bình luận