Chờ...

Lần đầu tiên trao quỹ học bổng “Nâng bước em đi” hỗ trợ học phí trong 5 năm học đại học

(VOH) - Sáng 18/8, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai năm học 2019 – 2020.

Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai được thành lập từ năm 1990. Trải qua 29 năm thực hiện, đến nay các cấp hội đã hỗ trợ học bổng cho hơn 248.600 lượt học sinh, sinh viên từ chương trình này với hơn 130 tỷ đồng. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội đã trao hơn 37.120 suất học bổng với hơn 45 tỷ đồng.

Lần đầu tiên trao quỹ học bổng “Nâng bước em đi” hỗ trợ học phí cho các em 5 năm

Em Nguyễn Thị Minh Truyền, xã Bình Hưng, Bình Chánh.Sinh viên năm 2 Trường Đại học Mở TPHCM.

Em Nguyễn Thị Minh Truyền, gia đình em thuộc hộ nghèo của xã Bình Hưng, Bình Chánh. Mẹ đi bán vé số để nuôi em ăn học, từ nhỏ đến lớn ngoài việc đi học em đều phụ mẹ đi bán vé số để có tiền đi học. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng bản thân luôn cố gắng vươn lên trong học tập và đạt học sinh khá giỏi nhiều năm liền. Truyền mong muốn sau này có một công việc ổn định để giúp mẹ đỡ vất vả và có cuộc sống thoải mái hơn:

"Em đi bán phụ mẹ đến 7g30 tối và tới 8g30 tối em sẽ dành thời gian để ôn bài và học bài. Trong lúc đi phụ bán quán ăn, phụ mẹ đi bán vé số khi gặp bạn bè thì em có chạnh lòng một chút. Nhưng động lực giúp em vượt qua là mẹ em, vì em sống với mẹ từ bé và mẹ luôn chăm sóc em".

Có hoàn cảnh tương tự, em Đặng Lê Phương Dung, sinh viên năm 1 Đại học Sư phạm TPHCM có gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Nhà có 5 nhân khẩu. Ba làm bảo vệ, mẹ làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy, thu nhập không ổn định.

Tuy hoàn cảnh khó khăn vất vả nhưng em luôn ý thức việc học tập là quan trọng nhất. Có lúc cuộc sống khó khăn quá, gia đình khuyên em nghỉ học để đi làm : "Bây giờ chỉ có học mới thoát được nghèo, nên thứ 7, chủ nhật em bắt đầu đi làm. Sáng thì em đi dọn dẹp nhà cho người ta, chiều thì em đi phụ bán cà phê. Còn tiền học thì mẹ em vay đóng nhưng em biết mẹ em mắc nợ nhiều lắm. Khi có kết quả thi đại học mẹ em nói chắc nuôi không nổi nên con nghỉ học đi. Nhưng em thấy uổng lắm nên xin mẹ đi học, em kiếm việc làm thêm...ăn uống sẽ tự lo".

Là đơn vị có nhiều đóng góp và đồng hành cùng các em học sinh, sinh viên nghèo nhiều năm liền, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân Thành phố nói: "Chúng tôi quan tâm đến các chương trình về chăm sóc sức khỏe trẻ em, quan tâm đến quỹ học bổng để giúp các em đến trường. Chúng tôi đầu tư vào giáo dục, đầu tư cho các em để các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường thì đó là đầu tư cho chất xám, đầu tư cho tương lai, cho đất nước. Vì vậy, chương trình học bổng là chương trình trọng tâm vì vậy trong nhiều năm chúng tôi luôn đồng hành cùng chương trình để giúp các cháu có cơ hội đến trường".

Bà Trần Thị Huyền Thanh – Phó tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành Phố cho biết, năm nay cũng là năm đầu tiên thực hiện dự án học bổng khuyến tài “Nâng bước em đi”, Hội sẽ hỗ trợ 10 em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thành tích học tập khá giỏi đậu đại học năm học 2019 – 2020:

"Dự án Nâng bước em đi, hỗ trợ học phí cho các em tới 5 năm. Xét chọn từ các em trong học bổng Nguyễn Thị Minh Khai thi đậu đại học thì mức hỗ trợ là 18 triệu/năm. Trong đó, cứ nửa học kỳ thì sẽ gặp các em 1 lần để trao đổi và động viên các em đi học. Đồng thời xen kẽ cho các em tham gia các chương trình an sinh xã hội do thành phố tổ chức để các em chia sẻ và có ý thức với cộng đồng".

Lần đầu tiên trao quỹ học bổng “Nâng bước em đi” hỗ trợ học phí cho các em 5 năm

Chủ tịch Hội LHPN TP Nguyễn Thị Ngọc Bích tặng hoa cho các em học sinh giao lưu tại chương trình trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai.

Tại Lễ trao tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng , đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”; duy trì, phát huy và nâng chất các mô hình, phong trào hay từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai như mô hình nhóm các bà mẹ có con nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, phong trào “Heo đất - Thỏ ngọc”, phong trào “Địa chỉ xanh”, công trình “Góc học tập”. Đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra quản lý nguồn thu chi của quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, cấp học bổng phải đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cần liên kết các em trưởng thành từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai đã có việc làm và thu nhập ổn định này trở lại tham gia xây dựng chương trình ngày càng lớn rộng hơn theo điều kiện cụ thể của mình giúp đỡ các thế hệ đi sau gặp hoàn cảnh khó khăn như mình ngày trước.

Trong năm học 2019 - 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP trao tặng 179 suất học bổng và quà cho các em nữ sinh nghèo, hiếu học trên địa bàn TPHCM với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, trong đó có 5 suất học bổng cấp 1 trị giá 1,5 triệu đồng/suất; 4 suất học bổng cấp 2 trị giá 2 triệu đồng/suất; 64 suất học bổng cấp 3 trị giá 2 triệu đồng/suất; 96 suất học bổng đại học trị giá 3 triệu đồng/suất và 10 suất đại học “Nâng bước em đi” với 18 triệu đồng/suất.

Bình luận