Chờ...

Lấy chất lượng – đo đẳng cấp trường nghề

(VOH) - Để tiếp tục tồn tại, phát triển và khẳng định vị thế trường nghề, buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi bằng những giải pháp đột phá.

Từ việc thay đổi mô hình đào tạo, tiếp cận các chuẩn giáo dục nghề nghiệp quốc tế, chính sách ưu đãi học phí, cam kết việc làm sau ra trường…đây cũng là nội dung của kỳ tọa đàm, nhan đề “Lấy chất lượng – đo đẳng cấp trường nghề”.

Tọa đàm với sự tham gia của các khách mời: ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân; bà Nguyễn Quỳnh Lâm, Trưởng phòng Hướng nghiệp tuyển sinh, Trường Trung cấp Việt Giao và ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM.

trường nghề

Sinh viên của Trường CĐ Nghề TPHCM trong giờ thực hành nghề điện tử. Ảnh: SGGP

*VOH: Trước những khó khăn, thách thức chủ quan và khách quan, đòi hỏi các trường cao đẳng – trung cấp buộc phải có những giải pháp đột phá nhằm thu hút người học, khẳng định vị thế của mình và thay đổi nhận thức của xã hội về hệ giáo dục nghề nghiệp? Mời ý kiến bà Nguyễn Quỳnh Lâm.

- Bà Nguyễn Quỳnh Lâm: Đối tượng tuyển sinh chủ đạo của trường 3, 4 năm nay là học sinh bậc trung học cơ sở, hiện chúng tôi đang làm rất tốt. Khi các bạn học xong lớp 9, thì suy nghĩ chung của xã hội là các em phải lên lớp 10, vào trường xịn thì cha mẹ càng hãnh diện về con cái của họ. Chỉ có bạn nào học 'dở' mới chọn trường nghề như là con đường cuối cùng. Nhưng, trước giờ Trường Trung cấp Việt Giao không tuyển theo hướng bạn nào dở mới vào trường học, bởi vì mong muốn của chúng tôi là đào tạo ra đội ngũ lao động có chất lượng.

Cho nên, chúng tôi nhất quán một vấn đề rằng: các bạn chọn trường học chẳng qua là muốn chọn con đường nào để đi. Có hai con đường đi chính sau tốt nghiệp trung học cơ sở. Thứ nhất, bạn nào thích học về hàn lâm, nghiên cứu như bác sĩ, luật sư…thì sau khi học xong lớp 9, nên học tiếp trường phổ thông, sau đó lên đại học. Con đường thứ hai, bạn nào định hướng mình chọn các ngành dịch vụ, cần tay nghề vững, tay nghề cao thì các bạn nên vào trung cấp, bởi vì ngành cần tay nghề cao thì cần số lượng thực hành nhiều, có thực hành nhiều thì chúng ta mới có thể đáp ứng nhu cầu xã hội về những ngành nghề này.

*VOH: Xin mời ý kiến từ bà Nguyễn Thị Diệu Anh?

- Bà Nguyễn Thị Diệu Anh: Chúng tôi không dàn trải đối tượng tuyển sinh. Định hướng của nhà trường là hướng đến xu thế hội nhập và ứng dụng. Vì vậy, đối tượng tuyển sinh hướng đến các em có định hướng sau này một là làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, hai là đi nước ngoài làm việc. Đối tượng thí sinh này cũng rất tập trung.

Lấy ví dụ, có một số trường trung học phổ thông đã đào tạo ngành ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Nhật từ khi lớp 10, 11, sau này các em có hướng muốn gắn bó với các quốc gia này hơn. Chúng tôi tập trung vào chất lượng, có thể số lượng tuyển sinh không quá nhiều, nhưng đảm bảo khi các em ra trường thì mỗi một em như thế đều có giá trị riêng của mình. Tôi mong rằng những trường cao đẳng – trung cấp có nhiều tiếng nói hơn trong các chương trình truyền thông, để phụ huynh hiểu hơn về các chương trình đào tạo bậc này và có hướng đi phù hợp cho con em mình.

*VOH: Mời ý kiến từ ông Nguyễn Đăng Lý, năm 2019 này trường có những giải pháp đột phá nào?

- Ông Nguyễn Đăng Lý: Năm 2019, trường cũng tập trung chất lượng đào tạo, đào tạo ra những sản phẩm theo nhu cầu của xã hội cần. Năm 2018, trường đã làm hệ 9+ cao đẳng, năm 2019, năm 2020 trường tiếp tục đào tạo hệ 9+ cao đẳng, nhưng đi vào hướng đáp ứng nhu cầu của phụ huynh: con em có thể thích đi làm, hay thích học tiếp hàn lâm, hoặc đi du học…

Năm 2019, trường có hệ đào tạo mới là đáp ứng tốt nghiệp cao đẳng làm việc tại Nhật. Hiện nay, lực lượng đi Nhật đa phần theo dạng thực tập sinh, nói thẳng ra là đi làm công nhân. Các em bị thua thiệt rất nhiều, vì ngạch là ngạch công nhân. Trường sẽ triển khai chương trình mới này, tức là kỹ sư làm việc ngắn hạn tại Nhật. Các em sau khi được đào tạo, qua Nhật làm việc sẽ có 3 cái lợi: lương cao hơn, được ký hợp đồng dài hạn, sau 5 năm có thể thi để làm công dân toàn cầu. Đặc biệt, trong quá trình làm việc, các em được quyền xin nghỉ nếu như cảm thấy bị nghiệp đoàn ép lương, để xin công ty khác. Đó là 3 cái lợi lớn nhất. Để làm được việc này, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều nghiệp đoàn để lấy chuẩn giáo dục nghề nghiệp của Nhật Bản về giảng dạy.

*VOH: Mời ý kiến của ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, một nhận xét khách quan về các trường cao đẳng – trung cấp hiện nay?

- Ông Nguyễn Quốc Cường: Trong suốt quá trình chúng tôi tham gia hướng nghiệp, tuyển sinh năm học 2018 – 2019 đến nay, tôi nhận thấy cách nhìn về nghề nghiệp, về bậc học của các em có khá nhiều thay đổi. Riêng đối với bậc trung học cơ sở, các trường cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã làm khá tốt, trong việc tư vấn cho các em và phụ huynh về chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở. Thật ra, mục đích của chúng ta không phải là các em học sinh yếu mới vào trường nghề, mà vấn đề quan trọng là làm sao cho phụ huynh thấy rằng: đối với một số công việc, yêu cầu cụ thể của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng như thực tế phát triển của xã hội, có những công việc chỉ cần học sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng là đã bước chân được vào thị trường lao động. Quan trọng chính là giá trị công việc của các em đem lại cho xã hội chứ không phải là giá trị về bằng cấp.

Hy vọng chương trình, các trường có thể đẩy mạnh việc đưa thông tin để sao cho suy nghĩ của phụ huynh, của xã hội trong việc lựa chọn ngành nghề ngay ở bậc trung học cơ sở. Tôi hy vọng các trường làm đúng cam kết của mình, đó là đào tạo cho các em đầy đủ kiến thức, kỹ năng, gia nhập thị trường lao động và được xã hội chấp nhận.

*VOH: Cảm ơn các vị khách mời.

Qua các ý kiến phân tích trên, có thể khẳng định một lần nữa, giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua cũng đã tiếp tục phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động, đào tạo nhiều lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng hơn hết, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực để phát triển đất nước. Và dù tấm bằng gì đi nữa, nếu người học được đào tạo bài bản, có giá trị chuyên môn, giá trị hành nghề, tiệm cận các chuẩn đào tạo quốc tế…thì chắc chắn sẽ mang đến thành công cho bản thân người học.

>>Giáo dục nghề nghiệp trước thách thức tuyển sinh 2019 (Kỳ 1) - Thời sự 05g30 29/05/2019

>>Lấy chất lượng – đo đẳng cấp trường nghề (Kỳ 2) - Thời sự 05g30 30/05/2019

Bình luận