Chờ...

Nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường tổ chức?

(VOH) - Nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay hay giao về cho các trường tổ chức.

Tại hội thảo khoa học cấp Quốc gia Góp ý Dự thảo Luật Giáo Dục (sửa đổi) do Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức vào sáng 28/12, có nhiều ý kiến xung quanh việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay hay giao về cho các trường tổ chức.

ông Trịnh Duy Trọng, hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Cảnh

Ông Trịnh Duy Trọng, hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Cảnh phát biểu. 

Tại Hội thảo, một số ý kiến cho rằng không cần tổ chức kỳ thi THPT chung như hiện nay mà giao về các trường nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh.

Tiến sĩ Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá Giáo dục Đại học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng Luật Giáo dục cần đặt vấn đề có cần tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không, khi mà giáo dục là cả một quá trình bao gồm nhiều yếu tố chứ không chỉ vài môn học. Hiện nhiều nước không tổ chức thi tốt nghiệp tập trung mà trao cho các trường đánh giá, để xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình.

Tiến sĩ Phạm Thị Ly cho rằng, nếu đánh giá toàn bộ quá trình học 12 năm của học sinh bằng 1 kỳ thi chỉ qua mấy môn thi thì chúng ta đã coi nhẹ những yếu tố giáo dục khác. Từ đó, tạo tâm lý học để thi. Điều đó không công bằng và không có lợi cho kết quả giáo dục.

Tuy nhiên, ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Tân, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên được duy trì, nhưng có điều chỉnh theo hướng phù hợp nhẹ nhàng và không gây áp lực cho học sinh. Để làm được điều này, có thể giao kỳ thi về cho cấp Sở. Trường hợp giao về các trường khả năng phát sinh nhiều vấn đề khác, đặc biệt khi mặt bằng chung các trường vẫn chưa đồng đều. Ngoài ra, hiệu trưởng này cũng phân tích việc tổ chức kỳ thi chung giúp ngành giáo dục có cơ sở dữ liệu chung để phân tích đánh giá thì triển khai các chương trình, so sánh đối chiếu khi cần.

Theo ông Trịnh Duy Trọng phải có chuẩn đầu ra để công nhận trình độ chuẩn của học sinh khi tốt nghiệp THPT. Chuẩn đó nếu đưa về từng trường, từng trường thực hiện chuẩn đó thì có đảm bảo ổn hay không trong việc đánh giá giữa trường này trường kia vùng này, vùng kia. Về mặt hệ thống, khi quản lý một trường ở TP hay một trường ở đâu đó khi công nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông thì phải là một thang giống nhau, ý nghĩa, mức độ tương đương. Thực tế ở các cơ sở  cũng như việc thực hiện giáo dục hiện nay rất là khó.

Ông Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là xác định rõ mục đích kỳ thi THPT Quốc gia. Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi hiện nay các trường được quyền tự chủ tuyển sinh nên kỳ thi nhằm phục vụ xét tuyển đại học là không phù hợp. Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi như thế nào cần phải cân nhắc.

Theo ông Hải, nếu như thi tốt nghiệp THPT chỉ để xác nhận đánh giá lại kết quả học tập của các em trong từng đó năm, thi lại những môn đã từng thi đã học rồi cũng là điều phải suy nghĩ. Còn nếu đưa về từng địa phương biết đâu sẽ có nhiều Sơn La, Hoà Bình. 

Hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề học tại nhà (Homeshooling), chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm, tính khách quan của kiểm định giáo dục...                                                                                                       

Bình luận