Chờ...

Nữ sinh đưa nét đẹp Việt vào đồ án tốt nghiệp

(VOH) - Với mong muốn giới thiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế, Mỹ Hạnh đã đưa nét đặc sắc ở các tỉnh thành nổi tiếng về du lịch của nước ta vào đồ án tốt nghiệp mang tên “Ơ kìa Việt Nam”.

Vũ Nguyễn Mỹ Hạnh - sinh viên ngành thiết kế đồ họa trường Đại học Văn Lang, TPHCM là tác giả đồ án “Ơ kìa Việt Nam” mang đậm tinh thần yêu nước và quảng bá nét đẹp Việt khiến nhiều người khen ngợi.

Đưa đặc trưng của từng tỉnh thành vào “Ơ kìa Việt Nam”

Trong chuyến đi du lịch Huế của trường, Mỹ Hạnh có dịp trải nghiệm văn hóa, viếng thăm những công trình kiến trúc và nét đẹp của nơi đây, từ đó ươm mầm cho ý tưởng “Ơ kìa Việt Nam”.

Mỹ Hạnh nhớ lại: “Trước khi chia tay nơi này, mình muốn tìm một món quà đậm chất Huế để làm kỷ niệm nhưng tìm hoài không thấy, kể từ lúc đó mình đã bắt đầu có suy nghĩ về việc tạo ra một thứ gì đó mang nét đặc trưng cho nơi này”.

đồ án tốt nghiệp
“Ơ kìa Việt Nam” chứa đựng tất cả tâm huyết của Mỹ Hạnh (Ảnh: NVCC)

Xem thêm: Cơ hội bứt phá cho du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM 2022

Mỹ Hạnh cũng chia sẻ thêm, trong môn tiền tốt nghiệp, một môn học của trường giúp sinh viên định hướng và chuẩn bị cho đồ án ra trường. Nhờ sự hướng dẫn và gợi ý của các thầy cô và sẵn đã có ý tưởng nhen nhóm từ trước, nữ sinh bắt tay ngay vào việc thiết kế những nét đẹp của Việt Nam để có thể sử dụng trên các món quà lưu niệm.

Để hoàn thành đồ án “Ơ kìa Việt Nam” Mỹ Hạnh mất khoảng 13 tuần, trong khoảng thời gian này cô cũng gặp không ít khó khăn, Mỹ Hạnh tâm sự: “Mình mất khoảng một tháng đầu tiên vì không hoạch định được thời gian và đồ án bị chậm tiến độ so với dự tính”.

Sau khi nắm bắt được hướng đi, 10 tuần còn lại cô đã cố gắng và đặt hết tâm huyết tìm hiểu thật chi tiết về các địa danh nổi tiếng của nước ta qua Internet và các tài liệu tham khảo dù chỉ mới đi du lịch trực tiếp được ba nơi là Sài Gòn, Huế và Đà Lạt.

“Ơ kìa Việt Nam” có tổng cộng 12 tác phẩm nghệ thuật, là 12 tỉnh thành nằm trong tốp những tỉnh thành nổi tiếng về du lịch của nước ta và 1 tác phẩm cuối cùng sẽ tổng hợp chung hòa về đất nước Việt Nam.

Mỹ Hạnh cho biết: “Mỗi tác phẩm sẽ mang một nét rất riêng, đặc trưng và nổi bật về vùng đất đó. Ví dụ khi nhắc tới Hà Nội người ta sẽ nghĩ tới vùng Thăng Long, Hồ Gươm, nhà thờ lớn Hà Nội… còn khi nhắc tới Huế sẽ là nhã nhạc cung đình Huế, sông Hương, bún bò Huế…”.

đồ án tốt nghiệp
“Ơ kìa Việt Nam” khi được đưa vào lịch (Ảnh: NVCC)

Khi hỏi về sự đặc biệt của đồ án, Mỹ Hạnh cười nói: “Sự đặc biệt của tác phẩm là dòng chữ “Ơ kìa” trải dài và xuất hiện xuyên suốt qua các tác phẩm kèm theo đó là những thắng cảnh của vùng đất được nhắc đến”.

Cô cũng bật mí, hai từ “ơ kìa” là sự bất chợt khi cô đùa giỡn cùng bạn bè và sử dụng câu nói “Ơ kìa”, câu nói “trend” của giới trẻ hiện đại. “Ơ kìa” vừa mang tính dí dỏm, tinh nghịch đồng thời cũng tạo nên sự tò mò gây hứng thú cho người nghe, người xem.

Tỉ mỉ trong từng chi tiết của tác phẩm

Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, trong quá trình làm đồ án cô luôn nhận được sự quan tâm và giúp đỡ từ gia đình, bạn bè. Đây chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất giúp cô hoàn thiện thật chỉn chu tác phẩm của mình. Đặc biệt hơn hết là khi đồ án được tung lên mạng xã hội, cô cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc vì “đứa con” của mình được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Đây là động lực và niềm vui lớn nhất sau bao ngày cố gắng của cô.

Cô cũng chia sẻ thêm, vì thời gian và sức người có hạn nên cô chỉ có thể thiết kế được 12 địa danh và 1 tác phẩm chung về Việt Nam. Nếu có thể, thời gian tới cô sẽ cố gắng để không chỉ dừng lại với 12 tỉnh thành mà sẽ là tất cả tỉnh thành của nước ta.

đồ án tốt nghiệp
Mỹ Hạnh trong ngày lễ tốt nghiệp (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Thanh Long, giảng viên Khoa Mỹ thuật và thiết kế trường Đại học Văn Lang với hơn 20 kinh nghiệm làm nghề cho nhận xét: “Đề cao tinh thần làm việc, trách nhiệm cùng khả năng xử lý và ứng biến đề tài của Mỹ Hạnh, đồ án của bạn cũng có tính ứng dụng cao vào đời sống xã hội”.

Cẩm Tuyết, sinh viên trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) chia sẻ: “Mình thật sự rất ấn tượng với đồ án, vừa có thể quảng bá hình ảnh của đất nước, vừa có thể mua làm quà kỷ niệm mà lại còn giúp hiểu biết nhiều hơn về những nét đẹp trong từng vùng miền của nước ta”.

Chia sẻ với phóng viên, Mỹ Hạnh cũng cho biết thêm đồ án của cô nhận được 8,7 điểm, một số điểm đáng tự hào. Để có tính ứng dụng cao cho đồ án, cô còn thiết kế giả lập đưa logo lên các sản phẩm khác như lịch, áo thun, túi xách, khăn lụa, gối…

Nói về mong muốn, Mỹ Hạnh thổ lộ: “Hy vọng trong tương lai dự án này không chỉ nằm trên giấy bút mà có thể ứng dụng vào thực tế, để khi đi du lịch ở đâu đó đều có thể nhìn thấy dòng chữ “Ơ kìa Việt Nam”.

Bình luận