Phát triển kinh tế tuần hoàn trong trường đại học

(VOH) - Các chuyên gia, diễn giả đã chia sẻ nhiều ý kiến về thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam tại một sự kiện do Trường Công nghệ và thiết kế UEH tổ chức.

Làm thế nào để các trường đại học, các tổ chức trung gian và các quỹ tài trợ có thể đóng góp cho việc phát triển và triển khai các ý tưởng liên quan đến bảo vệ và xử lý các vấn đề môi trường một cách hiệu quả nhất; chiến lược xây dựng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam… là những vấn đề nổi bật được các chuyên gia, diễn giả tại webinar  “Circular Economy and Innovation around Universities”, nằm trong chuỗi sự kiện “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong trường đại học”. 

Chuỗi sự kiện do Trường Công nghệ và thiết kế UEH, Viện Đô thị thông minh và quản lý thuộc Trường Đại học Kinh tế TPHCM cùng với Quỹ Ida C. & Morris Falk và các đối tác khác đồng tổ chức.

kinh tế tuần hoàn
Diễn giả chia sẻ những ý tưởng, sáng kiến khởi nghiệp trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn (Ảnh: UEH)

Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang được quan tâm nhiều hơn và được xem là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế trong khi giảm thiểu và hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường.

Chuỗi sự kiện diễn ra từ tháng 6, thu hút sự tham gia từ đại diện các trường và các tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau, tập trung khai thác các ý tưởng, chủ đề trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kết nối các dự án, nghiên cứu và các giải pháp sáng tạo giúp bảo vệ môi trường, và truyền cảm hứng và lan tỏa nhận thức cho cộng đồng trong việc sản xuất và tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm. 

TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ: “Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, giúp lan tỏa nhận thức đến nhiều đối tượng khác nhau trong xu thế chuyển đổi chung vì sự phát triển bền vững của nhân loại. Hiện tại, Trường cũng đang triển khai các chương trình hành động bền vững và xây dựng mô hình phát triển đại học UEH bền vững với 5 trụ cột gồm: giáo dục, nghiên cứu, vận hành, quản trị và cộng đồng”.

Song song đó, hai webinar với tên gọi “Training & Learning for a Circular Economy Transition” và “Research & Academia in a Circular Economy Transition” dự kiến diễn ra trong tháng 8 và tháng 9 tới, tập trung vào vấn đề liên quan đến vai trò và cơ hội phát triển về nghiên cứu và giáo dục trong kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Bình luận