Chờ...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo viên không gương mẫu phải ra khỏi ngành

(VOH) - Sáng 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bám sát các nội dung về những tồn tại, bất cập cần đổi mới đã nêu trong Nghị quyết từ thời điểm năm 2013 để có những tổng hợp, đánh giá các công việc đã triển khai theo tinh thần Nghị quyết 29. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong năm học mới này, ngành giáo dục cần phát động các thầy cô cùng thi đua, gương mẫu, ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành.  

Đề thi chưa phù hợp

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, về những hạn chế của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua, đề thi chưa thật sự phù hợp với kỳ thi quốc gia, trong đó đề thi có những câu hỏi có độ khó cao, nhằm mục đích phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng đã làm cho đề thi khó hơn đề thi các năm trước, khó so với yêu cầu của thi trung học phổ thông. “Trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẻ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác thanh kiểm tra giám sát của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở chưa sâu sát. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước”,  Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thị Thu chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học tại điểm cầu TPHCM.

Tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia!

Mặc dù xảy ra những tiêu cực trong thi cử, tuy nhiên đa số các địa phương đồng tình ủng hộ việc tiếp tục tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như hiện nay. Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, thông qua rà soát các khâu tổ chức thi, việc tổ chức kỳ thi quốc gia như hiện nay là phù hợp, tiết kiệm cho phụ huynh và học sinh, đề nghị Bộ tiếp tục duy trì hình thức này.

Tại đầu cầu Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang cũng chia sẻ, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại Kiên Giang được tổ chức 3 năm nay khá thành công. Tuy nhiên, những vi phạm xảy ra gần đây khiến cho ngành giáo dục địa phương rất trăn trở. Bà đề nghị Bộ cần rút kinh nghiệm, có phương án đấu tranh phòng ngừa để đảm bảo năm học sau không nên có sự thay đổi quá lớn, gây ảnh hưởng tâm lý chung cho học sinh và xã hội.

 Loại giáo viên không gương mẫu ra khỏi ngành

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục đổi mới phải là một quá trình. Trong quá trình đổi mới giáo dục phải kiên định và theo xu thế của thế giới. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nêu gương của các giáo viên ngay trong năm học mới 2018-2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: “từ xin điểm làm đẹp học bạ cho đến dạy thêm học thêm có phải từ các thầy cô không gương mẫu hay không? Năm học này, Bộ trưởng phải phát động làm sao các thầy cô cùng thi đua cùng gương mẫu, không thể như thế này được. Ai vi phạm, nhất định phải ra khỏi ngành. Khi sa thải một người ra khỏi ngành, mất việc làm, tác động không tốt đến người đó và gia đình. Nhưng, chúng ta không phải vì thế mà làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ”.

Bình luận