Chờ...

Sinh viên học tiếng Anh: Trọng đọc – viết, lờ nghe – nói

(VOH) - Việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay ở nhiều trường đại học vẫn chủ yếu chú trọng kỹ năng đọc, viết.

Mục đích là phục vụ các kỳ thi chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc. Nhóm tác giả của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đã nêu lên thực trạng này, tại Hội thảo Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất do Trường tổ chức sáng nay 1/12.

Sinh viên học tiếng Anh: Coi trọng đọc – viết, lờ nghe – nói

Đại biểu trao đổi về thực trạng giảng dạy tiếng Anh trong trường đại học.

Theo các đại biểu, điểm yếu nhất hiện nay của quá trình giảng dạy tiếng Anh ở hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng chính là thiếu trầm trọng môi trường cọ xát. Đa phần học sinh, sinh viên vẫn phải học tiếng Anh, một loại ngoại ngữ quan trọng với giáo viên, giảng viên người Việt. Trong khi đó, môi trường lý tưởng nhất để rèn một ngoại ngữ chính là thường xuyên giao tiếp với người bản xứ. Bên cạnh đó, quy trình tổ chức thi cử, đánh giá tại các trường hiện nay vẫn đang gò sinh viên vào việc chủ yếu học ngữ pháp, từ vựng khô khan, coi trọng kỹ năng đọc – viết mà lờ đi kỹ năng vô cùng cần thiết khi học bất cứ ngoại ngữ nào chính là nghe – nói. Do quen với nếp học tiếng Anh thụ động, đa phần sinh viên cảm thấy tự ti, thậm chí là sợ khi tiếp cận ngoại ngữ này ở bậc đại học. Lệch kỹ năng, thiếu môi trường giao tiếp, rất khó để sinh viên sử dụng tiếng Anh lưu loát sau khi tốt nghiệp.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, các đơn vị đào tạo cần tạo môi trường giao tiếng tiếng Anh hoặc môi trường song ngữ cho học viên trong giờ học và tại nơi đào tạo để học viên có thể vận dụng ngay kiến thức. Nhà trường, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi về ngoại ngữ, giao lưu giữa các đơn vị, các trường, các trung tâm trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho người dạy lẫn người học có môi trường trao đổi tốt ngoại ngữ.

Đặc biệt, việc nâng cao trình độ giảng viên giảng dạy ngoại ngữ cần đươc chú ý thông qua các hoạt động tạo điều kiện học tập, trao đổi với giảng viên, chuyên gia nước ngoài; cử giảng viên tham quan các mô hình đào tạo ngoại ngữ chuẩn của các nước và các đơn vị đào tạo có uy tín để học tập kinh nghiệm. Các trường cần đưa tiêu chuẩn ngoại ngữ vào điều kiện quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và tạo điều kiện cho các cán bộ, viên chức tích lũy dần các tiêu chuẩn để kích thích việc nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Bình luận