Chờ...

Thay đổi hệ số tuyển sinh lớp 10: Nội thành đồng tình, ngoại thành lo lắng

(VOH) - Mới đây Sở GD&ĐT TPHCM có tờ trình đề xuất điều chỉnh hệ số các môn thi Toán-Văn-Ngoại ngữ lên mức bằng nhau, thay vì Văn và Toán hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1 như các năm trước đây.

Đề xuất này được các phụ huynh, học sinh nội thành ủng hộ, tuy nhiên với trường ngoại thành vẫn còn một số băn khoăn.

Nhiều người ủng hộ chính sách thay đổi hệ số tuyển sinh lớp 10

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (Quận 3), cảm thấy an tâm rất nhiều khi nhận được thông tin môn tiếng Anh, môn học con gái được tiếp cận từ nhỏ, dự kiến sẽ có hệ số bằng với 2 môn còn lại trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Vì vậy, chị hy vọng nếu chính thức được thông qua, sự thay đổi này sẽ là một lợi thế cho con gái khi tham gia kỳ thi tuyển sinh tới đây.

 tuyển sinh lớp 10
Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi - Kỳ thi tuyển sinh 10 năm 2020 (Ảnh: Tuyết Nhung)

"Từ đầu năm các em đều được cho đi học ôn, luyện thi nên kiến thức rất ổn. Với môn Tiếng Anh từ mẫu giáo nhiều phụ huynh đã cho con em đi học nên khả năng của các con tốt hơn xưa rất nhiều. Nếu điều chỉnh hệ số như vậy thì sẽ công bằng giữa các môn. Môn Ngoại ngữ giờ cũng phổ biến, quan trọng như các môn khác" – chị Lan chia sẻ.

Bộ Giáo dục công bố danh sách 16 trường đại học tại Việt Nam được cấp chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Điều kiện để miễn thi môn ngoại ngữ

Cùng quan điểm, chị Đồng Thị Chi (Quận Bình Tân) cho rằng, việc đưa hệ số môn Tiếng Anh ngang bằng với các môn thi khác là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Chị cho rằng, với đề xuất này sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh là khá cao:

Theo chị Chi: "3 môn chia đều ra luôn cho công bằng. Bởi vì, hiện môn tiếng Anh cũng chiếm thời lượng khá nặng trong chương trình, không như trước đây Văn - Toán là chính. Hiện môn Anh văn cũng gần như môn học chính. Chia đều ra, tôi nghĩ phụ huynh đều đồng ý, làm khảo sát chắc 70-80% đồng ý. Tất nhiên không thể 100%". 

Theo ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều (Quận Tân Bình), việc thay đổi hệ số các môn thi trong đó nâng cao vai trò của môn Tiếng Anh xét ở góc độ nào đó mang lại lợi thế cho thí sinh.

Nếu học sinh đầu tư nghiêm túc, môn học này dễ lấy điểm cũng như xác định điểm hơn so với một số bộ môn khác. Đơn cử ở bộ môn Ngữ văn, để đạt điểm trên 7 không phải là chuyện đơn giản mà phụ thuộc vào cảm nhận, năng khiếu, hướng suy nghĩ, nhận thức của các em.

Mặt khác, học sinh đã có tâm thế đầu tư cho môn Ngoại ngữ vì môn học này vốn đã nằm trong số những môn thi tuyển truyền thống.

Vị hiệu trưởng này cũng cho biết, việc dạy học và ôn tập 3 bộ môn Văn - Toán- Ngoại ngữ tại trường đã có kế hoạch và triển khai từ đầu năm. Nếu có sự điều chỉnh hệ số, giáo viên nhà trường cũng sẽ dạy học theo kế hoạch trước đó, không có sự xáo trộn.

Ông Nguyễn Xuân Đắc đánh giá: "Thực sự nhà trường không có thay đổi gì. Cho dù, hệ số 2 hay hệ số 1 thì vẫn phải có kế hoạch bồi dưỡng dạy cho học sinh có kết quả tốt. Chứ không thể nâng cái này lên, hạ cái kia xuống. Vì đây là kỳ thi tuyển nên các điểm số thể hiện khả năng của các em học sinh".

Thực tế, việc nâng cao vai trò môn Ngoại ngữ là một yêu cầu tất yếu. Thông tư 26 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đầu năm học cũng đã thể hiện quan điểm này khi đưa môn Ngoại ngữ vào cùng với 2 môn Văn, Toán trong danh sách 3 môn điều kiện.

Để đạt học sinh giỏi, ngoài điểm trung bình các môn trên 8.0, không môn nào dưới mức khống chế 6.5, các em cần phải có điểm trung bình 1 trong 3 môn Toán - Văn - Ngoại ngữ trên 8.0. Vì vậy, học sinh cũng đã ý thức được vị thế của môn học trong chương trình.

Sự thay đổi chỉ có ở mức thang điểm chuẩn kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay cao nhất sẽ là 30 điểm thay vì 50 điểm như trước đây. Tuy nhiên, giá trị chuẩn đầu vào của các trường khá ổn định, học sinh có thể căn cứ vào sức học và mức cạnh tranh của trường để xác định các nguyện vọng.

Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở đã về hưu cho rằng: "Nếu không thay đổi thì năm sau cũng vậy, chắc chắn cũng phải thay đổi vì đó là chủ trương chung của Bộ. Thế hệ trẻ hướng đến yêu cầu của công dân toàn cầu, các em phải có ngoại ngữ để đi ra làm việc, sinh hoạt, tiếp cận với thế giới.

Hiện, phụ huynh nào cũng đầu tư cho con học ngoại ngữ, theo cách này hoặc cách khác. Tôi cho rằng, nếu mạnh dạn thì nên tiến hành trong năm nay để các cháu có tinh thần".

Thầy trò ngoại thành còn… lăn tăn

Đồng tình với quan điểm học sinh Việt Nam cần trau dồi tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung để hội nhập, gắn kết với thế giới, nhưng ông Võ Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phong Phú (Huyện Bình Chánh) vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Theo hiệu trưởng này việc thay đổi hệ số môn tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng nâng vị thế của môn ngoại ngữ là cần thiết, nhưng cần có sự chuẩn bị tâm thế cho giáo viên, học sinh và phụ huynh ngay từ đầu năm học.

Ông Võ Thanh Nhàn cho rằng: “Về quan điểm cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ, tuy nhiên xét trên bình diện chung đối với học sinh và giáo viên ngoại thành, sự tiếp cận nhanh quá, sự thay đổi đó có thể không theo kịp dẫn đến chất lượng thi tuyển sinh không khả quan. Nhất là những năm gần đây tỉ lệ điểm thi môn ngoại ngữ ở Bình Chánh không cao. Hơn nữa, ở nội thành có nhiều trung tâm ngoại ngữ, học sinh tiếp cận thuận lợi. Còn ở ngoại thành học sinh ít có điều kiện đến trung tâm ngoại ngữ.

Nếu tháng 3 mới kết luận, sự chuẩn bị để thay đổi hệ số, thời lượng thêm 30 phút và tăng số lượng câu trong đề tiếng Anh sẽ hơi khó”.

Thực tế, các trường trung học phổ thông ở ngoại thành mức độ cạnh tranh không quá cao. Học sinh ngoại thành gặp khó ở môn Ngoại ngữ cũng sẽ là tình hình chung tại địa phương đó nên việc tranh suất vào trường trung học phổ thông cũng không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, anh Đoàn Huệ Nam (Xã Phong Phú, Huyện Bình Chánh) có con đang học lớp 9 trên địa bàn, cho rằng sự chuẩn bị để nâng cao chất lượng tuyển sinh cũng thể hiện sự kéo gần khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành.

Theo anh Nam: "Môn Anh văn đối với ngoại thành lạ lẫm hơn so với nội thành. Giữa nội thành và ngoại thành có sự chênh lệch. Nếu có sự chuẩn bị, nội thành không bàn, nhưng ngoại thành sẽ tốt hơn. Học sinh ngoại thành cũng phải cố gắng, phấn đấu phát triển tốt hơn, để cho nội thành và ngoại thành gần nhau hơn. Mình đổi mới trong sự chuẩn bị vẫn hay hơn".

Ngoại trừ khu vực Hóc Môn, điểm chuẩn kỳ thì tuyển sinh 10 ở một số huyện ngoại thành vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của Thành phố. Yêu cầu của sự phát triển vốn không phân biệt nội thành hay ngoại thành, nhưng sự tăng tốc đầu tư cần có sự thay đổi.

Trong giáo dục, đổi mới đề thi, đổi mới công tác đánh giá là sự thúc đẩy hiệu quả quá trình đổi mới giáo dục. Làm sao để việc đổi mới được đồng bộ, hiệu quả, ngoài thời gian, tâm thế, cũng cần lắm sự tích cực chủ động của người dạy và người học, của nhà trường, gia đình và xã hội.

Bình luận