Chờ...

Thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao công nghệ từ ĐH đến công nghiệp: Liên kết ba nhà - sự hợp tác tất yếu

(VOH) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội.

Trong đó, thực tế xã hội luôn đặt ra những bài toán hóc búa, đòi hỏi các trường đại học với nhiệm vụ và sứ mạng của mình phải nhanh chóng nhận diện vấn đề, bắt tay nghiên cứu để giải quyết. Các viện, trường đại học cũng không thể đứng một mình trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội. Trong đó, mối liên kết đại học – doanh nghiệp – nhà quản lý là một sự hợp tác tất yếu, mang tính bền vững, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Với Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc củng cố và mở rộng mối liên kết này trong thời gian qua đã có những kết quả nổi bật, đồng thời cũng là một trong những chiến lược trọng tâm của Trường. Tiếp tục loạt bài Thúc đẩy thương mại hóa – chuyển giao công nghệ từ đại học đến công nghiệp, VOH phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng trường Trường Đại học Bách Khoa xung quanh những bài học kinh nghiệm liên quan đến vấn đề này:

* VOH: Thưa ông, vấn đề thúc đẩy mối liên kết giữa cơ sở giáo dục – doanh nghiệp – nhà quản lý cũng là một trong những chiến lược trọng tâm của nhà trường. Đến nay, trường đã có những kết quả nổi bật trong vấn đề này như thế nào?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Thảo: Sự liên kết giữa ba nhà là nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp rất quan trọng đối với tất cả các cơ sở đào tạo. Xác định được điều này, từ khá lâu chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động và đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua. Đầu tiên, về mạng lưới các đối tác, hiện chúng tôi đã hình thành được mạng lưới liên kết giữa các bên, đặc biệt với khối doanh nghiệp. Doanh nghiệp có mối hợp tác sâu rộng với trường hiện có hơn 100 doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài. Chúng tôi cũng hợp tác với các nhà quản lý, các cơ quan quản lý khác nhau như: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ngành Thành phố, các địa phương, các Bộ ngành trung ương….

Trường cũng xây dựng được nhiều chương trình đào tạo, trong đó có ý kiến phản hồi từ các bên liên quan, đặc biệt từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Thứ hai, chúng tôi thực hiện được nhiều chương trình khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ đến cho các đối tác khác nhau: từ doanh nghiệp, từ địa phương. Có thể thấy rằng, sự nhìn nhận từ xã hội, từ các doanh nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước đều đánh giá cao những kết quả mà chúng tôi đạt được trong thời gian qua. Song song các hoạt động trên, chúng tôi cũng lấy ý kiến từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhằm cải tiến chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của địa phương, của đơn vị sử dụng lao động.

chuyển giao công nghệ, trường Đại học, ngày 26 tháng 11 năm 2020
Ảnh minh họa: TTO

* VOH: Để cái bắt tay giữa nhà trường với địa phương và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, về phía cơ sở giáo dục, trường đại học mong muốn gì từ các đối tác này?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Thảo:

Có rất nhiều mong muốn từ trường đối với các đối tác. Tôi xin chia sẻ một vài ý kiến chi tiết. Đầu tiên, đối với các cơ quan quản lý, chúng tôi mong muốn có cơ chế mở hơn, thoáng hơn, đặc biệt trong bối cảnh nhà trường sắp tới đi theo định hướng tự chủ đại học. Với cơ chế thoáng, chúng tôi sẽ có nhiều khả năng hợp tác tốt hơn với các đối tác rất nhiều. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi mong được lắng nghe nhu cầu cụ thể, phản hồi cụ thể từ họ. Vì, một trong những định hướng của trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển của xã hội, của địa phương, doanh nghiệp. Chúng tôi cũng phải thực hiện các nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cho họ để bắt kịp, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn nhận thêm các phản hồi tích cực từ các đối tác của nhà trường. Từ phản hồi, chúng tôi mới biết được hướng đi như thế nào là đúng, là cần thiết trong thời gian tới. Thật sự trong bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam, nếu các trường đại học đứng một mình thì rất khó để triển khai nhiều hoạt động mang tính trọng điểm như về các ý tưởng thực hiện, về chương trình hợp tác, và còn nhiều sự hỗ trợ khác nữa. Chúng tôi cần các bên liên quan cùng đồng hành với chúng tôi.

* VOH: Đối với vấn đề thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ đại học đến công nghiệp, trường có kết quả và bài học kinh nghiệm đối với vấn đề này ra sao?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Thảo: Đây là vấn đề mà trường đại học quan tâm, chúng tôi cũng rất thấu hiểu nên chuẩn bị vấn đề này một cách khá dài hơi. Đầu tiên, đó là việc đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản, song song đó chúng tôi đang thúc đẩy các nghiên cứu mang tính ứng dụng nhiều hơn. Với sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng, thường chúng ta có thể thấy được hiệu quả trong thời gian ngắn, đáp ứng được ngay nhu cầu của đơn vị sử dụng của địa phương hay doanh nghiệp. Khi chúng tôi xác định ra hai kênh rõ ràng như vậy, chúng tôi dễ dàng hơn triển khai mảng thương mại hóa các sản phẩm. Chúng tôi có ngân hàng tương đối lớn các đề tài, các sản phẩm khoa học công nghệ mà có thể triển khai ra thực tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thúc đẩy mảng hợp tác đối ngoại trong trường. Với kênh truyền thông và đối ngoại chúng tôi lan tỏa được thông điệp rất rộng đến các doanh nghiệp bên ngoài, tiếp thu được nhu cầu của họ. Sau đó, khi trở về trường chúng tôi cùng trao đổi ở trong trường với nhau để làm thế nào đáp ứng được nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp. Một vấn đề nữa về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, mảng này cũng rất quan trọng để hỗ trợ cho mục đích thương mại hóa sản phẩm. Nếu không đẩy mạnh mảng này thì chúng ta rất khó để chúng ta có thể chuyển giao công nghệ hay thương mại hóa sản phẩm. Chúng tôi thúc đẩy tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận kiến thức về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Hiện Trường có Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ thầy cô, giảng viên trẻ, sinh viên tiếp cận với vấn đề thương mại hóa sản phẩm, cách tạo dựng doanh nghiệp, cách thức đổi mới sáng tạo…

* VOH: Có thể ví mối quan hệ ba nhà như thế kiềng ba chân. Vậy, theo cá nhân ông, các bên tham gia giữ vị thế, vai trò như thế nào. Vai trò của đại học là gì?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Danh Thảo: Đây là câu hỏi thú vị. Cá nhân tôi cho rằng, vai trò của các bên liên quan nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp là không thể thiếu và đều giữ vai trò hết sức quan trọng. Chỉ cần thiếu đi một bên thôi thì kết quả không thể triển khai được và không theo định hướng chúng ta mong muốn. Đại học giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như vai trò dẫn dắt trong công cuộc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Vì vậy, trường đại học cũng có vai trò tạo động lực cho sự thay đổi, phát triển của xã hội, cộng đồng. Nếu thiếu vai trò của nhà quản lý, chúng ta rất khó có cơ chế, cách thức đổi mới, vận hành hiệu quả và thiếu sự kết nối các bên và khó thực hiện được điều mà trường đại học mong muốn. Nếu thiếu đi nhà doanh nghiệp – họ là nơi sử dụng lao động, sử dụng sản phẩm, kết quả nghiên cứu khoa học của trường thì đại học sẽ không có môi trường để triển khai, ứng dụng những kết quả đó, nên chúng ta không thể đánh giá được nó tốt hay không. Do đó, tôi khẳng định vai trò của cả ba nhà rất quan trọng và quan trọng như nhau.

* VOH: Xin cảm ơn ông!

Bình luận