Chờ...

Từ SIHUB đến Mekong Innovation Hub: Muốn đi xa – hãy đi cùng nhau!

(VOH) - SIHUB là mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước hỗ trợ dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực.

Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM - Saigon Innovation Hub, gọi tắt là SIHUB là mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam, được Nhà nước hỗ trợ dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. SIHUB là nơi tiếp nhận các nguồn lực của Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai, giúp đỡ các hoạt động khởi nghiệp, nhằm hướng đến là thành phố khởi nghiệp của quốc gia. Là một trong những đơn vị đi đầu về các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Thành phố, kết nối chặt chẽ với các bên liên quan trong nước và thiết lập quan hệ đối tác với hệ sinh thái của trên 30 quốc gia, SIHUB đúc kết những kinh nghiệm, nguồn lực và khả năng kết nối để hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái địa phương. Bước đầu SIHUB hỗ trợ tỉnh Bến Tre thành lập, đào tạo, tư vấn và giám sát vận hành Mekong Innovation Hub. Ý nghĩa của sự kết nối này còn xa hơn thế nữa, nội dung được ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành SIHUB chia sẻ với Phóng viên Thùy Linh. Nội dung này kết thúc loạt bài Từ SIHUB đến Mekong Innovation Hub:

Mekong Innovation Hub

*VOH: Thưa ông, tháng 11/2019, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre phối hợp với SIHUB ra mắt Không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre – gọi tắt là Mekong Innovation Hub. Vậy, gọi SIHUB giống như “bà đỡ” cho Mekong Innovation Hub, liệu có đúng?

Ông Huỳnh Kim Tước: Trong suy nghĩ của tôi, SIHUB trước là đối tác, sau là người hỗ trợ, giúp đỡ cho Mekong Innovation Hub có thể được thiết kế, xây dựng và vận hành thuận lợi. Xét ở góc độ là đối tác, chúng ta nên hiểu rằng mọi mối quan hệ đều dựa trên nền tảng là cùng tham gia vào hoạt động chung. Trong hoạt động chung, có sự phân công người này làm việc này, người kia làm việc kia. Đó là lý do chúng tôi tìm đến Bến Tre, cũng như là tìm đến các đối tác khác, như cách mình tìm các đối tác cùng tham gia một câu chuyện chung. Chúng tôi biết chúng tôi làm gì, họ phải làm gì, đó là góc nhìn đặt ra khi chúng tôi đặt ra với Bến Tren để xây dựng Mekong Innovation Hub. Trong sự hợp tác này, chúng tôi nhận thức rằng vai trò của mình, của Thành phố Hồ Chí Minh, là đơn vị đầu tàu, đi trước, chúng tôi có trách nhiệm là chia sẻ nguồn lực, giúp cho các địa phương có thể từ nguồn lực hiện hữu của địa phương, cộng với nguồn lực mà Thành phố chia sẻ thì có thể giúp cho hoạt động đó của địa phương phát triển tốt đẹp hơn. Xa hơn, sự phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Bến Tre thành công, cũng sẽ gắn kết với Thành phố Hồ Chí Minh trong chuỗi hoạt động chung. Cho nên, đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự chia sẻ, coi đó là sự phân công hợp tác với nhau. Đó là tâm thế của chúng tôi đặt ra khi làm việc với Bến Tre.

*VOH: Vậy, tại sao không phải là “Ben Tre Innovation Hub” mà lại là Mekong Innovation Hub – nó không dừng lại ở việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của riêng Bến Tre?

Ông Huỳnh Kim Tước: Bản chất tên gọi - nó hướng đến vấn đề hướng ngoại và thị trường. Chúng ta cần có định vị rằng ở vị trí này, ở Việt Nam, chúng ta tham gia với toàn cầu. Thứ hai, nguyên tắc của thị trường, của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không giới hạn. Do vậy, chúng ta không thể tự nhiên khu trú mình. Rằng Hub này chỉ hoạt động trong phạm vi của tỉnh Bến Tre, rõ ràng là chuyện không thể. Kinh doanh, đầu tư bây giờ không có giới hạn. Do vậy, Bến Tre có thể là đơn vị tiên phong trong việc định vị Hub này, trước là phục vụ cho Bến Tre, nhưng mở rộng ra là sự kết nối của khu vực, của vùng, cũng là nơi mà cộng đồng các địa phương khác đến tham gia. Mekong Innovation Hub cũng có thể là điểm kết nối, phân công với các địa phương khác để thành một hệ thống, cũng như đang làm với Thành phố Hồ Chí Minh. Ngược lại, Thành phố Hồ Chí Minh cũng định vị Bến Tre là đầu mối, để Thành phố làm gì với Đồng Tháp, với Cần Thơ….chúng ta sẽ có nền tảng khởi động ban đầu. Cần suy nghĩ rằng, vì nguồn lực chúng ta có hạn, nguồn lực trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì không dễ dàng gì mang được từ Hà Nội, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bến Tre hay Cà Mau. Vậy, cách chúng ta xây dựng hạ tầng, Mekong Innovation Hub hàm chứa hai hạ tầng: hạ tầng vật lý là tạo ra không gian, thứ hai là hạ tầng online mang tính kết nối. Ví dụ, rất khó để mang những nhà đầu tư tài chính, các mentor (người hướng dẫn), doanh nghiệp nước ngoài…..từ Thành phố di chuyển đến Bến Tre hay Cà Mau. Vậy, đây là cách SIHUB hỗ trợ. Họ đến Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua nền tảng online, các khóa đào tạo, chương trình huấn luyện đó được xuống đến tận các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn lực từng địa phương không nhiều, phân công Bến Tre với nền tảng ban đầu như vậy, tiếp tục đến các địa phương khác, chúng ta cùng xây dựng chung một công cụ. Chúng ta bắt đầu đã có điểm xuất phát với hạ tầng, không gian như vậy, hạ tầng online như vậy. Việc tiếp theo, chúng tôi cùng Bộ Khoa học và Công nghệ hình thành mạng lưới liên kết, chúng ta cùng đóng góp cùng chia sẻ tài nguyên, chia sẻ nguồn lực của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, dựa trên những gì đang có. Điều đó dựa trên điểm tiên phong của SIHUB và Mekong Innovation Hub.

*VOH: Nghị quyết 52 về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã khẳng định vai trò của các trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp ở các khu vực. Vậy, từ hình mẫu là SIHUB của Thành phố Hồ Chí Minh, bài học kinh nghiệm trong quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cho Thành phố, đó là gì?

Ông Huỳnh Kim Tước: Tôi có may mắn được tham gia nhiều buổi chia sẻ, đóng góp cho các dự án thành lập trung tâm khởi nghiệp quốc gia, mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp của khu vực, vùng, đều nhấn mạnh đến việc hợp tác, liên kết với các trung tâm đã có ở các địa phương. Ví dụ, đối với dự kiến thành lập Trung tâm khởi nghiệp ở miền Nam cũng xác lập rằng phải hợp tác với SIHUB, là đối tác để cùng phát triển, triển khai hoạt động này ở miền Nam. Đó là cách làm mang tính tích cực. Bài học của SIHUB – là bài học về cách thức xây dựng mô hình, mô hình có chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở một địa phương. Đặc biệt, trong mô hình này thể hiện vai trò bàn tay của nhà nước trong hệ thống đó. SIHUB là nơi đang được hơn 40 tỉnh thành, khoảng 6 nước đến học tập để chia sẻ cách làm, chia sẻ kinh nghiệm. Hoặc, nó có những bài học kinh nghiệm nhỏ hơn, khác hơn như mô hình PPP (mô hình hợp tác công - tư), sự tự chủ tài chính hoạt động thế nào, tổ chức tham mưu ra sao…..Vai trò của SIHUB như là hạt nhân của hệ sinh thái, có vai trò thúc đẩy, giúp đỡ các thành phần trong hệ sinh thái. Các thành phần trong hệ sinh thái bao gồm cả chức năng tham mưu cho nhà nước. Mô hình của SIHUB có thể chia sẻ được cho các địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đây là mô hình mang tính tham khảo. Mỗi địa phương phải định vị tình hình phát triển kinh tế xã hội như thế nào, mình cần hệ sinh thái ra sao. Với hiện trạng hiện nay, từ việc tham khảo mô hình đó, việc thiết kế hệ sinh thái mô hình đó cho địa phương mình, cho khu vực, cho vùng như thế nào, đó là những điều hết sức cần thiết có sự hiểu biết, chuẩn bị nguồn nhân lực kể cả về mặt nhận thức, hiểu biết về chuyên môn để có thể thiết kế cho địa phương, cho khu vực.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận