Chờ...

Tuyển sinh 2024: Các trường đại học cân nhắc tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu thị trường

VOH - Một số trường đại học hiện đã công bố phương án tuyển sinh 2024, tuy nhiên, nhiều trường vẫn đang xây dựng đề án, hướng tới tuyển sinh và đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong vài tuần qua, một số trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh 2024, trong đó, các phương thức tuyển sinh năm 2024 về cơ bản không có nhiều thay đổi so với các năm trước.

Một số trường khác đang trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh, có kế hoạch mở ngành học mới, tăng số lượng tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm ngay, phù hợp với chuyên môn.

đại học bách khoa
Sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) - Ảnh: T.Huy

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) dự kiến sẽ mở thêm ngành Thiết kế Vi mạch, Kinh tế Xây dựng, Địa kỹ thuật Xây dựng, Khoa học dữ liệu. Đây là các ngành đáp ứng nhu cầu mới của đất nước (vi mạch), phát triển kinh tế (kinh tế xây dựng) và đảm bảo hạ tầng cơ sở vật chất (địa kỹ thuật xây dựng).

Ngoài ra, trường sẽ mở tuyển sinh thêm các chuyên ngành hấp dẫn mới là Hóa dược (đã đào tạo), Hoá Mỹ phẩm (phát triển từ hướng ngành hẹp đã có, đã được đầu tư cơ sở vật chất mạnh và sự phối hợp xây dựng chương trình đào tạo với sự hỗ trợ từ dự án của Chính phủ Hàn Quốc), Quản lý dự án xây dựng (đã đào tạo bậc thạc sĩ). Đây là các chuyên ngành thế mạnh của nhà trường, được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM) cũng đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về Thiết kế vi mạch và Công nghệ bán dẫn, dự kiến tuyển sinh trong năm 2024. Hai ngành này có thời gian đào tạo 4 năm với tổng số 135-140 tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp sẽ nhận được bằng cử nhân kỹ thuật.

Trường Đại học Công nghệ TPHCM, năm 2024 trường dự kiến tuyển mới 7 ngành, gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính. 

Đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực cao và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số.

Với trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, PGS.TS. Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường sẽ tiếp cận công nghệ và mở ngành đào tạo Đường sắt cao tốc, đường sắt Metro vào năm 2024.

Liên quan đến nguồn nhân lực phục vụ mạng lưới giao thông đô thị, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã đón đầu đào tạo đa ngành từ xây dựng tới vận hành hệ thống metro. Trường đào tạo chuyên ngành này được 15 năm (từ năm 2008 đến 2023), cung cấp lực lượng kỹ sư cho việc thiết kế, xây dựng, quản lý dự án đường sắt đô thị của nước ta.

Các kỹ sư và cử nhân tốt nghiệp các ngành và chuyên ngành gần khác như xây dựng cầu đường bộ, quy hoạch và quản lý giao thông, quản lý xây dựng, kinh tế vận tải, hệ thống điện giao thông… hiện cũng tham gia vào quá trình xây dựng dự án metro và vận hành sau này.

Đặc biệt, Trường đang kết hợp cùng với Tập đoàn Đèo Cả để đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng trong lĩnh vực đường sắt đô thị của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, đại diện Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành hàng không nói chung và nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành nói riêng, trong năm 2023, Học viện đã tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành và năm 2024 dự định cũng giữ nguyên mức tăng này để cung ứng đủ nhân lực đúng thời điểm sân bay đi vào hoạt động.

học viện hàng không
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu về các ngành đào tạo tại Học viện Hàng không Việt Nam - Ảnh: HVHK

TS. Nguyễn Thị Hải Hằng – Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn 1, nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành dự kiến vào khoảng 14.000 người - có nghiệp vụ về hàng không. Trong khi đó, một số vị trí công việc ngoài 4-5 đào tạo bậc đại học, sẽ cần thêm từ 1-2 năm đào tạo chuyên sâu tại các vị trí cụ thể…

Học viện hiện đã trao đổi với một số doanh nghiệp trong ngành nhằm đào tạo nhân lực cho các vị trí khác nhau, chẳng hạn như bảo dưỡng tàu bay… Đồng thời, Học viện cũng đã đăng ký làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc đào tạo một số vị trí việc làm từ nguồn nhân lực địa phương nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người dân khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Theo TS. Nguyễn Thị Hải Hằng, việc đào tạo nhân lực cho ngành hàng không cần theo lộ trình và cần tính toán kỹ lưỡng bởi có những nghề sẽ phải đào tạo ngay, nhưng một số vị trí sẽ cần vài năm nữa mới đào tạo để ra trường đúng thời điểm, đáp ứng được nhu cầu việc làm khi ngày càng nhiều sân bay được đầu tư xây dựng.

Bình luận