Chờ...

Ứng dụng công nghệ hỗ trợ kiểm soát Covid-19 trong trường học

(VOH) - Camera tầm nhiệt tự động nhận dạng, đo nhiệt độ, đếm số người; Kiosk thông minh hỗ trợ đăng ký, tra cứu thông tin… là những giải pháp hỗ trợ kiểm soát Covid-19 khi học sinh trở lại trường.

Tại hội thảo chuyên đề Công nghệ phòng chống Covid-19 trong các cơ quan, tổ chức, trường học diễn ra sáng nay (9/9), những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin giàu tính đổi mới sáng tạo như giải pháp camera tầm nhiệt tự động nhận dạng, đo nhiệt độ, đếm số người ra vào; Kiosk thông minh hỗ trợ đăng ký, tra cứu thông tin, dữ liệu… đã được chia sẻ, nhằm góp phần hỗ trợ kiểm soát Covid-19 khi học sinh trở lại trường.

Chuyên đề Công nghệ phòng chống Covid-19 trong các cơ quan, tổ chức, trường học, thuộc chuỗi sự kiện “HCA TekTalk Series: Công nghệ và Cuộc sống” do Hội Tin học TPHCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM và các đối tác thực hiện.

HỘI THẢO
Hội thảo chuyên đề Công nghệ phòng chống Covid-19 trong các cơ quan, tổ chức, trường học được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ về giải pháp TK Smart Vision Edu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ kiểm soát Covid-19 trong trường học, ông Phan Huỳnh Diễn, đại diện Công ty Cổ phần Titkul chia sẻ, dự án đã được kết nối vào trục cơ sở dữ liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, có xác nhận phần mềm đủ điều kiện sử dụng tại trường học.

Giải pháp này cũng được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM công nhận và tài trợ ngân sách mục tiêu số hóa các trường trên địa bàn Thành phố. Với TK Smart Kiosk, Kiosk được lắp ở cổng trường có chức năng như một người máy học với 4 tính năng: nhận diện gương mặt, cảm biến đo nhiệt độ học sinh, rửa tay sát khuẩn tự động, truyền các thông điệp của nhà trường tới phụ huynh, học sinh nhằm nâng cao ý thức phòng tránh dịch.

Ông Phan Huỳnh Diễn cho hay: “Công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý hình ảnh gương mặt (FaceID), tổ chức kho dữ liệu (data warehouse) giúp thực hiện các thao tác như báo cáo thống kê, giúp dễ dàng trong công tác quản lý cho nhà trường, cũng như tổ chức và doanh nghiệp. Internet vạn vật (IoT) giúp các thiết bị được kết nối với nhau thông qua hệ thống một cách chính xác và liên tục nhất”.

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho hay: “Mục tiêu của việc hình thành hệ sinh thái online để chúng ta đưa những hoạt động hiện đang triển khai theo hình thức offline (trực tiếp) trở thành hoạt động trực tuyến, thu hút được nhiều người xem hơn. Vì là hệ sinh thái, nên các thành phần hoàn toàn có thể liên kết và chia sẻ các nguồn lực hiện có của mình, không nhất thiết phải gặp mặt trực tiếp hoặc tổ chức những sự kiện offline. Đây là vấn đề mà Sở Khoa học và Công nghệ đang muốn thúc đẩy để hình thành hệ sinh thái online, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ”.

Chia sẻ thêm về sự phối hợp này, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cũng thông tin thêm: “Hội tin học cũng đang cùng với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố để lên những chương trình kết nối hệ sinh thái trong trường học. Chúng ta phải có nội dung các bài giảng cho học sinh trên lớp như thế nào, trong lúc online, lúc học ở nhà thì như thế nào. Chúng tôi đã và đang làm việc với một số đơn vị có liên quan để sau này phối hợp với nhau. Chúng ta cần thêm những giải pháp quản lý trong lớp học, trường học như thế nào để cho việc dạy và học đạt kết quả tốt hơn trong và sau dịch Covid-19, đồng thời tăng cường sự sáng tạo”.

Theo bà Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Sở mong muốn làm cầu nối để triển khai ứng dụng những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin có tính đổi mới sáng tạo cao, có hiệu quả thiết thực giúp tăng cường công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, tổ chức, trường học. Qua đó, sớm đưa mọi hoạt động trở về trạng thái “bình thường mới” để người dân yên tâm sinh hoạt, học tập và lao động.

Bình luận