Chờ...

Xét tuyển học bạ: Cánh cửa "mở toang” cho thí sinh muốn vào đại học

(VOH) - Kể từ đầu tháng 5, nhiều trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng hình thức xét tuyển học bạ với điều kiện điểm sàn trung bình mỗi môn từ khoảng 6.0.

Nếu như trước đây, nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ chỉ là phương án chẳng “đặng đừng” khi thí sinh không thể đậu đại học bằng nguyện vọng 1, 2 - thì nay “mọi sự đã khác”. Ngay thời điểm đang “nóng hừng hực” ôn thi tốt nghiệp thì các thí sinh vẫn có thể nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ.

Xét học bạ giờ đây trở thành “cứu cánh” để nhiều thí sinh…đỗ đại học sớm và điểm thi tốt nghiệp sắp tới chỉ cần ở mức… không rớt môn nào.

phương thức tuyển sinh, tuyển sinh 2018, xét tuyển học bạ trong tuyển sinh

Đông đảo thí sinh, phụ huynh có mặt tại Đại học HUTECH trong sáng 2/5 (Ảnh: Báo Giáo dục TPHCM)

Nhiều trường “xả cửa” xét tuyển học bạ

Theo thống kê năm 2018, cả nước có khoảng hơn 100 trường đại học, cao đẳng áp dụng hình thức tuyển sinh bằng học bạ, và ngay từ tháng 4/2018, nhiều trường đã bắt đầu nhận hồ sơ.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở 5 đợt xét tuyển học bạ lớp 12 đối với tất cả các ngành đào tạo, trong đó đợt 1 xét tuyển đã bắt đầu từ ngày 16/4 và dự kiến kéo dài đến hết ngày 9/7. 

Năm 2018, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM dành 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT năm lớp 12. Từ ngày 2/5 trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đối với các thí sinh có tổng điểm trung bình các môn dùng để xét tuyển cho từng ngành trong năm lớp 12 đạt từ 18.0 trở lên.

Từ ngày 3/5, Đại học Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ lớp 12. Với phương thức này, thí sinh cần tốt nghiệp THPT và có tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình chung cả năm lớp 12 đạt từ 6.0 trở lên là đã có cơ hội trúng tuyển.

Đại học Hoa Sen nhận hồ sơ xét tuyển trên kết quả học tập (học bạ) THPT (phương thức 2) và các điều kiện theo yêu cầu của trường (phương thức 3) từ ngày 2/5. Theo đó, với phương thức 2, điều kiện xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 6,0 điểm trở lên (làm tròn đến một số thập phân). Với một số ngành đặc thù thì một trong các môn xét tuyển nhích lên một chút ở mức 6,5.

Đại học HUTECH áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ lớp 12 cho tất cả các ngành, tuy nhiên điểm xét tuyển có chút khác biệt đối với từng ngành. Cụ thể, điểm xét tuyển cần đạt từ 20 điểm trở lên (đối với ngành Dược) và từ 18 điểm trở lên (đối với tất cả các ngành còn lại). Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển.

Theo đánh giá của một số trường thì đây là phương thức xét tuyển nhanh, đơn giản về hồ sơ thủ tục, đa dạng tổ hợp môn xét tuyển và quan trọng là giảm đi rất nhiều “áp lực” cho thí sinh.

Giảm áp lực thi cử

Hiện nay, hầu hết các trường có tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT đều nhận hồ sơ sớm trước kỳ thi THPT. Việc nhận hồ sơ cũng vô cùng linh hoạt khi thí sinh có thể nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Do đó, thí sinh có thể “thong thả” lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển và nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào trường mình yêu thích.

Biết được điểm số, kết quả học tập 3 năm, hiểu được tổ hợp xét tuyển các trường, thí sinh dễ dàng cân nhắc, chọn tổ hợp điểm cao để xét tuyển. So với xét tuyển bằng điểm Tốt nghiệp THPT quốc gia, thì hình thức này, thí sinh chủ động hơn rất nhiều trong việc đăng kí.

Việc nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cũng giúp thí sinh có thể biết trước kết quả trúng tuyển (trước khi thi tốt nghiệp) và vấn đề còn lại chỉ là ôn, học đủ để thi đỗ tốt nghiệp. Điều này giúp giảm áp lực thi cử và cũng là một trong những lý do khiến nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn.

Thực tế nếu chọn phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thí sinh sẽ cực kì căng thẳng trong việc ôn thi, chờ đợi kết quả thi, nộp kết quả thi rồi lại chờ kết quả xét tuyển của trường đại học, nộp nguyện vọng 1 lại chuyển nguyện vọng 2… Đây là quá trình vô cùng căng thẳng đối với thí sinh và cả gia đình. Đó là chưa kể tới việc xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia, “tỉ lệ chọi” giữa các thí sinh khác đăng kí cùng ngành, cùng trường khá cao, khả năng trúng tuyển đại học sẽ khó hơn. 

Hiện nay, dù xét tuyển đầu vào theo hình thức nào thì sinh viên khi học tại một trường đại học bất kì cũng được hưởng “dịch vụ” giáo dục như nhau, chính sách hỗ trợ học bổng và khuyến học như nhau. Do đó, việc nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ trong thời điểm hiện tại có thể coi là một lựa chọn hợp lý nếu thí sinh không tự tin vào khả năng thi cử của mình.

Xét tuyển bằng học bạ mở ra cơ hội tuyển sinh cho chính các trường và cũng mở ra cơ hội vào đại học cho nhiều thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần cân nhắc kĩ vì hiện nay, các trường sử dụng phương thức xét tuyển học bạ để tuyển sinh đa số không phải là nhóm trường tốp đầu. Trong khi đó, sinh viên các nhóm trường đại học tốp đầu thường được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn khi ra trường và khả năng xin việc cũng tốt hơn.

Bình luận