Chờ...

Viêm dạ dày do nhiễm HP - Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị

(VOH) - Nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính thường gặp nhất ở người. Ở Việt Nam, có khoảng 70% dân số nhiễm HP, tuy nhiên tỷ lệ phát bệnh chỉ 10 – 25%.

Đường lây nhiễm của HP chủ yếu là đường ăn uống hoặc lây trực tiếp qua nước bọt. Theo các chuyên gia, việc điều trị HP được cho là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa viêm loét dạ dày - tá tràng, các biến chứng và ung thư dạ dày về sau.

Các bác sĩ đang tham gia tư vấn tại VOH

Vậy để ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày do nhiễm HP thì phải làm gì?, Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp nào?, Biểu hiện của bệnh như thế nào?, Việc dùng kháng sinh để tiêu diệt HP ra sao?, Thời gian điều trị dài hay ngắn?,... tất cả sẽ được Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV và Bác sĩ Phạm Quỳnh Anh – Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô giải đáp trong buổi Tư vấn trực tuyến "Viêm dạ dày do nhiễm HP - Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị" trên website WWW.VOH.COM.VN từ 13 giờ đến 14 giờ thứ Bảy, ngày 16/1/2016 do VOH và Công ty Dược phẩm Đông Đô (nhãn hàng GastimunHP) phối hợp thực hiện.

Tổng quan về HP

* Nhiễm H. pylori là gì? Tổng quan về bệnh nhiễm khuẩn H. pylori hiện nay ở nước ta?

Nhiễm H. pylori là tình trạng vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) lây nhiễm vào dạ dày hay một phần đầu của ruột non.

Trên thế giới có khoảng 2/3 dân số bị nhiễm H. pylori. Ở nước ta, tỷ lệ này khoảng 75%. Tuy nhiên, đa số những trường hợp nhiễm H. pylori này đều không có triệu chứng hay biến chứng. Chỉ có khoảng 14% người nhiễm vi trùng là có biểu hiện bệnh: viêm dạ dày cấp hoặc mãn, loét dạ dày hay tá tràng. Nhiễm H. pylori là nguyên nhân của 80% trường hợp loét dạ dày và hơn 90% trường hợp loét tá tràng. Đồng thời,  người nhiễm H. pylori có nguy cơ ung thư dạ dày tăng gấp 2-6 lần so với người không nhiễm.

* Triệu chứng của nhiễm H. pylori

Đa phần không có triệu chứng. Khi có loét dạ dày, bệnh nhân có thể bị đau rát vùng thượng vị, nhất là khi bụng đói. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và giảm khi dùng những thuốc trung hòa acid.

Có thể kể đến những triệu chứng không điển hình là buồn nôn, nôn, không thèm ăn. Nếu có biến chứng xuất huyết tiêu hoá do loét, bệnh nhân có thể có dấu hiệu xanh xao, thiếu máu, đi cầu phân đen, ói ra máu…

* Cách điều trị

Trước 1982 khi biết đến vai trò của H. pylori, bệnh loét dạ dày được xem là hậu quả của tăng acid, gia vị, lối sống căng thẳng, stress. Bệnh nhân thường được kê toa những thuốc chống acid kéo dài. Tuy nhiên, chỉ có thể điều trị tiệt căn bệnh loét dạ dày do H. pylori bằng cách tiêu diệt vi trùng bằng các thuốc kháng sinh phù hợp, kết hợp với một thuốc chống tiết acid.   * Những khó khăn trong quá trình điều trị?

Hai khó khăn lớn nhất trong vấn đề điều trị là sự không tuân thủ của bệnh nhân và vấn đề kháng thuốc của H. pylori. Một phác đồ điều trị H. pylori có hiệu quả cần phải được sử dụng trong ít nhất 10-14 ngày. Sử dụng thuốc cầm chừng, ngắt quãng sẽ làm tăng tỷ lệ thất bại. Ngoài ra, nhiều chế phẩm kháng sinh trọn gói (packed) không đủ hàm lượng, không đủ liều cũng là một nguyên nhân rất lớn làm cho thất bại.

Tình trạng H. pylori kháng với một hay nhiều loại kháng sinh cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tình trạng kháng thuốc này đang gia tăng mỗi năm và có thể rất khác nhau tùy theo từng vùng địa lý.

* Tập quán, lối sống và những vấn đề liên quan đến HP?

Y học chưa xác định chắc chắn đường lây của H. pylori. Tuy nhiên, người ta nghĩ nhiều các đường lây qua ngã tiêu hóa: nước uống, thức ăn. Từ đó, tỷ lệ lây nhiễm chéo H. pylori hay tái nhiễm H. pylori có thể khá phổ biến ở VN. Có thể kể để một số đường lây thông thường:

- Nước uống bị nhiễm vi trùng

- Ăn chung chén đũa, mâm bát, chấm chung nước chấm…

- Mớm cơm cho trẻ em

- Hôn, sử dụng chung bàn chải đánh răng…

* Các phương pháp tầm soát HP hiện nay? Phương pháp nào hiệu quả nhất?

Có nhiều phương pháp tầm soát H. pylori. Mỗi phương pháp có một ý nghĩa khác nhau và cần được sử dụng phù hợp.

Thử máu tìm kháng thể chống H. pylori: chỉ có ý nghĩa nói lên đã có tình trạng tiếp xúc với H. pylori trong quá khứ, không có ý nghĩa phát hiện bệnh.

Thử nghiệm hơi thở: sử dụng đồng vị phóng xạ C13 hay C14 để phát hiện sự tồn tại của vi trùng trong dạ dày. Phương pháp này không xâm lấn và có độ chính xác cao khoảng 98%. Thường được sử dụng để kiểm tra kết quả điều trị.

Nội soi dạ dày: là một phương pháp xâm lấn. Có thể phát hiện H. pylori tại chỗ bằng test urea. Đồng thời, có thể quan sát bằng đại thể và sinh thiết những tổn thương ở dạ dày – tá tràng như viêm, loét, chảy máu, ung thư…

* Vì sao nói nên sống hòa bình với HP? Vậy khi nào cần điều trị?

Hơn 80% trường hợp người nhiễm H. pylori là không có triệu chứng. Do đó, khoa y học cộng đồng không chủ trương tìm và diệt H. pylori hàng loạt trong cộng đồng vì sẽ rất tốn kém và hiệu quả không cao. Người ta chỉ chủ động phát hiện H. pylori và các biến chứng khi có:

- Triệu chứng viêm hoặc loét dạ dày trên lâm sàng

- Có tiền căn gia đình bị ung thư dạ dày

- Có xuất huyết tiêu hóa

- Thiếu máu thiếu sắt.

* Khi nào được gọi là bị nhiễm HP kháng thuốc? Khác so với nhiễm HP thông thường ra sao? Đối với các trường hợp bị Viêm dạ dày có vi khuẩn HP kháng thuốc thì phải làm sao?

H. pylori được gọi là kháng thuốc khi vi trùng vẫn tồn tại trong dạ dày mặc dù đã dùng kháng sinh đúng cách. Tình trạng này ngày càng phổ biến ở VN. Hậu quả là H. pylori vẫn tồn tại qua các xét nghiệm kiểm tra mặc dù đã điều trị kháng sinh đúng và đủ.

Khắc phục bằng cách sử dụng những phác đồ kháng sinh được nghiên cứu là có hiệu quả trên cộng đồng, dùng những phác đồ cứu vãn (rescue), sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của kháng sinh đồ…

Một ý tưởng mới là kết hợp kháng sinh với những kháng thể đặc hiệu (IgY) chống lại H. pylori, nhằm tăng cường hiệu quả tiêu diệt vi trùng.

Tuân thủ điều trị, không sử dụng kháng sinh bừa bãi là một cách thức rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ kháng H. pylori.

* Phòng tái nhiễm H. pylori ra sao?  

Như đã nói, người ta cho rằng H. pylori lây qua đường miệng. Do đó, cách phòng ngừa H. pylori hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh ăn uống:

- Không dùng chung chén bát, chấm chung thức ăn

- Không mớm thức ăn cho trẻ

- Uống nước sạch

- Rửa tay thường xuyên

- Vaccine chống H. pylori đang được nghiên cứu và tỏ ra rất hứa hẹn.

Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương đang tư vấn.

* Hương Giang - huonggiang1234@gmail.com: Em năm nay 25 tuổi, ở Bình Thuận. Em được bác sĩ chẩn đoán bị viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP và đã được điều trị bằng kháng sinh 3 đợt mà không hết vi khuẩn. Bác sĩ nói có thể bị lờn thuốc. Em cảm thấy rất nản vì mỗi lần tái khám phải đi từ Bình Thuận vào tận TPHCM. Bác sĩ có thể tư vấn giúp em, trong trường hợp bị lờn kháng sinh, không điều trị khỏi HP thì có hướng điều trị khác hay không?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Rất nhiều khả năng em đã bị nhiễm vi trùng HP kháng thuốc và cần phải điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ dựa vào độ nhạy cảm của vi trùng, đồng thời sử dụng kháng sinh có chất lượng.

----------

* Hồng Hạnh - hanhdethuong@yahoo.com: Tôi bị đau dạ dày 5 năm nay nhưng không điều trị, chủ yếu kiêng cữ trong ăn uống. Đầu năm 2014, sau khi phát hiện mình nôn ra máu, tôi đi khám và được chẩn đoán bị viêm niêm mạc dạ dày, dương tính với HP. Tôi đã điều trị bằng kháng sinh trong khoảng 2 tháng, sau đó thấy ổn nên tự ngưng thuốc. Khi có dấu hiệu đau, tôi mua thuốc theo đơn cũ để uống. Mới đây, tôi bị đau trở lại với tần suât nhiều hơn nên đi khám và được biết tôi vẫn bị nhiễm HP và có dấu hiệu bị lờn thuốc. Tôi cảm thấy rất lo vì không biết sau khi lờn thuốc thì phải điều trị theo hướng nào. Tôi bị nhiễm HP thì những người thân của tôi có nguy cơ gì không vì gia đình vợ con chúng tôi thường ngày vẫn ăn uống chung, không kiêng cữ gì cả?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Trường hợp bạn đau dạ dày, nôn ra máu và nhiễm HP – là một chỉ định tuyệt đối để điều trị tiệt trừ HP và điều trị dứt điểm viêm dạ dày. Bạn cần được nội soi dạ dày để xác định tình trạng viêm loét nếu có và tình trạng nhiễm HP. Sau đó, tùy theo tổn thương trên nội soi và các xét nghiệm tìm HP, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp cho bạn. Không nên tự ý sử dụng kháng sinh vì sẽ làm tăng tình trạng kháng thuốc.

----------

*Thu Thảo - thaonguyen@...: Một đồng nghiệp của tôi mới đây sau khi khám được biết là dương tính với HP. Trước đây, khi không biết, chúng tôi cùng các chị em đồng nghiệp vẫn ăn uống chung (VD: ăn trái cây - chấm muối chung, đi ăn uống đôi khi sớt bia từ ly nọ sang ly kia…). Xin hỏi bác sĩ, như vậy thì tôi có nguy cơ bị nhiễm HP không và làm thế nào để không bị nhiễm trong quá trình tiếp xúc với nữ đồng nghiệp của mình?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Sử dụng chung chén nước chấm, muối ớt, ăn chung thức ăn, dùng chung chén bát… được xem là những cách lây truyền HP phổ biến. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh là không sử dụng chung những vật dụng này; dùng đũa, muỗng sử dụng 1 lần; dùng thức chấm trong các chén riêng cho từng người.

---------

* Ngọc Hân - thuvangua247@gmail.com: Bạn gái con (21 tuổi) vừa đi xét nghiệm, nội soi dạ dày và phát hiện dương tính với vi khuẩn HP. Cô ấy đang được điều trị bằng kháng sinh. Xin bác sĩ cho biết, bệnh này có thể điều trị khỏi hẳn không? Nếu không khỏi thì sau này có ảnh hưởng đến việc sinh con không? Bây giờ ngoài việc kiêng ăn uống thì có hôn có bị lây không?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Với một phác đồ hiệu quả, khả năng điều trị tiệt trừ HP thành công từ 85 – 90% trường hợp. Ngoài ra, y học chưa ghi nhận bất kì trường hợp nhiễm HP nào có ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

---------

* Ngọc Ngọc: Với thực phẩm GastimunHP, người bị nhiễm HP sẽ phải dùng như thế nào? còn với những người không bị thì liệu có sử dụng sản phẩm để ngăn ngừa được không? Có lợi và hại như thế nào? Sản phảm này có phân biệt dùng cho người lớn và trẻ em không?

- Bác sĩ Phạm Quỳnh Anh: Đối với người nhiễm HP, bệnh nhân nên khám bác sỹ chuyên khoa để có hướng dẫn cụ thể. Bạn có thể dùng GastimunHP phối hợp cùng với phác đồ của Bác sỹ. Trường hợp bạn chưa phải là người bị kháng thuốc, bạn uống hai gói GastimunHP một ngày thành hai lần cùng với liều kháng sinh trong ngày. Số ngày uống GastimunHP cùng với số ngày kháng sinh bác sỹ kê toa. Sau đó, bạn tiếp tục uống một gói một ngày cho đến đủ một tháng.

Trường hợp bị kháng thuốc, uống như trên nhưng sau đó mỗi tháng uống 10 ngày, mỗi ngày một gói trong 3 tháng liên tục. Trường hợp nhiễm HP chưa có triệu chứng, bạn có thể uống một đợt tấn công từ 4 – 6 tuần, mỗi ngày hai gói GastimunHP. Đối với người không nhiễm HP thì có thể uống mỗi tháng uống 10 ngày, mỗi ngày một gói GastimunHP trong 3 tháng liên tục. Dạng gói bột GastimunHP là kháng thể chiết xuất từ lòng đỏ trứng gà. Sau khi uống, không lưu hành trong máu nên rất an toàn. Những trường hợp dị ứng với lòng đỏ trứng gà thì không dùng sản phẩm này. Sản phẩm GastimunHP có thể được dùng cho mọi đối tượng. Không phân biệt người lớn và trẻ em.

Bác sĩ Phạm Quỳnh Anh (phải) đang tham gia tư vấn.

----------

* Thành Phước - phuocnguyen321@yahoo.com.vn: Vợ tôi mới phát hiện bị nhiễm HP. Bác sĩ tư vấn điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên vợ tôi đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ, bé được 4 tháng tuổi và bú hoàn toàn sữa mẹ. Nếu điều trị bằng kháng sinh thì có phải cai sữa cho bé không? Làm sao để vợ chồng tôi vẫn đảm bảo sữa cho cháu mà không bị lây từ mẹ.

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Bạn hoàn toàn không cần cai sữa để ưu tiên điều trị HP vì đa số trường hợp bệnh nhẹ và không có biến chứng. Hãy chờ cho đến khi bé cai sữa bạn hãy điều trị HP. Ngoài ra, không ghi nhận trường hợp lây nhiễm HP qua đường bú sữa mẹ.

* Duy Minh - duyminhoop@gmail.com: Chào bác sĩ. Tôi tên Minh (63 tuổi, ở Đồng Nai) bị loét hành tá tràng 0.5 cm và nhiễm khuẩn HP. Tôi đã uống thuốc theo đơn của bác sĩ với một số loại như hagimox, clabact, gastropulgite, motilium… Tuy nhiên, sau khi uống tôi có dấu hiệu bị ngứa và nổi mẩn (trước đây tôi từng bị dị ứng, đã khám tại BV Da liễu và Pasteus nhưng không tìm ra nguyên nhân), hiện tôi đang tạm ngưng uống thuốc và thấy hết ngứa. Tôi lo lắng không biết tôi có phải bị dị ứng do thuốc HP hay không. Nếu tôi bị dị ứng, không dùng được kháng sinh thì không biết còn cách nào khác để trị HP hay không? Tôi rất sợ nếu không chữa sẽ bị những biến chứng xấu. Xin cảm ơn bác sĩ.

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Trường hợp của bạn là ca nhiễm HP gây loét tá tràng và có chỉ định tuyệt đối điều trị tiệt trừ HP. Bạn cần yêu cầu thầy thuốc của mình xác định chính xác tình trạng dị ứng kháng sinh (nếu có) để sử dụng kháng sinh phù hợp vafcos hiệu quả để diệt HP.

----------

* Ngọc Xuân - muaxuan90@yahoo.com: Con trai tôi sắp lập gia đình. Tuy nhiên, mới đây tôi có nghe kể rằng con dâu tôi bị viêm gan B. Tôi có nhắc con trai tôi đi khám và tiêm phòng viêm gan B. Tuy nhiên, gần đây tôi được biết con dâu tương lai bị đau bao tử (không rõ là bị đau như thế nào), nhiễm khuẩn HP và đã điều trị nhiều tháng chưa khỏi. Tôi vô cùng lo sợ bệnh của con dâu có thể ảnh hưởng tới con trai tôi và cháu tôi sau này. Tôi không muốn cấm cản con vì sức khỏe của con dâu nhưng tôi đang rất hoang mang. Xin bác sĩ cho biết, căn bệnh này có thể chữa dứt điểm không? Cách tốt nhất để điều trị và mất khoảng bao lâu thì trị dứt?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Xin bạn đừng quá lo lắng vì nhiễm HP và viêm gan B là những bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được. Với một phác đồ kháng sinh hiệu quả trong 2 tuần thì tỉ lệ thành công để điều trị tiệt trừ HP thành công là 90%. Đối với viêm gan B, y học đã thành công trong việc ngăn ngừa lây truyền siêu vi viêm gan B từ mẹ sang con trong hơn 95% trường hợp.

---------

* Tú Anh - anhhuynh...@gmail.com: Tôi ở quận Bình Tân (TPHCM). Con tôi mới 5 tuổi, nhưng ăn hay bị ói và đau bụng nên tôi đưa cháu đi khám. Chúng tôi quá bất ngờ khi đưa cháu đi khám và biết cháu bị loét dạ dày và các xét nghiệm cho thấy bé có nhiễm HP. Chúng tôi chăm cháu rất kĩ, ăn uống tráng chén, muỗng bằng nước sôi. Chỉ có điều lúc nhỏ cháu lười ăn nên thức ăn tôi phải xay nhuyễn đến lúc 2,5 tuổi. Khi tập cho cháu ăn cơm, cháu thường ngậm, không chịu nhai hoặc nuốt chửng nếu cơm có chan canh. Cháu nhỏ, giờ điều trị cho cháu cũng khó khăn vì cháu sợ uống thuốc. Bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên để chăm sóc va điều trị cho cháu một cách tốt nhất. Xin cảm ơn bác sĩ.

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Nếu cháu bé có loét dạ dày và nhiễm HP thì đây cũng là trường hợp có chỉ định tuyệt đối. Bạn cần liên hệ bác sĩ nhi của cháu để có chỉ định điều trị thích hợp.

----------

* Gia Huy – huytran@...: Con tôi được các bác sỹ chẩn đoán là dương trình với HP và đang trong quá trình điều trị. Vậy các thức ăn nào mà con trẻ không nên ăn khi nhiễm bệnh và có phải nếu đã chữa khỏi thì không còn phải lo nữa?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Không có loai thức ăn đặc biệt nào có liên quan đặc biệt tới tự lây nhiễm HP, trừ những thức ăn kém vệ sinh.

-----------

* Khoa Luân - luandaigia..: Tôi vừa có kết quả xét nghiệm dương tính virus HP gây ung thư dạ dày. Xin hỏi bác sĩ nếu tôi hôn người yêu hoặc tiếp xúc thông thường liệu có lây cho cô ấy không? Virus này có thể điều trị khỏi hẳn không?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Có thể lây khi hôn hoặc tiếp xúc qua đường ăn uống – miệng. Tuy nhiên nguy cơ này không lớn tới mức để các nhà y học khuyến cáo bị cấm hôn.

------

* Mai Thành - thanhthanh@yahoo...: Chào BS, em năm nay 25 tuổi, em có đi khám và được kết luận bị viêm loét dạ dày 1 năm nay, có dương tính với vi khuẩn Hp. Trước đây, em có điều trị liệu trình kháng sinh mà BS kê. Mới đây, em đi khám và phát hiện mình đã có bầu được 7 tuần, các triệu chứng ốm nghé càng khiến cho bệnh lý dạ dày của em trầm trọng hơn, em bị buồn nôn, đau thượng vị nhiều. Em có nghe chương trình và biết được sản phẩm Gastimun HP, liệu em có thể sử dụng sản phẩm này, để khắc phục tình trạng dạ dày của em được không? Sản phẩm này có an toàn cho phụ nữ mang thai không?

- Bác sĩ Phạm Quỳnh Anh: Trường hợp của bạn, tôi chưa biết rõ là bạn đã điều trị khỏi hay chưa. Tuy nhiên, trong giai đoạn mang thai việc điều trị nhiễm HP có thể trì hoãn. Trong trường hợp bạn quan tâm đến sản phẩm Gastimun HP, bạn có thể dùng với mục đích giảm số lượng vi khuẩn và có thể cải thiện được một số triệu chứng như đau hoặc buồn bôn. Sản phẩm Gastimun HP là kháng thể sẳn có, không lưu hành trong máu nên an toàn cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên nếu trước đây bạn dị ứng với trứng và những chế phẩm từ trứng thì bạn không nên sử dụng sản phẩm này.

---------

* Hải Bình - binhminhmuon...: Nhờ Bác sỹ tư vấn về chế độ ăn uống, tập luyện thể dục và chăm sóc cho người nhà bị nhiễm HP.

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Không có chế độ ăn uống đặc biệt dành cho người nhiễm HP. Tuy nhiên, uống rượu vừa phải và ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ loét dạ dày tá tràng.

----------

* Vũ Hùng Anh: Chào bác sĩ, tôi 36 tuổi. Cách đây 6 tháng tôi đi khám bệnh thì xét nghiệm ra kết quả dương tính với HP. Tôi uống thuốc liên tục đến nay thì xét nghiệm lại ra kết quả âm tính với HP. Tuy vậy tôi vẫn hay bị đau. Vậy tôi đã thực sự khỏi bệnh chưa bác sĩ ơi?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Nếu đã tiệt trừ xong HP mà vẫn còn đau thì có thể là loét dạ dày do những nguyên nhân khác ngoài HP. Ví dụ do thuốc. Bạn cần xét nghiệm nội soi để xác minh nguyên nhân gây loét dạ dày.

----------

* Thanh Hùng: Cháu 25 tuổi. Cháu khám bệnh được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày và xung huyết nhẹ dạ dày, có vi khuẩn HP. BS kê thuốc Clarithromycin amocixilin nexium mups, sau khi uống 2 ngày thì cháu thấy nhức đầu và sốt về đêm, bụng nóng và ục ục, sáng sớm đi ngoài không táo nhưng ra nhiều máu tươi, chiều tối đi lần nữa cũng thế. Hôm nay thì chỉ rớm máu ở phân. BS cho cháu hỏi cháu bị làm sao, có nguy hiểm lắm không ạ? Cảm ơn BS rất nhiều.

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Tình trạng đi cầu ra máu tươi chắc chắn không phải do nhiễm HP mà có thể do bệnh trĩ nọi hoặc ngoại có biến chứng xuất huyết. Bạn cần nội soi trực tràng để xác định chính xác nguyên nhân.

---------

* Xuân Lan (cô bé dễ thương): Làm thế nào để biết mình có nhiễm Hp? Các biện pháp xét nghiệm là gì và độ chính xác thế nào thưa bác sĩ?

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Xét nghiệm tìm kháng thể chống HP trong máu: chỉ có ý nghĩa xác định tình trạng tiếp xúc với khuẩn HP trong quá khứ, không có ý nghĩa bệnh đang tiến triển.

- Xét nghiệm tìm kháng nguyên HP trong phân, xét nghiệm hơi thở: những xét nghiệm này chứng tỏ có tình trạng đang nhiễm HP với độ chính xác trên 90%.

- Nội soi và sinh thiết: chứng minh được sự hiện diện của HP trong dạ dày, và quan sát được các tổn thương do HP như viêm, loét, tổn thương do HP.

--------

* Lâm Hiền: Tôi 40 tuổi, được bác sĩ (BS) nội soi kết luận bị viêm loét dạ dày có nhiễm H.Pylori, đã điều trị nhiều tuần lễ bằng thuốc tây, nay bệnh đã ổn định. Xin tư vấn thêm cách phòng ngừa không để loét dạ dày trở lại.

- Ths. Bác sĩ Lê Đình Phương: Khi đã điều trị lành viêm loét dạ dày và tiệt trừ được HP, có một số biện pháp có thể ngăn ngừa loét tái phát: Ăn uống: vệ sinh, không ăn chung thức ăn, không dùng chung chén, bát nước chấm. Rửa tay đều đặn trước khi ăn Hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá. Thận trọng khi dùng một số thuốc có ảnh hưởng xấu tới dạ dày: aspirin, corticoid, một số thuốc giảm đau…

---------

Tóm lại, tuy tình trạng nhiễm HP là phổ biến ở 85% dân số Việt Nam, chỉ có một thiểu số rất nhỏ là mang bệnh viêm loét dạ dày thực sự do vi trùng. Do đó, không có lý do gì để lo âu, khủng hoảng vì lo ngại bệnh nhiễm HP. Chỉ có những người có triệu chứng, hay có nguy cơ về bệnh lý dạ dày (đã nói ở phần trên) mới có chỉ định tầm soát và điều trị triệt để. Ngoài ra, cách phòng ngừa không ngoài các biện pháp vệ sinh ăn uống hoặc thực phẩm an toàn.

Nói chung, một phác đồ điều trị HP được xem là có hiệu quả (tiệt trừ vi trùng trên 85% trường hợp) phải đạt các yêu cầu sau: Thời gian điều trị thông thường từ 10 -14 ngày Sử dụng phối hợp ít nhất 2-3 kháng sinh có hiệu quả. Những kháng sinh phải có đủ hàm lượng và chất lượng. Kết hợp thêm 1 thuốc chống tiết axit để tăng cường hiệu quả của kháng sinh. Sauk hi chấm dứt điều trị, cần ngưng hoàn toàn các loại kháng sinh và thuốc chống tiết axit để xét nghiệm kiểm tra HP được chính xác.

.

 

(Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh)

 

Nguyễn Minh Vi - viminhng2000@yahoo.com

Gần đây em đọc trên mạng có một số thông tin cho rằng bệnh viêm da dày có thể do di truyền từ cha mẹ nên hiện nay em đang khá lo lắng vì ba của em đang bị đau dạ dày nặng, vậy xin hỏi bác sĩ việc tầm soát và phòng ngừa bệnh đau dạ dày như thế nào?

Y học đã chứng minh ung thư dạ dày là có yếu tố gia đình – di truyền. Do đó, nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, những người có quan hệ huyết thống cần được tầm soát và điều trị HP sớm để giảm thiểu nguy cơ ung thư dạ dày về sau.

Bảo Trân - btdh1998@gmail.com

Em bị viêm bao tử nhẹ đã lâu, uống thuốc 1 thời gian hết nhưng sau đó tái đi tái lại hoài, gần đây nội soi có kết quả dương tính với HP, xin hỏi bác sĩ việc triều trị dứt điểm và chế độ ăn uống thế nào để không bị tái bệnh? xin cảm ơn bác sĩ

Trả lời: Trên lâm sàn và xét nghiệm thì rất khó thể phân biệt giữa tái phát và tái nhiễm HP. Trong trường hợp viêm bao tử do nhiễm HP tái phát nhiều lần, bạn cần phải nội soi nuôi cấy vi trùng và làm kháng sinh đồ để tìm ra loại kháng sinh phù hợp giúp loại trừ HP.

Hồng Thu - thuhongtn@gmail.com

Làm thế nào để biết mình có nhiễm H. pylori? Gần đây, em thấy mình thường xuyên bị đau bao tử nhưng chưa đi xét nghiệm và không biết nguyên nhân vì sao? Các biện pháp xét nghiệm và điều trị ra sao? Nếu bị nhiễm thì em nên ăn uống ra sao? có kiêng cữ gì không? Mong BS tư vấn.

Nói chung, y học không khuyến cáo đi tìm và diệt hang loạt HP nếu không có triệu chứng. Trong trường hợp của bạn, nếu đã có triệu chứng đau dạ dày, bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn làm các xét nghiệm thích hợp để tìm cách điều trị.

Đình Khoa - khoadinhdinh@gmail.com

Cách đây khoảng 3 năm, tôi bị đau dạ dày và có đi xét nghiệm là do nhiễm HP, tôi đã điều trị và đến nay thấy tương đối ổn, tuy nhiên, khi tôi uống bia hoặc ăn uống không đúng bữa, tôi thấy mình bị đau dạ dày rất nhiều, như vậy đau như vầy có phải là do hậu quả của việc nhiễm HP trước đây hay tôi bị một dạng khác? Xin BS tư vấn giúp để tôi trị dứt điểm bệnh đau dạ dày hiện tại của tôi. Cảm ơn BS.

Trả lời: Theo như lời tả của bạn, tôi nghĩ tình trạng viêm loét dạ dày của bạn vẫn còn. Để xác định chính xác, bạn cần gặp bác sĩ tiêu hóa và nội soi dạ dày tá tràng để có chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp. Anh cần hạn chế bia rượu và ăn uống đúng bữa.

Các bài giao lưu khác
Bình luận