Chờ...

Bộ Công an đề xuất CSGT không bắt buộc phải chào người có hành vi chống đối

(VOH) – Thông tư mới đề xuất CSGT không cần chào, cảm ơn theo điều lệnh đối với những người có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT).

Thông tư này dự kiến sẽ thay thế một số thông tư đã ban hành trước đó của Bộ Công an, bao gồm Thông tư 65/2020 có nội dung quy định tương tự.

Điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư, Bộ Công an đề xuất CSGT không bắt buộc phải chào, cảm ơn khi kiểm soát giao thông.

Cụ thể, điều 17 dự thảo quy định sau khi dừng xe có dấu hiệu vi phạm, cảnh sát giao thông thực hiện động tác chào theo điều lệnh Công an nhân dân. Trừ trường hợp cảnh sát giao thông biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.

Tại Thông tư 65/2020 của Bộ Công an quy định, khi kiểm soát giao thông xong, CSGT phải nói thêm: "Cảm ơn đã hợp tác với lực lượng CSGT…Đồng thời trước khi kiểm tra CSGT phải nói lời chào và sau đó nói: "Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ và kiểm soát phương tiện giao thông".

Bộ Công an đề xuất CSGT không bắt buộc phải chào người có hành vi chống đối 1
Đề xuất CSGT không cần chào người thiếu văn hoá, chống đối. 

Theo dự thảo, cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu theo quy định. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang.

Dự thảo cũng đề xuất khi dừng, kiểm soát phương tiện cảnh sát giao thông phải đảm bảo an toàn, không gây cản trở đến hoạt động giao thông.

Xem thêmLấy ý kiến về 4 trường hợp CSGT được dừng xe

Ngoài ra, theo dự thảo, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện (Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định là 5 ngày)

Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết thì sẽ được cập nhật vi phạm lên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT và gửi cho cơ quan đăng kiểm.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Bình luận