Chờ...

Cách phân biệt biển cấm xe gắn máy và xe mô tô

(VOH) – Mỗi biển báo sẽ mang một ý nghĩa, quy luật khác nhau, người điền khiển phương tiện cần hiểu rõ để tuân thủ theo đúng quy định tránh bị xử phạt. 

1. Biển cấm xe gắn máy

Nhóm biển báo cấm là nhóm biển biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Cách phân biệt biển cấm xe gắn máy và xe mô tô ảnh 1
P.104 Cấm xe máy
Cách phân biệt biển cấm xe gắn máy và xe mô tô ảnh 2
P111a: Cấm xe gắn máy - P111 (b,c): Cấm xe ba bánh loại có động cơ - P111d: Cấm xe ba bánh loại không có động cơ 
Cách phân biệt biển cấm xe gắn máy và xe mô tô ảnh 3
P.105 Cấm xe ôtô và xe máy

2. Phân biệt biển cấm xe gắn máy và biển cấm xe mô tô

  • Xe mô tô (hay còn gọi là xe máy): là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xy-lanh từ 50 cm3 trở lên, tải trọng bản thân xe không quá 400 kg, từ 350 kg đến 500 kg đối với xe máy 3 bánh.
  • Xe gắn máy: là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt (xăng) thì dung tích làm việc không được lớn hơn 50 cm3.

Để dễ nhớ, dễ phân biệt 2 biển. Có thể hiểu đơn giản là xe > 50cc là xe mô tô và xe < 50cc là xe gắn máy.

Như vậy, theo quy định của biển P.104 "cấm xe máy" (mô tô) - (hình mục 1) chỉ có tác dụng cấm mô tô, không có tác dụng cấm "xe gắn máy". 

Còn biển P.111a "cấm xe gắn máy" lại có tác dụng cấm cả xe gắn máy lẫn xe mô tô (xe máy). 

Xem thêmThủ tục rút hồ sơ gốc xe máy, xe ô tô chuẩn và đầy đủ nhất

3. Mức phạt khi không tuân thủ theo biển báo giao thông 

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường được quy định trong Nghị định 100 với tên gọi đầy đủ là “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. 

Mức phạt được quy định như sau:

  • Đối với ô tô: Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng. 
  • Đối với xe máy: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. 

Lưu ý: Nếu gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm đường sắt, mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường được quy định riêng như sau:

  • Đối với người đi bộ: Phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng.
  • Đối với xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ: Phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng.
  • Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng.
  • Đối với ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 800.000 - 01 triệu đồng.

3.1. Xác định lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường thế nào?

Đa số mọi người đang bị nhầm lẫn giữa lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường với lỗi sai làn đường, phần đường.

Lỗi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường thường mắc phải ở những nơi đường giao nhau có đặt biển báo hiệu R.411 “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo” kết hợp với vạch mũi tên chỉ hướng đi trên mặt đường.

Ví dụ: Theo biển báo và vạch kẻ đường, làn giữa là làn đi thẳng. Ông A cho dừng xe ở làn giữa nhưng lại rẽ phải… Đây được xác định là lỗi không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Khi tham gia giao thông trên đường, người điều khiển cần phân biệt rõ lỗi này với lỗi sai làn đường để tránh bị xử phạt. Vì mức phạt đối với lỗi sai làn đường có mức phạt cao hơn nhiều so với lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường 

Bình luận