An toàn vệ sinh trong nước ngọt đóng chai

(VOH) - Thưa bà con, Thời điểm nầy là giai đoạn nóng nực ở TP mình, dù đã xế chiều mà nhiệt độ cũng xấp xỉ 34-35 độ, cởi trần trùng trục, hay mặc áo thun 3 lổ mồ hôi mồ kê rịn ra như tắm, nên anh em trong nhóm kéo nhau tới nhà Ba thợ hồ vừa có cây cao che mát vừa nhâm nhi mấy chai nước C2 ngâm lạnh thiệt là đã, chợt Tư hưu trí đi vào kêu lên “chết, chết bộ mấy ông tính tự sát sao mà uống trà C2”. Anh em ai nấy đều hết hồn hỏi lý do tại bị làm sao mà Anh nói nghe ớn quá.

Tư hưu trí chỉ trả lời “mấy anh hỏi Hai Sài Gòn (HSG) thì biết liền chứ gì”. Và HSG cung cấp thông tin liền: “mùa nóng nhu cầu tiêu thụ nước ngọt ngày càng tăng cao. Thế nhưng liên tục gần đây, nước giải khát “made in Việt Nam” liên tục dính những lùm xùm liên quan đến chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng hoang mang, e dè khi lựa chọn mua.

Mới đây việc trà C2 và Rồng đỏ bị nghi nhiễm chì, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã vào cuộc. Chiều 9-5, Cục An toàn thực phẩm đã lấy mẫu ngoài thị  trường, mẫu tại cơ sở sản xuất nước giải khát C2 và Rồng đỏ để kiểm tra hàm lượng chì và yêu cầu các cơ sở kiểm nghiệm trả kết quả sớm nhất vì đây là vấn đề “đang làm nóng dư luận người tiêu dùng. 

Bằng chứng để Cục An toàn thực phẩm vào cuộc là phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho biết mẫu citric acid sản xuất tháng 7-2015, hạn dùng 7-2018 do Công ty TNHH URC (Universal Robina Corporation) gửi kiểm nghiệm có hàm lượng chì là 0,84 mg/kg, trong khi hàm lượng cho phép là 0,5 mg/kg. Tư hưu trí thông tin thêm: “Đây không phải lần đầu tiên nước ngọt Việt Nam dính những nghi án liên quan đến chất lượng sản phẩm, trước đó Trà xanh không độ, trà Ô Long, Trà giải nhiệt Dr Thanh cũng khiến người tiêu dùng “lao đao”? Bởi xuất hiện vật lạ trong sản phẩm. 

Vấn đề là người tiêu dùng luôn phải cam chịu. Họ là những người bỏ tiền ra mua hàng hóa và cũng là những người chịu thiệt thòi vì phải sử dụng những sản phẩm kém chất lượng. Ba thợ hồ cho rằng những bê bối an toàn thực phẩm với các sản phẩm đóng chai của nước ngọt Việt Nam mà người tiêu dùng nhớ hoài chuyện Công ty Tân Hiệp Phát với bề dày thành tích “dị vật trong chai”.

Mỗi khi bị “tố”, Tân Hiệp Phát luôn để lợi ích và uy tín của mình lên trên người tiêu dùng. Thay vì đàm phán, thương lượng với khách hàng, họ lại báo công an dẫn đến việc khách hàng lâm vào vòng lao lý. Tân Hiệp Phát có thể không sai về mặt pháp luật, nhưng điều này khiến hình ảnh của công ty xấu đi rất nhiều.

Còn Công ty URC Việt Nam chống chế là C2, Rồng đỏ có chì vượt ngưỡng cho phép bằng cách nói đó là kết quả xét nghiệm nguyên liệu, là doanh nghiệp sản xuất nước giải khát chẳng lẽ URC không biết nếu với nguồn nguyên liệu không sạch, liệu sản phẩm của họ có an toàn không?

Theo HSG, vấn đề an toàn thực phẩm là phải xem là đạo đức của nhà sản xuất, là lương tâm của nhà quản lý đối với cộng đồng. Hai tui xin hỏi mấy anh tại sao các doanh nghiệp nước ngoài, đứng trước một cuộc khủng hoảng về chất lượng sản phẩm, điều đầu tiên là xác minh sự thật, sau đó đứng ra xin lỗi người tiêu dùng và tìm cách khắc phục những sai lầm yếu kém của mình.

Thậm chí tiêu hủy hàng loạt sản phẩm hư hỏng không đạt chuẩn an toàn dù thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, nhưng họ lại giữ được “chữ tín” dám chịu trách nhiệm sản phẩm của mình đến cùng. Kể cả việc phải bồi thường số tiền lớn cho khách hàng. Đó là cách để lấy lại uy tín khôn ngoan nhất.

Còn các doanh nghiệp Việt Nam kẻ thì tìm cách lấp liếm, che đậy thông tin, người thì hành xử thiếu thuyết phục, khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng sản phẩm của họ. Mấy anh cứ so sánh đi giữa giữ chữ tín với “cố đấm ăn xôi” hốt được bao nhiêu hay bấy nhiêu” cái nào lợi hơn. Hãy thực hiện phương châm kinh doanh trong cơ chế thị trường đi “khách hàng là thượng đế”.

Bình luận