Hai Sài Gòn đọc sơ thì thấy có những điều khá là cụ thể như: Khi lên Facebook không được nói tục, chửi bậy (kể cả viết tắt); không được dùng Facebook nói xấu ai; chỉ bấm "like" khi đã đọc kỹ nội dung; không để bạn bè hiểu lầm khi đọc Facebook; phải viết Facebook cho có văn hóa; mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook…Chưa kịp đọc hết thì Tư hưu trí nói luôn, tui thấy cái này được quá xá mà sao mới chỉ có một mình trường này áp dụng thôi vậy?
Ảnh minh họa: trithuctre
Vụ này thì theo Hai Sài Gòn được biết, hai năm trước cũng đã có một trường ở Hà Nội ra quy định tương tự như vậy. Dạo gần đây, ngày càng có nhiều vụ việc gây ầm ĩ trong xã hội đáng phê phán mà nguồn cơn cũng từ Facebook, cho nên qui định này cũng nhằm ngăn chặn những tiêu cực từ các bạn trẻ dùng "phây".
Hiện nay, số người dùng mạng xã hội ngày càng nhiều, cả nước ước tính có tới 30 triệu tài khoản, trong đó, học sinh phổ thông, sinh viên, giới trẻ chiếm đến 3/4. Chắc chắn là vậy, anh Tư Hưu trí chứng minh liền: tui có đứa cháu mới học lớp 5 mà hôm qua tôi phát hiện nó đã có Facebook rồi đó anh Hai. Không biết ở tuổi này tụi nó vô Facebook viết cái gì đây trời, không khéo hại nhiều hơn lợi, đúng không anh?
Hai Sài Gòn thiệt tình là không hề có ý phủ nhận những mặt tích cực của mạng xã hội, nhưng những tiêu cực mà nó mang lại thì không phải là ít. Đặc biệt là giới trẻ sẽ dễ tiêm nhiễm những tiêu cực hiện khá phổ biến như: cố tình tung tin sai sự thật, nói tục, tung ảnh nhạy cảm, nói xấu đồng nghiệp, bạn bè... và còn biết bao tác hại từ những thông tin trên Facebook đã được báo chí nhắc đến rất nhiều, thậm chí có người phải tự tử vì những thông tin đăng tải trên Facebook.
Nói đến đây, anh Tư lắc đầu ngao ngán: thôi thì đủ thứ "thượng vàng hạ cám" đều được đưa lên “phây” với muôn vàn lý do. Riết rồi Facebook cứ như là một xã hội thứ hai vậy. Nguy hiểm nhứt là trong cái “xã hội ảo” đó không ai chịu trách nhiệm về những điều mình đưa lên cả. Ai vào “phây” đọc, xem đủ thứ thông tin hình ảnh "thật - giả lẫn lộn" xong rồi muốn viết gì cứ viết, bấm gì cứ bấm mà không cần biết hậu quả của nó như thế nào.
Vậy mới nói, cái “xã hội ảo” này vô cùng phức tạp và nhiễu loạn thông tin. Nếu không có những qui định chuẩn mực, với độ tuổi còn nhỏ của các em học sinh khi vào Facebook sẽ dễ dàng bị tác động, ảnh hưởng, lâu dần sẽ nghiện cuộc sống ảo, xa rời cuộc sống thực tế hàng ngày dẫn đến việc có lời nói, hành vi lệch chuẩn.
Thành thử khi đọc được qui định "Những điều cần lưu ý khi lên Facebook" của Trường Nguyễn Đức Cảnh, dù mới chỉ là những điều cần lưu ý cho các em học sinh khi vào mạng xã hội, nhưng Hai Sài Gòn thấy rõ ràng sẽ vô cùng hữu ích. Đây cũng là một cách làm rất thực tế trước tình hình chúng ta chưa có luật về an toàn thông tin trên mạng. Nếu như các trường học nhắc nhở học sinh, sinh viên có ý thức khi vào facebook như vậy thì cũng góp phần giáo dục ý thức, xây dựng nét văn hóa cho các em và trên hết là ngăn chặn những tiêu cực từ mạng xã hội đang chực chờ các em hàng ngày.
Hai Sài Gòn với anh Tư Hưu trí đều tán đồng, hoan nghênh và đề nghị cần phải nhân rộng bản quy định "những điều cần lưu ý khi lên Facebook" ra cho các trường học khác để mọi người và nhất là con trẻ làm theo.