Chờ...

Những kỷ lục của Bộ GDĐT

(VOH) - Thưa bà con, vừa nhâm nhi cà phê sáng, Ba thầy giáo hỏi Hai Sài Gòn: “Cánh nhà báo mấy anh có hệ thống lại coi trong nhiệm kỳ này mấy lãnh đạo Bộ GDĐT ra bao nhiêu chủ trương không phù hợp, gây phản ứng cả xã hội ?”

Không để Hai Sài Gòn trả lời, Tư hưu trí “thài lai”, tui chỉ nhớ có mấy chủ trương trời ơi thế này: thứ nhứt, cộng điểm ưu tiên khi thi cử cho những người được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng; thứ hai, trình bày với Ủy ban thường vụ Quốc hội kế hoạch xuất bản sách giáo khoa lên tới 34.700 tỷ; thứ ba, kỳ thi 2 trong một tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh Đại học, làm cho học sinh và phụ huynh học sinh bầm dập tơi tả cả tháng trời; thứ tư là Thông tư 30 về không cho điểm học sinh tiểu học mà chỉ nhận xét, làm cho giáo viên và phụ huynh “tá hỏa tam tinh” luôn; thứ năm, mới nhứt là đề nghị bỏ dạy độc lập môn Sử mà “ tích hợp” với môn Quốc phòng an ninh và giáo dục công dân… Đó là chưa kể những chuyện “râu ria” như thay đổi ban cán sự lớp từ lớp trưởng, lớp phó học sinh tiểu học thành hội đồng tự quản với chức danh chủ tịch, phó chủ tịch... ôi thôi loạn xị cả lên. Theo tui từ năm 1975 đến nay, chưa có nhiệm kỳ nào lãnh đạo Bộ này tạo nên nhiều kỷ lục, ban hành nhiều chủ trương, văn bản bị dư luận lên án như “rứa”.

Nhắc tới vụ tích hợp môn Lịch sử với Giáo dục Quốc phòng-An ninh và Giáo dục Công dân, Tư hưu trí khều đúng chỗ “mắc nói” của Hai Sài Gòn rồi, bởi trong chúng ta ai cũng biết Lịch sử của dân tộc Việt nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, đó là những trang sử hào hùng của dân tộc với các chiến công đánh bại cuộc xâm lăng của các thế lực từ Trung Hoa, Chiêm Thành.. tới thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ. Chính nhờ sử mà dân tộc ta mới tồn tại đến hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trên Báo Việt Nam Độc Lập số 117, "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học: lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một, thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn."

Ba thầy giáo vốn thận trọng cho đây chỉ là dự kiến thôi, theo anh, muốn tích hợp cần phải thận trọng, trân trọng ý kiến và nghiên cứu của chuyên gia trong, ngoài ngành giáo dục.

Hai Sài Gòn ức quá vì chính Tổng thư ký Hội Sử học VN Dương Trung Quốc cho biết là Bộ GDĐT không hề tham khảo gì với Hội sử học VN. Bên lề hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí, ông góp ý Bộ GD-ĐT cần hết sức thận trọng và khẳng định: “Bộ GD-ĐT luôn lập luận không bỏ môn Lịch Sử, nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói, khiến chúng tôi rất nghi ngờ”.

ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với PV tại hành lang Quốc hội - Ảnh: VOV.

Hai Sài Gòn cung cấp thêm là PGS. TS Kiều Thế Hưng, Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, dạy và học lịch sử đang tồn tại nhiều bất cập, cần sự đổi mới toàn diện nhưng nếu giải quyết bằng việc điều chỉnh như dự thảo là phản khoa học, trái với yêu cầu thực tiễn, đi ngược lại xu thế phát triển và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Trong hoàn cảnh nào cũng cần dành cho lịch sử sự tôn trọng và vị trí xứng đáng, bởi lịch sử và giáo dục lịch sử là vấn đề của tri thức khoa học, của lý trí, của chính trị, của truyền thống và là vấn đề của trái tim.

Còn GS. Phan Huy Lê cho rằng, lịch sử là cội nguồn sức sống của dân tộc Việt Nam và nếu không có sự kế thừa những truyền thống của dân tộc thì làm sao những thế hệ hiện tại có thể viết tiếp những trang sử, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Theo ông, cách làm của Bộ GD&ĐT sẽ “khai tử” môn Lịch sử trên thực tế.

Không chỉ thế, Thượng tướng, PGS, TS Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng khẳng định, không thể đưa môn Lịch Sử tích hợp với môn Giáo dục Quốc phòng. Nếu tích hợp môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh với các môn học khác cấp THPT là trái với quy định pháp luật. Đồng thời, Giáo dục Quốc phòng – An ninh là môn đặc thù cả về nội dung, phương pháp và hình thức, hơn 80% bài giảng mang tính trang bị kiến thức, kỹ năng để bảo vệ Tổ quốc. Các nội dung thực hành có sử dụng thuốc nổ, đạn hơi hay đạn thật... nên có chương trình và sách giáo khoa riêng. Do đó, không thể tích hợp với môn học khác.

Bộ GDĐT cần nghiên cứu, xem xét thấu đáo, có các giải pháp khoa học, đồng bộ để giảng dạy tốt môn Lịch Sử ở bậc học phổ thông - Ảnh: Tienphong.

Sau khi nghe Hai Sài Gòn cung cấp thông tin, Tư hưu trí cho rằng, mấy tuần nay anh em hưu trí bàn luận chuyện này nhiều lắm nhưng do không nắm bắt được thông tin cụ thể như Hai Sài Gòn vừa cung cấp, nên có người “bán tín bán nghi”. Nay thì quá rõ ràng, mấy vị lãnh đạo Bộ GDĐT thêm một lần "chọc" dư luận bức xúc. Còn Ba thầy giáo thì nhớ hồi trước đi học, tui thấy thầy cô dạy Sử không hề khô khan như nhiều người kêu ca. Sau khi ra trường và dạy môn sử, tui cũng áp dụng những kiến thức đó để truyền đạt và các em học rất tốt. Nay nghe đề án tích hợp môn sử với nhiều môn khác,  tâm trạng chẳng khác như gia phả của đất nước bị "đốt bỏ" vậy.

Nghe bạn bi quan quá, Hai Sài Gòn khuyên từ từ đi chuyện đâu còn có đó, chẳng lẽ cả dân tộc để cho mấy ông này lộng hành vậy sao ! 

Bình luận