Chờ...

Tết Bính Thân nhớ Tết Mậu Thân

Thưa bà con, trước Tết mấy ngày, nhóm thân hữu HSG ngồi lại với nhau bàn tính những hoạt động đón Tết Bính Thân. Ba thợ hồ thì luôn kinh điển làm theo sách “thánh hiền” “mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” cứ thế làm tới là bài bản nhứt.

Theo Tư hưu trí thì không nên rập khuôn như thế, bởi chúng ta có những ngày Tết thanh bình, gia đình sum họp hạnh phúc như hiện nay là nhờ ai? Vì vậy chúng ta nên dành thời gian đến với các gia đình thương binh liệt sĩ, đến với nghĩa trang liệt sĩ. Nói tới đây, Tư hưu trí quay sang định hỏi ý kiến HSG thì thấy Anh trầm ngâm, đôi mắt ngấn lệ, mấy anh em trong bàn đều biết nỗi đau của HSG mỗi khi xuân về Tết đến, đó là sự hy sinh của người anh ruột của anh trong tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 mà mãi đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Uống xong ly trà quạu, HSG hồi tưởng chuyện 48 năm về trước: “Năm đó tui 18 tuổi rồi, nên biết và nhớ rất rõ, đã qua 4 giáp, vậy mà cứ ngỡ như mới năm nào gần đây thôi, lúc đó tui ở cù lao Nguyễn Kiệu thuộc phường Vĩnh Hội, quận 4. Đêm mồng một rạng mùng 2 tết mọi người cả TP nghe “pháo” nổ liên tục suốt đêm, nhiều người cảm nhận tiếng “pháo” đêm nay khác với tiếng pháo đêm giao thừa, nổ dòn dã hơn, đinh tai hơn.

Sáng mùng 2, HSG cùng nhóm bạn cùng ngồi nhâm nhi cà phê thì có một chú trung niên thông tin “hình như tối qua có đảo chính, Đài phát thanh Sài Gòn sáng giờ mất sóng chỉ nghe rột rẹt, còn đài quân Đội thì chỉ nghe nhạc hùng thôi, không nghe xướng ngôn nói năng gì ráo”. Đến hơn 9 giờ có tin “tối qua quân giải phóng về đánh chiếm mấy cứ điểm quan trọng ở Sài Gòn rồi”. Tư hưu trí bổ sung liền “nhà tui lúc đó ở gần cầu Phan Thanh Giản tức cầu Điện Biên Phủ ngày nay, khoảng 2 giờ sáng mùng 2 quân giải phóng đánh Đài phát thanh, súng bắn quá trời luôn.

HSG nhớ lại lúc đó quân giải phóng đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu đầu não như Toà đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Đài phát thanh, Bộ tư lệnh hải quân, bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó lực lượng Biệt động Thành đã chiếm giữ các mục tiêu nhiều giờ để chờ viện binh chủ lực vào.

Trước đây mỗi lần kỷ niệm cuộc tổng tiến công năm Mậu Thân, HSG đều gặp và phỏng vấn những người chỉ huy các đội Biệt động Thành như Chú Tư Chu tức đại tá Nguyễn Đức Hùng, chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn, nguyên là phó tư lệnh Quân Khu 7, người mà chính quyền VN Cộng hòa và cố vấn Mỹ treo thưởng 2 triệu đô cho ai chỉ để bắt được hoặc chỉ để bắn chết, cũng như các anh Tư Tăng, Ba Tẻo chỉ huy cánh đánh chiếm Đài phát thanh.

Tất nhiên về sự mưu trí, dũng cảm hy sinh đến giọt máu cuối cùng của các đội Biệt động thì báo chí viết nhiều rồi, có điều sự hy sinh của các chiến sĩ Biệt động đến nay gần 50 năm vẫn còn là nỗi ray rứt cho những đồng chí, đồng đội còn sống, cho bà con ở gần các mục tiêu đánh chiếm. 

Bởi theo lời của chú Tư Chu, các đội Biệt động thành ngoài số cán bộ khung cán bộ chỉ huy của đội thì còn biết nhau, còn số đội viên do từng cán bộ của đội xây dựng, theo nguyên tắc bí mật nên khi chiến đấu người cán bộ hy sinh, các đội viên hy sinh thì rất ít người biết. Đến nay việc giải quyết chính sách chế độ cho những đội viên biệt động Sài Gòn vẫn còn nhiêu khê.

Trước khi qua đời Chú Tư Chu đã kiên trì đi tìm, thu thập tên của các chiến sĩ ở các mũi tấn công Tết Mậu Thân 1968. Có tất cả 124 người bao gồm cả những người phục vụ và giữ kho vũ khí, hầu hết ở các hướng tấn công đều đã hy sinh.

Trong danh sách các chiến sĩ hy sinh tại trận, rất nhiều người không có tên thật, chỉ có bí danh. Đến nay, các chiến sĩ anh hùng của chúng ta làm nên Mậu Thân ở Sài Gòn chấn động thế giới vẫn còn là chiến sĩ “vô danh”, hài cốt của các anh, chúng ta cũng chưa biết hết.

Đánh vào Đại sứ quán Mỹ, các chiến sĩ hy sinh hết trừ Anh hùng Lực lượng vũ trang Ngô Thanh Vân bị thương nặng, bị kết án tù và trở về sau giải phóng, còn 19 chiến sĩ của chúng ta được người Mỹ gom đi chôn ở đâu đến nay cũng không rõ.

Nghe HSG kể anh em đều sụt sùi, Ba thợ hồ đề nghị nhóm đến nghĩa trang liệt sĩ đốt nhang tưởng nhớ các anh. Tư hưu trí thì nói không nên vì như chú Tư Chu nói hầu hết các chiến sĩ biệt động thành đa số đều hy sinh, chính quyền Sài Gòn, Mỹ gom đi chôn ở đâu chẳng biết, nên thay vì đi nghĩa trang liệt sĩ tại sao chúng ta không đến những tượng đài ở các mục tiêu mà 48 năm trước các anh đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt như ở Đài phát thanh, Tòa đại sứ Mỹ, Dinh độc lập v..v. 

Anh em trong nhóm cho rằng đa số bà con không có thông tin thì đến nghĩa trang liệt sĩ, còn chúng ta vừa nghe anh HSG kể nên thống nhứt viếng, đốt nhang và tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã hy sinh đêm mùng 2 Tết ở các mục tiêu trọng yếu.

HSG bổ sung thêm: hàng năm ở các tượng đài đều có các thành viên trong Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến biệt động Sài Gòn cùng chính quyền địa phương tổ chức viếng và tưởng niệm các anh.

Vấn đề HSG muốn nhắc là lúc hy sinh các anh còn rất trẻ chỉ mười mấy đôi mươi thôi, nói theo ông bà xưa là các anh hiển linh lắm, nên bằng mọi giá chúng ta cùng ngành Lao động thương binh xã hội, ban liên lạc Biệt động Sài Gòn, các ngành các cấp phải sưu tầm và truy tìm tông tích các anh, ít nhứt thân nhân các anh phải được “Tổ quốc ghi công” sau đó thì tính tiếp. Đó là mệnh lệnh của trái tim, đó là việc cần làm “đón xuân Bính Thân, nhớ xuân Mậu thân”.

 

Bình luận