Tìm hiểu về nghệ thuật ẩn dụ để ứng dụng trong văn học

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, tiếng Việt của chúng ta rất đa dạng và phong phú về mặt từ ngữ cũng như các phép tu từ.

“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, tiếng Việt của chúng ta rất đa dạng và phong phú về mặt từ ngữ cũng như các phép tu từ. Trong văn học, phép tu từ đóng vai trò quan trọng tạo nên hiệu quả của việc diễn đạt. Ẩn dụ là biện pháp tu từ phổ biến, rất thường được sử dụng trong các câu thơ, câu văn từ xưa đến nay. Hãy cùng nhau tìm hiểu về nghệ thuật ẩn dụ ngữ văn 6 đã dạy trong bài viết sau đây.

voh.com.vn-phep-an-du-1

Bài giảng về ẩn dụ

Ẩn dụ là gì?

Khái niệm

Theo SGK ngữ văn 6, ẩn dụ là một biện pháp tu từ nhằm gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hoặc hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau, nhằm tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm của câu văn.

Ví dụ

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” (Tục ngữ)

=> “mực” ẩn dụ cho môi trường xấu, “đèn” ẩn dụ cho môi trường tốt, nhằm nói đến sự tác động của môi trường sống đến nhân cách con người.

“Giọng nói của chị ấy rất ngọt ngào” (Nguyễn Du)

=> ẩn dụ chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang vị giác, giọng nói êm ái tưởng chừng như sự ngọt ngào có thể cảm nhận được bằng miệng.

Tác dụng của ẩn dụ

Trong nhiều tác phẩm văn học, ca dao, tục ngữ, thơ văn từ xưa đến nay, rất thường sử dụng phép ẩn dụ. Nó trở thành phép tu từ phổ biến làm tăng thêm sức biểu cảm cho câu văn, câu thơ. Bên cạnh đó, phép ẩn dụ rất giàu hình ảnh, mang tính hàm súc và biểu cảm cao, làm cho người đọc, người nghe cảm thấy hấp dẫn và lôi cuốn hơn.

voh.com.vn-phep-an-du-2

Phép ẩn dụ được học trong Ngữ văn lớp 6

Các hình thức ẩn dụ

Trong phép ẩn dụ bao gồm 4 hình thức như sau:

1/ Ẩn dụ hình thức: người nói hoặc người viết giấu đi một phần ý nghĩa

Ví dụ:

“Về thăm quê Bác làng Sen

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng” (Trích “Về thăm nhà Bác - Nguyễn Đức Mậu”)

=> hoa râm bụt thường sử dụng từ “nở” nhưng ở đây tác giả lại dùng từ “thắp”, bởi chúng có cùng một hình thức, gợi lên hình ảnh sống động cho câu thơ.

2/ Ẩn dụ cách thức: là nêu lên vấn đề bằng nhiều cách nhằm thể hiện hàm ý mà người nói, người viết không muốn biểu đạt trực tiếp.

Ví dụ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (Tục ngữ)

=>  “quả” và “kẻ trồng cây” là ẩn dụ cách thức chỉ “thành quả” và “người lao động” nhằm nói đến sự biết ơn những người đã giúp đỡ mình, những người đã tạo ra thành quả cho mình được thụ hưởng.

3/ Ẩn dụ phẩm chất: thay thế phẩm chất của sự vật, hiện tượng này bằng phẩm chất của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng.

Ví dụ:

“Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm” (Đêm nay bác không ngủ - Minh Huệ)

=> Người Cha ở đây mà tác giả muốn nói đến là Bác Hồ, với những phẩm chất tương tự nhau như yêu thương, chăm sóc cho con chu đáo, là một con người vĩ đại.

4/ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: phép tu từ này miêu tả tính chất, đặc điểm của sự vật được nhận biết bằng giác quan này nhưng lại được miêu tả bằng từ ngữ sử dụng cho giác quan khác.

Ví dụ: “Trời nắng giòn tan”

=> sử dụng tính từ “giòn tan” đúng ra dùng miêu tả vị giác nhưng lại dùng để miêu tả thị giác là việc nhìn thấy nắng rất to, nhằm tạo ấn tượng cho câu văn.

Ẩn dụ và hoán dụ khác nhau như thế nào?

So sánh, ẩn dụ, hoán dụ hay nhân hóa là những phép tu từ phổ biến, rất thường được sử dụng trong các câu văn, câu thơ. Rất nhiều trường hợp hay nhầm lẫn giữa ẩn dụ và hoán dụ, vậy 2 phép tu từ này khác và giống nhau như thế nào?

So sánh Ẩn dụ và Hoán dụ

ẨN DỤ

HOÁN DỤ

GIỐNG NHAU

Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác

KHÁC NHAU

Dựa vào quan hệ tương đồng. Cụ thể là tương đồng về:

  • hình thức
  • cách thức thực hiện
  • phẩm chất
  • cảm giác

Dựa vào quan hệ tương cận

Cụ thể:

  • Bộ phận - toàn thể
  • Vật chứa đựng - Vật bị chứa đựng.
  • Dấu hiệu của sự vật - Sự vật.
  • Cụ thể - Trừu tượng

1/ Điểm giống nhau

  • Cả hai đều cùng bản chất là lấy sự vật, hiện tượng này để diễn tả sự vật, hiện tượng khác.
  • Tuân theo quy luật dễ liên tưởng, gần gũi với nhau.
  • Làm tăng sức biểu cảm, gợi hình và hiệu quả trong việc diễn đạt đến người đọc, người nghe.

2/ Điểm khác nhau

- Ẩn dụ: cơ sở liên tưởng là 2 sự vật, sự việc mặc dù không liên quan nhau, thuộc 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau nhưng lại có nét tương đồng, giống nhau thì có thể dùng để thay thế. Ngoài ra, ẩn dụ còn có thể kết hợp với một số biện pháp tu từ khác như nhân hóa, so sánh,…

Ví dụ:

“Thuyền đi để bến đợi chờ

Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau” (Ca dao)

=> “Thuyền” là ẩn dụ về người đi xa, “bến” ẩn dụ về người ở lại, mặc dù chúng không cùng 1 phạm trù nhưng lại có sự tương đồng tính chất với nhau.

- Hoán dụ: cơ sở liên tưởng là sự vật, sự việc gọi tên phải liên quan trực tiếp, tương cận, rất gần gũi đến sự vật, sự việc được thay thế.

Phép ẩn dụ ngữ văn 6 được ứng dụng vô cùng phổ biến. Đây được xem như là biện pháp tu từ cơ bản nhất, giúp cho việc diễn đạt thêm mạch lạc, thêm ấn tượng, tạo cho bài văn sức hấp dẫn lạ thường khi sử dụng chúng.

Bạn đã thực sự hiểu khách quan là gì?: Khách quan vốn là một từ ngữ được sử dụng cực kỳ phổ biến để đánh giá một sự việc. Tùy vào từng trường hợp mà người ta hiểu khách quan là gì. Hãy cùng phân tích kỹ hơn để sử dụng đúng nhé.
Bạn đã biết rõ về hệ thống học hàm học vị ở Việt Nam?: Chúng ta vẫn thường nghe các danh xưng như Cử nhân, Tiến sĩ, Giáo sư… Nhưng ít người biết và nhận dạng đó là học hàm hay học vị. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về học hàm học vị trong bài viết sau ...
Bình luận