Chờ...

Cẩm nang du lịch Hoàng Su Phì - Hà Giang từ A đến Z

Bạn đang lên kế hoạch cho chuyến du lịch Hoàng Su Phì? Bạn đang băn khoăn không biết địa điểm này có gì đặc biệt và hấp dẫn? Hãy cùng chúng tôi khám phá nhé!

Hoàng Su Phì là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở xứ sở cao nguyên đá Hà Giang. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên trữ tình với những điểm đến nổi tiếng. Và đời sống văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng những lễ hội độc đáo chính là những điểm cộng ghi dấu ấn đậm nét cho những ai từng đặt chân đến đây. Cùng khám phá nhé!

Sơ lược đôi nét về Hoàng Su Phì - Hà Giang

Hoàng Su Phì là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Ngày xưa, vùng đất này thuộc xứ Tuyên Quang. Huyện được thành lập với 2 tổng Xín Mần và Tụ Nhân.

Hiện nay, Hoàng Su Phì có 1 thị trấn, 24 xã, trong đó có 4 xã biên giới. Chiều dài đường biên giới của huyện là hơn 40km. Địa hình chủ yếu của huyện là đồi núi có độ dốc lớn và nhiều con suối nhỏ, chia cắt các địa phương. Tại Hoàng Su Phì, dân số chủ yếu là 12 dân tộc thiểu số, trong đó người Tày, Nùng, Dao, Mông, La Chí có số lượng đông nhất.

Đến đây, du khách có thể được chiêm ngưỡng và tham gia một số lễ hội rất độc đáo của người dân Tây Bắc. Đó là lễ hội Gầu tào của người Mông, lễ cúng Thần rừng của người Nùng, lễ Khu cù tê của người La Chí, lễ gọi hồn lúa, lễ nhảy bói của dân tộc Dao,... 

voh.com.vn-du-lich-hoang-su-phi-anh-0
Vẻ đẹp của ruộng lúa bậc thang (Nguồn: Internet)

Nên đi du lịch Hoàng Su Phì vào thời gian nào?

Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người thắc mắc. Để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng núi còn hoang sơ này một cách trọn vẹn, du khách cũng như các phượt thủ đều phải nghiên cứu kỹ tình hình thời tiết của khu vực này. 

Tháng 9 là thời gian đẹp nhất để đến với Hoàng Su Phì. Đây là thời gian những ruộng lúa bậc thang ở đây nở rộ với màu vàng ươm, cho bạn chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa trải dài, xem lẫn trong những dãy núi nhấp nhô. Đến với Hoàng Su Phì mùa lúa chín, du khách tha hồ chụp ảnh hay cùng đồng bào thu hoạch lúa và thưởng thức những món ăn đặc sản từ lúa mới này.

Ngoài ra, vào mùa xuân, tầm tháng 3 hàng năm, bạn có thể đến Hoàng Su Phì để tham gia các lễ hội của người dân địa phương. Bạn cũng có thể chụp hình những vườn hoa đào, hoa mai nở rộ. 

Sang tháng 4, tháng 6, nơi đây sẽ bước vào vụ cấy lúa. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh nước đổ qua những ô ruộng bậc thang. Thú vị hơn, bạn có thể thử làm người nông dân khi xắn quần lội ruộng và cấy lúa cùng bà con ở đây. Vào mùa đông, nếu muốn ngắm vườn hoa tam giác mạch hay cảm nhận cái lạnh sắc ngọt của vùng biên viễn thì Hoàng Su Phì cũng là địa điểm bạn không nên bỏ qua. 

Hoàng Su Phì ở đâu?

Hoàng Su Phì cách thủ đô Hà Nội khoảng 300km. Cách di chuyển đến đây được nhiều người lựa chọn, thuận tiện và an toàn nhất chính là đi xe khách. Từ bến xe Mỹ Đình, bạn mua vé khoảng 200 nghìn tới Hà Giang. Sau đó, bạn có thể thuê xe máy để đi từ thành phố Hà Giang tới Hoàng Su Phì.

Nếu lựa chọn phương tiện cá nhân là xe máy hoặc ô tô riêng thì có một số tuyến đường thuận tiện cho việc di chuyển là từ Hà Nội qua Vĩnh Yên - Việt Trì - Đoan Hùng - Phú Thọ rồi qua Tuyên Quang và tới Hoàng Su Phì.

Có tuyến đường Hà Nội - theo Quốc lộ 2, xong qua Xín Mần, Bắc Hà, đi qua Yên Bái và về lại thủ đô. Ngoài ra, du khách có thể qua cửa khẩu Thanh Thủy, vượt qua dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ và khám phá Hoàng Su Phì.

voh.com.vn-du-lich-hoang-su-phi-anh-1

Bạn cần vượt qua nhiều cung đường hiểm trở để đến được Hoàng Su Phì (Nguồn: Internet)

Các địa điểm tham quan, vui chơi tại Hoàng Su Phì

Đến với vùng đất này, bạn sẽ được khám phá nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ, cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời. Sau đây là các điểm tham quan tại Hoàng Su Phì bạn không nên bỏ qua.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Đây là một trong những điểm thu hút du khách đến với Hoàng Su Phì. Người dân tại đây cũng canh tác lúa nước trên những mảnh ruộng bậc thang đã được khai phá từ hàng trăm năm nay. 

Nếu đến vào mùa cấy lúa, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh nước đổ từ trên những bậc ruộng cao nhất tới đám ruộng thấp nhất. Bạn sẽ khâm phục sự sáng tạo của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. 

Còn nếu bạn đến vào mùa lúa chín, chắc chắn bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đám ruộng bậc thang có màu vàng rực như một tấm thảm khổng lồ.. Đó vừa là vẻ đẹp của tự nhiên, vừa là thành quả của người nông dân vất vả chăm bón mới có ngày thu hoạch. 

Ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì có diện tích tương đối lớn, tập trung chủ yếu tại Bản Phùng, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Nậm Ty. Mỗi địa danh đều có những kiểu ruộng bậc thang riêng biệt mà nếu dành thời gian khám phá, bạn sẽ có được nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Hoa Tam giác mạch

Một trong những loài hoa gây thương nhớ cho du khách khi đến Hoàng Su Phì chính là hoa tam giác mạch. Loài hoa có vẻ đẹp hoang sơ, dân dã như sơn nữ trở thành biểu tượng của vùng đất xứ đá tai mèo. Những năm gần đây, tỉnh Hà Giang đã tập trung phát triển du lịch bằng cách trồng hoa tam giác mạch trên những diện tích lớn để thu hút khách tham quan.

voh.com.vn-du-lich-hoang-su-phi-anh-2

Hoa tam giác mạch mê đắm du khách (Nguồn: Internet)

Chiêu Lầu Thi 

Nếu là người ưa khám phá, không sợ mạo hiểm thì Chiêu Lầu Thi là điểm đến tiếp theo bạn không nên bỏ qua. Theo tiếng địa phương, Chiêu Lầu Thi nghĩa là Chín tầng thang. Đây là ngọn núi thuộc dãy Tây Côn Lĩnh, có độ cao 2.402m so với mực nước biển, thuộc xã Hồ Thầu, cách trung tâm huyện lỵ hơn 40km. 

Điểm đặc biệt của ngọn núi chính là những khối đá khổng lồ nối liền nhau được tạo thành trên đỉnh núi, thuận tiện để quan sát khung cảnh xung quanh. Vào những ngày mây mù, đây là điểm săn mây độc đáo với vẻ đẹp của nơi bồng lai tiên cảnh. 

Ngoài ra, Chiêu Lầu Thi còn hấp dẫn bởi hệ sinh thái đa dạng với khu rừng nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ, thảo dược quý, đặc biệt là còn bảo tồn được giống chè san tuyết nổi tiếng. 

voh.com.vn-du-lich-hoang-su-phi-anh-3

Săn mây trên đỉnh Chiêu Lầu Thi (Nguồn: Internet)

Tây Côn Lĩnh

Với độ cao 2419m, đây là một trong những ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc và của nước Việt Nam. Tây Côn Lĩnh thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, trải dài trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Dưới chân núi là cánh rừng nguyên sinh á nhiệt đới đang được bảo tồn. Chinh phục Tây Côn Lĩnh là một trong những thử thách mạo hiểm đối với các phượt thủ bởi những cung đường rất vất vả và gian nan. 

Chợ phiên Hoàng Su Phì

Một trong những điểm độc đáo trong văn hóa sinh hoạt của người dân vùng cao chính là những phiên chợ. Tại Hoàng Su Phì, phiên chợ diễn ra vào ngày chủ nhật. Ở đây tấp nập kẻ bán người mua với hàng hóa chủ yếu là vật phẩm sinh hoạt hàng ngày như rau củ quả, vật dụng lao động sản xuất hay các sản phẩm thủ công như vải vóc, chỉ thêu,...

Không dừng lại ở trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu, là nơi để trai gái hò hẹn.Với người dân vùng cao, đến chợ là phải mặc thật đẹp, tinh thần phải thật vui tươi, thoải mái. Vì thế, du khách dễ dàng bắt gặp những bộ váy áo sặc sỡ, đủ sắc màu của các chàng trai, cô gái. Niềm vui ánh lên từ đôi mắt, từ những điệu múa, điệu khèn. 

Khu mộ cổ của đồng bào dân tộc La Chí

Tương truyền, khu mộ này là khu mộ giả của Thổ tù người La Chí tên là Hoàng Vần Thùng từ thời nhà Nguyễn. Ông là một người làm nhiệm vụ trấn ải biên thùy và khai thác tài nguyên khoáng sản, giúp người dân trồng ngô, trồng lúa. Khi ông mất, nhân dân chôn cất và cải táng kèm theo nhiều của cải. Những ngôi mộ giả được dựng lên để tránh kẻ gian đào mộ lấy châu báu. Trải qua mưa nắng khắc nghiệt, những ngôi mộ này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Để đến khu mộ cổ, du khách phải men theo các cung đường sườn núi ở các xã Bản Máy, Bản Phùng thuộc huyện Hoàng Su Phì và xã Bản Díu thuộc huyện Xín Mần.  Đường ở đây tương đối khó đi nên bạn phải là một tay lái cứng nhé!

Bốt Pháp - Đồn Pố Lũng

Đây là một quần thể kiến trúc mang tính quân sự gồm sân bay liên hoàn, lô cốt, hầm hào được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đến ngày nay, quần thể này vẫn gần như nguyên vẹn, như một dấu tích thể hiện sự tàn độc của thực dân Pháp.

Để có được hệ thống này, người dân địa phương phải vận chuyển đá, nước qua những con đèo quanh co. Nhiều người đã phải bỏ mạng tại đây. Ngày nay, khu vực này được bảo tồn và phủ xanh bằng những cánh rừng thông rộng lớn, tạo nên một cảnh quan kì vĩ, thu hút nhiều khách tham quan.

Đền Suối Thầu

Ngôi đền được xây dựng từ năm 1793 ( năm thứ 3 đời Minh Mạng). Đền nằm trên một quả núi thuộc thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc. Xung quanh đền có rất nhiều thửa ruộng bậc thang. Đây cũng là nơi thờ các vị thần linh như Ngọc hoàng, thần rừng, thần nông, thần đất, bà mụ,...và là nơi thờ thành hoàng Đặng Diễn. Ngay 1/7 âm lịch hàng năm, người dân tổ chức lễ cúng bái với mong muốn cuộc sống tốt đẹp, mùa màng bội thu.

Kinh nghiệm du lịch Hoàng Su Phì 

Để có chuyến khám phá vùng đất độc đáo này được trọn vẹn, bạn không thể bỏ qua những món ăn hấp dẫn của người dân địa phương ở đây chế biến.

Ăn gì ở Hoàng Su Phì

Có rất nhiều món ăn ở nơi đây thu hút khách du lịch, nổi bật như:

  • Cơm lam: Đây là một trong những món ăn đặc trưng của người dân vùng núi nói chung và Hoàng Su Phì nói riêng. Từ gạo nếp được ngâm đãi, đựng trong ống tre, ống nứa rồi nướng lên. Lúc chín, cơm dẻo thơm ngào ngạt.

  • Thịt chuột: Đến đây không thể bỏ không thưởng thức món thịt chuột của người La Chí. Thịt chuột được chế biến thành nhiều món với khẩu vị rất đặc trưng, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

voh.com.vn-du-lich-hoang-su-phi-anh-4

Thịt chuột là món ăn nên thử (Nguồn: Internet)

  • Cá chép ruộng: Những con cá chép được bắt từ ruộng lúa bậc thang, nướng giòn, ăn kèm với các loại rau rừng là một món ăn bạn nên thử.

Ngoài những món ăn trên thì khi đến với Hoàng Su Phì, bạn nên thử món rượu ngô Nàng Đôn, chè san tuyết Hoàng Su Phì hay cốm nếp, thịt dê,... Mỗi món ăn sẽ cho bạn một cảm nhận thật sự khác biệt.

voh.com.vn-dac-san-com-lam-noi-tieng-hoang-su-phi

Hoàng Su Phì có nhiều đặc sản nổi tiếng (Nguồn: Internet)

Những điều cần lưu ý khi du lịch Hoàng Su Phì

Đến với vùng đất này, trước hết bạn cần nắm rõ lịch trình, tìm hiểu trước về các chặng đường cũng như các điểm cần đến. Cụ thể:

  • Tham khảo thêm nhiều thông tin để đến đúng nơi và đúng lúc.

  • Trước khi vào các bản của người địa phương thì nên hỏi ý kiến của trưởng bản, không nên quá tò mò về cuộc sống của người dân ở đây. 

Trên đây là những thông tin cần biết để có chuyến du lịch Hoàng Su Phì thành công và trọn vẹn. Hãy đến và cảm nhận cuộc sống văn hóa, vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên ở đây để có thêm nhiều trải nghiệm cho cuộc sống của mình.

Cánh đồng Mường Thanh: 'Đặc sản du lịch' Điện Biên: Cánh đồng Mường Thanh có gì đẹp? Nơi đây được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc với 4 mùa lúa chín trổ bông đẹp ngút ngàn tầm mắt.
Thành cổ Bắc Ninh - địa điểm du lịch không thể bỏ qua: Sở hữu thiết kế lục giác độc đáo, thành cổ Bắc Ninh lọt top 4 thành đẹp nhất Bắc Kỳ. Nơi đây vừa là công trình quân sự vừa là địa điểm du lịch nổi tiếng.
Bình luận