Chờ...

Ngũ Hành Sơn – ‘Bồng lai tiên cảnh’ nổi tiếng bậc nhất Đà Nẵng

(VOH) – Danh thắng Ngũ Hành Sơn được thiên nhiên ưu ái, hội tụ nét đẹp đất trời, văn hóa, lịch sử, tâm linh, ví như chốn ‘bồng lai’, xứng danh là biểu tượng của Đà Nẵng.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xem là biểu tượng của Đà Nẵng, là chốn thiên thai với đền chùa, hang động, thạch nhũ, hoa cỏ… Ngũ Hành Sơn được được nhiều người tìm đến như một nơi rũ sạch bụi trần, tĩnh tâm sau những phút giây mệt mỏi với tiếng chuông ngân sớm chiều.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-voh

Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng ở đâu?

Cách trung tâm Đà Nẵng 8km, nằm trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An, Ngũ Hành Sơn tọa lạc tại làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn. Đây là cụm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên bãi cát ven biển, rêu phong qua thời gian, mang nét cổ kính, hùng vĩ.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-1-voh

Ngũ Hành Sơn được xem là nơi hội tụ của trời biển, lịch sử, văn hóa và tâm linh. 6 ngọn núi đá vôi có tên được vua Minh Mạng đặt theo 5 nguyên tố vũ trụ: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (2 núi) và Thổ Sơn. Mỗi ngọn núi đều có những nét đẹp riêng, khuyến khích du khách nên khám phá hết để chuyến đi trọn vẹn.

Sự tích Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn gắn với một truyền thuyết từ thời hoang vu, bỗng có con Rồng bay về đây đẻ trứng rồi biến mất. Rùa Vàng – Thần Kim Quy xuất hiện giúp lấy cát ủ trứng nở. Lại đến một ngày có lão ngư dân đắm thuyền được thần Kim Quy cứu và đưa đến đây, trao nhiệm vụ bảo vệ trứng của Long Quân.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-2-voh

Với chiếc móng của thần Kim Quy để lại, ông lão đã chống lại nhiều thú dữ, bảo vệ đến ngày trứng nở ra một cô tiên xinh đẹp tuyệt trần. Vỏ trứng cũng lớn dần rồi tách ra, trở thành cụm Ngũ Hành Sơn ngày nay với các màu khác nhau như hồng, xám, xanh, lục, đen, vàng đầy huyền bí.

Tham quan Ngũ Hành Sơn

Không chỉ có cảnh đẹp, Ngũ Hành Sơn còn là kho tàng lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, từ kiến trúc chùa chiền đầu thế kỷ XIX, tác phẩm điêu khắc Chàm thế kỷ XIV, XV, cho đến bút tích thi ca thời Lê, Trần, bút tích sắc phong Quốc tự…

Kim Sơn

Kim Sơn là điểm đến đầu tiên trong hành trình Ngũ Hành Sơn với cách tham quan thú vị - đi thuyền. Trên đường đến ngọn Kim Sơn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sông núi thơ mộng, hùng vĩ như tranh. Đến chân núi Kim Sơn, bạn sẽ đi vào một hang động dài 50m, rộng 10m, cao đến 15m.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-3-voh

Trong động có những bậc đá tự nhiên, đặc biệt có lớp thạch nhũ lâu năm, bám vào vách núi có tạo hình của tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao bằng người, rất ấn tượng. Lớp nhũ thạch lấp lánh như tạo thành lớp áo cho tượng, bên cạnh còn có tượng Thiện Tài Đồng Tử và hình chim Khổng Tước hai cánh xoè rộng bao trùm khắp trần động.

Nơi đây còn có chùa Quán Thế Âm được xây dựng từ những năm 1950, lưng dựa Kim Sơn, mặt quay hướng sống với ao sen thơm ngát, nở rộ rực rỡ vào mùa hè.

Mộc Sơn

Mộc Sơn nằm sát biển, ngay cạnh Thủy Sơn, còn gọi là núi Mồng Gà vì hình dáng núi trông giống như thế. Trên núi có khối đá cẩm thạch trắng như người đang ngồi, người dân gọi là Cô Mụ hay Bà Quan Âm. Dưới chóp núi 10m có một hang động gọi là động bà Trung vì tương truyền có người phụ nữ cùng tên từng tu ở đó.

Thủy Sơn

Đây là ngọn núi lớn và đẹp nhất trong cụm Ngũ Hành Sơn với 3 ngọn ở 3 tầng mang ý nghĩa Tam Thai – 3 ngôi sao đuôi của chòm Đại Hùng Tinh. Thủy Sơn cũng là nơi tập trung nhiều hang động thạch nhũ, chùa chiền, trong đó nổi tiếng là chùa Non Nước, chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-5-voh

Để đến Tam Thai phải đi qua 156 bậc tam cấp, đến Linh Ứng qua 108 tầng cấp. Nếu bạn không đủ sức di chuyển có thể chọn đi thang máy 30.000đ/đi về/người, cao đến 43m với lồng kính xung quanh để bạn có thể ngắm cảnh khi lên cao, rất đẹp.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-6-voh

Hỏa Sơn

Gồm có Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Dương Hỏa Sơn có các hang động và chùa Phổ Sơn Đà, đây là ngọn ở gần Kim Sơn, trên bãi cát gần biển. Âm Hỏa Sơn nằm ở hướng đi về Hội An, chóp núi cao, nhiều đá nằm ngang tạo thành lát cắt, nơi đây cây cối mọc dày theo một hang đá dọc sườn Nam ra Bắc của ngọn núi.

Thổ Sơn

Thổ Sơn thấp nhưng dài nhất trong cụm Ngũ Hành Sơn, với hình thế như một con rồng nằm cuộn mình trên cát. Nơi đây có nhiều gạch cổ thời Chiêm Thành, có màu đất đỏ lộ ra dưới lớp cỏ mỏng bao phủ thân núi.

Thổ Sơn có hang Bồ Đề, rất đẹp nhưng lối vào chỉ đủ một người đi qua. Đây là nơi ghi lại một thời chiến đấu anh hùng, căn cứ ẩn nấp của quân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ở Thổ Sơn còn có chùa Long Hoa, thờ Phật Di Lặc, phía sau cao hơn là Phật Thích Ca, hai bên là Bồ tát Quán Thế Âm và Địa Tạng.

Động Huyền Không

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-8-voh

Động Huyền Không đẹp nhất trong các động ở Ngũ Hành Sơn, nằm lộ thiên với các vòm hình tròn thông ra bên ngoài giúp động luôn tràn ngập áng sáng. Không gian linh thiêng nơi đây khiến du khách luôn có sự an yên, thư thái khi đặt chân đến.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-9-voh

Động Âm Phủ

Là một trong những hang động lớn của Ngũ Hành Sơn, hang động tự nhiên này có nét âm u huyền bí và có nhiều ngóc ngách sâu xuống lòng đất. Tại đây có tái hiện 18 tầng địa , bạn có thể đi xem qua nếu không yếu tim nhé!

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-10-voh

Đi Ngũ Hành Sơn thời điểm nào?

Ngũ Hành Sơn thời tiết ôn hòa, thích hợp tham quan quanh năm, tuy nhiên mùa xuân và hè là mùa đẹp nhất để ngắm trọn vẹn sinh khí, cảnh sắc nơi đây. Đồng thời cũng dễ di chuyển, đi lại tham quan, khám phá những bãi biển xinh đẹp ở khu vực gần đó.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-11-voh

Cách đi Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng

Ngũ Hành Sơn cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ 8km, ngay trên trục đường Đà Nẵng – Hội An nên bạn có thể kết hợp tham quan ngay trong hành trình đi phố cổ. Đường đi lớn, phẳng, dễ đi và dễ tìm đường.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-12-voh

Bạn có thể chọn di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc xe buýt. Đối với xe buýt bạn đi chuyến Đà Nẵng  - Hội An sẽ có trạm dừng tại Ngũ Hành Sơn, xuất bến 5h30 – 17h50 hàng ngày.

Đi xe máy, ô tô, bạn có thể đi từ cầu Rồng về hướng bờ Đông sông Hàn, rẽ vào đường sông Ngô Quyền (Quốc lộ 14B), tới vòng xoay cầu Trần Thị Lý đi thẳng vào đường Ngũ Hành Sơn đến đường Lê Văn Hiến sẽ tới được khu du lịch Ngũ Hành Sơn. Xem chỉ đường tại đây.

Giá vé Ngũ Hành Sơn

Giá vé tham quan là 40.000đ/khách, cụ thể tại mỗi điểm như sau:

Thủy Sơn:

  • Người lớn: 40.000đ/khách
  • Học sinh, sinh viên: 10.000đ/khách
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí vé tham quan.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-14-voh

Động Âm Phủ:

  • Người lớn: 20.000đ/khách
  • Học sinh, sinh viên: 7.000đ/khách
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Miễn phí vé tham quan.

Dịch vụ khác:

  • Giá vé thang máy khứ hồi: 30.000đ/khách/ 2 chiều.
  • Hướng dẫn viên tại điểm: 50.000đ/đoàn

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-15-voh

Ăn uống ở đâu khi đi Ngũ Hành Sơn?

Hải sản: Hải Sản A Tý (tại số 2 Trường Sa), Hải Sản Bình Dân 2 Tâm (Lô 12-13 Trường Sa), Hải Sản Cu Nhật (23 Ngũ Hành Sơn)

Mì Quảng: Mì Quảng Dung (43 Ngũ Hành Sơn), Mì Quảng Phương (06 Phan Tứ), Mì Quảng bà Vị (60 Ngũ Hành Sơn) hoặc quán Bà Mua (40 Ngũ Hành Sơn) với giá chỉ từ 20,000đ/tô.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-16-voh

Bánh xèo: Bánh Xèo Xuân (04 Phan Tứ), Quán Cô Mười (23 Châu Thị Vĩnh Tế)

Bún riêu cua Bà Hai: K25/14 Ngũ Hành Sơn

Bún mắm Cô Sáu: 93 Hồ Xuân Hương

Bê thui Quán Lý: 328 Ngũ Hành Sơn

Lưu ý khi tham quan Ngũ Hành Sơn

Trang phục: Vì Ngũ Hành Sơn có nhiều điểm đến tâm linh như chùa chiền nên bạn cần ăn mặc lịch sự, kín đáo nhưng vẫn đảm bảo độ thoáng mát, dễ di chuyển.

ngu-hanh-son-bong-lai-tien-canh-noi-tieng-bac-nhat-da-nang-17-voh

Giữ vệ sinh chung: Đây là kiệt tác thiên nhiên ban tặng với những hang động thạch nhũ xinh đẹp, không nên xả rác bừa bãi bạn nhé!

Nước uống và thức ăn nhẹ: Vì tham quan qua các núi sẽ di chuyển nhiều, bạn nên mang theo nước uống và thức ăn nhẹ sẽ tiện hơn.

Ngũ Hành Sơn vẫn là điểm đến “nhất định phải đi” khi đến Đà Nẵng, bởi khách lữ hành có thể đến đây thưởng cảnh đẹp, khách tâm linh có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, khách khám phá có thể tìm tòi lịch sử, kiến trúc, văn hóa. Một lần về Ngũ Hành Sơn, vùng đất địa linh nhân kiệt, để thấy thiên nhiên, non nước hùng vĩ ra sao, xinh đẹp thế nào!

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt – Nơi tìm thấy bình yên giữa bộn bề cuộc sống: Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt sẽ đưa bạn vào một thế giới khác với cuộc sống bộn bề ngoài kia. Nơi đây dường như chỉ có sự an yên, tĩnh lặng giữa những vườn hoa xinh đẹp cùng tiếng chuông ngân.
Nam Du – Vi vu hòn đảo xinh đẹp với chi phí cực hợp lý: Nam Du với những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp, hải sản tươi ngon là lựa chọn lý tưởng cho một kỳ nghỉ ngắn ngày không quá tốn kém, xách ba lô lên và đi thôi!
Bình luận