Chờ...

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn

(VOH) – Dinh Độc Lập – một công trình kiến trúc độc đáo, từng được xem là công thự đẹp nhất Á Đông. Hơn thế nữa, nơi đây còn thu hút du khách bởi những bởi ý nghĩa lịch sử lớn lao của nó.

Đã có rất nhiều cư dân Sài Gòn chưa một lần ghé thăm Dinh Độc Lập. Không phải họ ngại đường xa, vé đắt mà bởi họ nghĩ: Dinh Độc Lập chẳng có gì ngoài cái… Dinh.

Tuy nhiên, nếu như bạn từng nghe đến sự kiện lịch sử năm 1975 thì chắc chắn bạn sẽ không thể không biết về Dinh Độc Lập, bởi đây chính là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện trọng đại có ý nghĩa lớn lao. Và cùng với chợ Bến Thành, Dinh Độc Lập chính là điểm đến hấp dẫn nhất khi bạn muốn du lịch Sài Gòn.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 1

Dinh Độc Lập (Nguồn: Internet)

Dinh Độc Lập và những dấu mốc lịch sử không thể quên

Dinh Độc Lập (còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Dinh Thống Nhất, Dinh Toàn quyền, Hội trường Thống Nhất). Đây từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử ở Sài Gòn.

Theo các tài liệu ghi chép, sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam kỳ vào 1867, đến năm 1868 Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn (thay cho dinh cũ, được dựng bằng gỗ vào năm 1863). Dinh mới được xây dựng theo đồ án do kiến trúc sư Hermite phác thảo.

Khi ấy, Dinh Độc Lập được xây cất trên một diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80m2, bên trong có phòng khách chứa 800 người, một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật tư xây dựng Dinh được chở từ Pháp sang. Sau khi xây dựng xong, dinh được đặt tên là dinh Norodom. 

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 2

Dinh Độc Lập có rất nhiều tên gọi khác tương ứng theo từng thời kỳ lịch sử (Nguồn: Internet)

Giai đoạn 1871 - 1887 dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ nên gọi là dinh Thống đốc. Từ năm 1887 - 1945 các quan chức cao cấp cai trị thuộc địa Pháp (gọi tắt là toàn quyền Đông Dương) đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền. 

Tháng 3 - 1945 phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, Dinh là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng từ tháng 9 - 1945 Nhật thất bại, Dinh lại trở thành trụ sở làm việc của bộ máy xâm lược Pháp trong suốt 9 năm đến 1954.

Từ tháng 9 - 1954 chính quyền Pháp trao trả Dinh Norodom cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1955 Dinh được đổi tên là Dinh Độc Lập. Từ đó Dinh Độc Lập trở thành biểu tượng của chính quyền miền Nam Việt Nam cũng như nơi ở của tổng thống và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 3

Sau năm 1966 Dinh Độc Lập trở thành nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (Nguồn: Internet)

Năm 1962 quân đảo chính đã ném bom Dinh Độc Lập, không thể sửa chữa và khôi phục lại được cho nên Ngô Đình Diệm quyết định san bằng toàn bộ Dinh cũ và xây dựng lại Dinh mới trên nền đất cũ và vẫn lấy tên là Dinh Độc Lập. Dinh mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, được khánh thành vào năm 1966 và trở thành nơi ở cũng như nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Đến tháng 4 – 1975, Dinh Độc Lập một lần nữa trở thành nơi chứng kiến một sự kiện vô cùng trọng đại của dân tộc đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Khi lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập cũng đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài suốt 20 năm.

Sau năm 1975, Dinh Độc Lập trở thành di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Năm 1976, Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, và đến năm 2009 nơi đây được tôn vinh là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 4

Ngày nay Dinh Độc Lập trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Sài Gòn (Nguồn: Internet)

Ngày nay, Dinh Độc Lập trở thành một trong những địa điểm du lịch không thể thiếu của mỗi người dân khi tới Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà Dinh Độc Lập còn thể hiện nét kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ những thập niên 60. Ngoài ra, đây cũng thường là nơi diễn ra các sự kiện lớn tổ chức tại thành phố, các buổi tiếp khách của Đảng, Nhà nước tại TPHCM cũng như chính quyền thành phố. Đồng thời đây cũng là nơi tổ chức quốc tang cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở TPHCM.

Đến Dinh Độc Lập tham quan những gì?

Dinh Độc Lập có khuôn viên rộng trên 120.00m2 , cao 26m, nằm trong khu vực trung tâm thành phố, xung quanh rợp bóng cây. Bên ngoài hàng rào phía trước và sau Dinh là 2 công viên xanh (công viên 34/4 và công viên Tao Đàn).

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 5

Dinh Độc Lập được thiết kế theo kiến trúc phương Đông pha lẫn nét hiện đại (Nguồn: Internet)

Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, được thiết kế dựa theo phong thủy cũng như kiến trúc phương Đông nhưng vẫn mang nét hiện đại.

Với bố cục sân vườn, dinh thự đăng đối, hồ phun nước phía trước tạo thế minh đường và rừng cây trùng điệp phía sau chính là phần hậu chẩm tạo thế vững bền cho công trình.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 6

Hồ phun nước nổi bật được đặt ở phía trước Dinh Độc Lập (Nguồn: Internet)

Trong Dinh Độc Lập được chia làm 3 khu trưng bày chính đó là: khu cố định, khu chuyên đề và khu bổ sung. Ngoài ra, còn có thể dạo quanh Dinh để ngắm nhìn những hiện vật để hồi tưởng lại dấu trang sử hào hùng của dân tộc.

  1. Khu cố định

Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng đại yến, phòng nội các, phòng làm việc của Tổng thống và của Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng trình quốc thư, khu phòng ngủ của gia đình tổng thống, khu sinh hoạt, phòng khách của phu nhân, phòng chiếu phim, lầu tĩnh tâm, phòng tham mưu tác chiến, phòng thông tin liên lạc, phòng trực chiến của tổng thống, nhà bếp, chưa kể các phần khác như bao lơn, hành lang...

Một số căn phòng tiêu biểu ở Dinh Độc Lập như:

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 7

Phòng Khánh tiết (Nguồn: Internet)

  • Phòng Khánh tiết: Căn phòng với sức chứa trên 500 người, từng là nơi tổ chức các cuộc họp, chiêu đãi, lễ ra mắt nội các.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 8

Phòng nội các (Nguồn: Internet)

  • Phòng Nội các: Là nơi diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Tổng trưởng và Nội các Việt Nam Cộng hòa.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 9

Thư viện trong Dinh Độc Lập (Nguồn: Internet)

  • Thư viện trong Dinh Độc Lập : Nơi đây chứa rất nhiều sách, tài liệu nghiên cứu của các vị Tổng thống ngày xưa.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 10

Phòng tham mưu tác chiến (Nguồn: Internet)

  • Phòng tham mưu tác chiến: Đây là phòng thu nhận tin tức quân sự từ 4 vùng chiến thuật. Thông qua hệ thống bản đồ tác chiến, bộ phận tham mưu sẽ cập nhật, theo dõi và triển khai các kế hoạch hoạt động quân sự.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 11

Một căn phòng trong tầng hầm (Nguồn: Internet)

  • Tầng hầm: Tầng hầm có đầy đủ các phòng truyền tin, phòng in ấn… nhằm bảo đảm việc phát mệnh lệnh của Tổng thống ra bên ngoài.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 12

Phòng ngủ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (Nguồn: Internet)

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 13

Phòng thư giãn (Nguồn: Internet)

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 14

Phòng xem phim (Nguồn: Internet)

  • Khu nhà ở của gia đình Tổng thống: Một điểm tham quan thú vị khác nữa phải kể đến ở đây là khu ở của gia đình Tổng thống. Người có thời gian sống lâu nhất là Tổng thống dưới chế độ cũ Nguyễn Văn Thiệu (từ tháng 10/1967 đến 21/4/1975).
  1. Khu chuyên đề

Đây là khu trưng bày các các chuyên đề như “Từ Hiệp định Paris đến chiến dịch Hồ Chí Minh qua tài liệu dự trữ”, “Đường Hồ Chí Minh qua các tài liệu của chính quyền Sài Gòn” hay các cuộc triển lãm ảnh như “Việt Nam – Bài ca chiến thắng”.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 15

Hình ảnh trong khu chuyên đề trong Dinh Độc Lập (Nguồn: Internet)

Khách tham quan không chỉ nhìn lại được những tấm ảnh sống động thời kỳ trước mà còn được biết thêm, tìm hiểu thêm về chi tiết lịch sử ẩn sâu trong nó mà không được sách báo nào viết lại. Đó là những sưu tầm, công lao tìm tòi, đào sâu của các chuyên gia lịch sử.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 16

Một góc trong khu trưng bày "từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966” (Nguồn: Internet)

Đặc biệt trong Dinh Độc Lập còn có một khu trưng bày mang tên “từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966”. Đây là một điểm tham quan lý thú dành cho những người có niềm đam mê tìm hiểu lịch sử, bởi khu trưng bày này mô phỏng lại quá trình hình thành, xây dựng, những dấu mốc lịch sử và các sự kiện trọng đại diễn ra tại Dinh Độc Lập.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 17

Đây là nơi lưu trữ những ký ức lịch sử hào hùng (Nguồn: Internet)

Tham quan khu trưng bày này, du khách sẽ có được những ký ức lịch sử trong quá khứ theo một cách hoàn toàn mới, đồng thời có thể tự mình trải nghiệm đầy hấp dẫn.

  1. Khu bổ sung

Khu bổ sung chính là khu trưng bày ảnh được tìm thấy và sưu tập sau này. Những tấm ảnh trưng bày nơi đây đều được người dân lưu giữ từ các thời kháng chiến đến khi độc lập thì gửi vào Di tích để bảo quản và truyền lại cho con cháu đời sau.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 18

Khu bổ sung trưng bày những bức ảnh được người dân lưu trữ và gửi vào Di tích để du khách tham quan (Nguồn: Internet)

Các thế hệ trước nhìn lại thời kỳ hào hùng của mình và các thế hệ sau có thể cảm nhận được kháng chiến oanh liệt và niềm vui chiến thắng mà cha ông ta đã giành được. Từ đó, càng thêm trân trọng và yêu quý hơn mảnh đất này.

  1. Những hiện vật lịch sử

Ngày nay, tại Dinh Độc Lập vẫn còn lưu giữ những hiện vật lịch sử. Trên nóc của Dinh Độc Lập có trưng bày chiếc trực thăng UH-1 của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bên cạnh là vị trí hai quả bom mà phi công Nguyễn Thành Trung ném phát nổ.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 19

Chiếc trực thăng UH-1 của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vị trí 2 quả bom do phi công Nguyễn Thành Trung ném phát nổ (Nguồn: Internet)

Chiếc xe Mercedes Benz 200 W110 biển số VN-13-78 của Đức là một trong những chiếc xe mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dùng để di chuyển.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 20

Xe Mercedes Benz 200 W110 biển số VN-13-78 từng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dùng để di chuyển (Nguồn: Internet)

Xe Jeep M152A2 được lực lượng Cách mạng giải phóng dùng để chở ông Dương Văn Minh - vị Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ra đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng vào trưa ngày 30/4/1975.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 21

Xe Jeep M152A2 được dùng để chở ông Dương Văn Minh - vị Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, các hiện vật như xe tăng 390, xe tăng 843 và máy bay chiến đấu F5E… cũng đã góp phần rất lớn để đưa dinh Thống Nhất trở thành điểm du lịch hấp dẫn hơn trong lòng du khách khi ghé nơi đây.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 22

Xe tăng mang số hiệu 390 - một trong những hiện vật được trưng bày trong Dinh Độc Lập (Nguồn: Internet)

  1. Những tác phẩm nghệ thuật có giá trị

Đến tham quan Dinh Độc Lập, bạn không chỉ được nghe, được thấy những những hình ảnh lịch sử hào hùng mà còn được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Một trong số đó là bức tranh sơn dầu miêu tả khung cảnh làng quê của đất nước Việt Nam được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ hoàn thành vào năm 1966.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 23

Bức tranh làng quê của đất nước Việt Nam được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ hoàn thành vào năm 196 (Nguồn: Internet)

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 24

Bức tranh "Bình Ngô đại cáo" gồm 40 miếng nhỏ ghép lại miêu tả cuộc sống thanh bình của người dân Việt Nam thế kỷ 15 (Nguồn: Internet)

Ngoài tham quan khu Di tích Dinh Độc Lập, bạn có thể đi dạo bên ngoài khuôn viên của Dinh với những bãi cỏ xanh mướt và ngắm nhìn Dinh từ nhiều góc độ.

Những điều cần biết khi đến Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập nằm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ ở số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phưng Bến Nghé, Quận 1. Toàn bộ khuôn viên Dinh Độc Lập được giới hạn bởi 4 đường phố chính, cụ thể là: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở phía Đông Bắc, đường Huyền Trân Công Chúa phố phía Tây Nam, đường Nguyễn Thị Minh Khai ở phía Tây Bắc, và đường Nguyễn Du về phía Đông Nam.

Nơi đây cũng gần nhà thờ Đức Bà, công viên 30/4, Bưu điện Trung tâm Thành phố… đây đều là những điểm du lịch thú vị tại Tp.HCM.

  1. Phương tiện di chuyển

Với vị trí nằm tại trung tâm thành phố các phương tiện di chuyển đến Dinh Độc Lập cũng khá đa dạng, bạn có thể đến đây bằng xe buýt, taxi, ô tô hoặc xe máy.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 25

Du khách có thể đến Dinh Độc Lập bằng nhiều phương tiện khác nhau (Nguồn: Internet)

Nếu đi xe máy hoặc ô tô bạn có thể nhấp vào đây để xem bản đồ di chuyển. Còn nếu bạn muốn đi bằng xe buýt thì có thể chọn 1 trong 5 tuyến xe buýt sau sây:

  • Xe 001: Bến xe Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn
  • Xe 002: Bến xe Bến Thành – Bến xe miền Tây
  • Xe 003: Bến xe Bến Thành – Thạnh Lộc
  • Xe 004: Bến xe Bến Thành – Cộng Hòa – Bến xe An Sương
  • Xe 005: Bến xe Bến Thành – Biên Hòa.

Lưu ý: Khi di chuyển đến Dinh Độc Lập bằng xe máy hoặc ô tô bạn có thể gửi xe ở công viên Tao Đàn hoặc phía bên Dinh (trên đường Huyền Trân Công Chúa) đều có chỗ giữ xe.

  1. Dinh Độc Lập mở cửa mấy giờ?

Dinh Độc Lập Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa bán vé phục vụ du khách tham quan hàng ngày, kể cả Lễ, Tết (trừ những trường hợp đặc biệt).

Giờ tham quan

  • Sáng từ 7h30 đến 11h30
  • Chiều từ 13h00 đến 17h00

Giờ bán vé

  • Sáng từ 7h30 đến 11h00
  • Chiều từ 13h00 đến 16h00.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 26

Dinh Độc Lập mở cửa bán vé phục vụ du khách tham quan hàng ngày, kể cả Lễ (Nguồn: Internet)

  1. Dinh Độc Lập giá vé thế nào?

Giá vé tham quan Dinh Độc Lập được chia thành 3 phần, tùy vào sở thích và nhu cầu du khách có thể lựa chọn :

Vé tham quan Di tích Dinh Độc Lập

  • Người lớn: 40.000đ/người
  • Sinh viên: 20.000đ/người
  • Trẻ em: 10.000đ/người

Vé tham quan Trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập”

  • Người lớn, sinh viên: 40.000đ/người
  • Trẻ em: 10.000đ/người

Vé tham quan Di tích Dinh Độc Lập và Trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập”

  • Người lớn: 65.000đ/người
  • Sinh viên: 45.000đ/người
  • Trẻ em: 15.000đ/người
  1. Những lưu ý khi tham quan Dinh Độc Lập

Vì Dinh Độc Lập là nơi mang dấu ấn lịch sử hào hùng của một dân tộc, quốc gia, nên khi tham quan du lịch, du khách cần tuân thủ đúng nội quy tham quan của ban quản trị khu di tích.

Tham quan Dinh Độc Lập - Nơi khắc ghi những dấu ấn lịch sử của Sài Gòn 27

Du khách đến tham quan Dinh cần tuân thủ một số quy định từ Ban quản lý khu Di tích (Nguồn: Internet)

Một số lưu ý cần nhớ là:

  • Trang phục lịch sự.
  • Tuân thủ theo sự hướng dẫn của bảo vệ và các biển báo trong quá trình tham quan.
  • Không mang hành lý vào bên trong Di tích.
  • Không mang đồ ăn thức uống vào Di tích.
  • Không đưa động vật vào Di tích.
  • Không đem theo các loại vũ khí, chất cháy nổ, hóa chất độc hại vào Di tích.
  • Khách tham quan sẽ phải chịu trách nhiệm nếu gây ra bất cứ tổn thất nào cho Di tích.

Dinh Độc Lập không chỉ là biểu tượng của Sài Gòn mà còn là niềm tự hào của cả người dân Việt Nam. Chắc chắn việc tham quan khu di tích lịch sử này sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ. Đặc biệt, nếu bạn là một “tín đồ” lịch sử thì đây sẽ là một kho tàng chứng tích để bạn tha hồ khám phá và tìm hiểu.

Chợ Bến Thành – Đi đi chờ chi, cùng khám phá ngôi chợ nổi tiếng : Đến Sài Gòn mà không ghé qua chợ Bến Thành là một thiếu sót! Bạn biết gì về ngôi chợ lâu đời này nào?
Thảo Cầm Viên với lịch sử hơn 150 năm đã chuyển mình như thế nào mà ai cũng muốn tới? : Sài Gòn nắng nắng mưa mưa, nhưng chung quy lại thì vẫn là quanh năm khói bụi. Thế nhưng không phải nơi nào cũng thế, vì ít nhất vẫn còn một lá phổi xanh nho nhỏ. Đó là Thảo Cầm Viên. 
Bình luận