Chờ...

​​​​​​​Về làng Đại Bái du lịch, khám phá nghề đúc đồng nổi tiếng tại đây

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (hay còn gọi là làng Bưởi Nồi, làng Văn Lãng) là một làng nghề chuyên về những sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ.

Nói đến làng nghề chuyên gò, đúc đồng nổi tiếng Việt Nam có lẽ sẽ không thể bỏ qua làng nghề đúc đồng Đại Bái. Nơi đây đã trở thành một địa điểm nổi tiếng cung cấp hàng ngàn mẫu thủ công mỹ nghệ đúc đồng trên cả nước, thậm chí đang tiến xa hơn sang thị trường quốc tế: Tây Âu, Đông Âu,... Hãy cùng khám phá làng nghề đúc đồng nổi tiếng lâu đời này nhé!

voh.com.vn-lang-dai-bai

Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Đại Bái (Nguồn: Internet)

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (hay còn gọi là làng Bưởi Nồi, làng Văn Lãng) là một làng nghề chuyên về những sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ: đồ cúng bằng đồng, tượng đồng, lọ hoa, tranh chữ đồng, quà tặng bằng đồng, đồ phong thủy đồng,... Ngoài ra còn đúc nhôm, gò nhôm nhưng những sản phẩm từ đồng vẫn là chủ yếu. Tất cả các sản phẩm mỹ nghệ đều do nghệ nhân đúc tại làng Đại Bái.

Sơ nét về làng nghề đúc đồng Đại Bái

voh.com.vn-lang-dai-bai-1

Nghệ nhân đang chế tác đồ đồng (Nguồn: Internet)

Làng nghề đúc đồng Đại Bái có lịch sử truyền thống lâu đời hàng chục thế kỷ. Tương truyền, từ xa xưa đây đã là làng nghề chuyên sản xuất các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong gia đình với quy mô sản xuất nhỏ. Nhưng phải đến thế kỉ thứ XI, cụ Nguyễn Công Truyền đã đứng ra tổ chức, quản lý sản xuất mẫu và đưa làng Đại Bái trở thành làng nghề đúc đồng nổi tiếng. Ông được người dân tại đây tôn là “Tiền tiên sư” hay “Ông tổ nghề”.

Cụ Nguyễn Công Truyền (989-1060) là một người con của làng, xuất thân từ một gia đình Nho học. Năm ông 6 tuổi, gia đình chuyển vào Thanh Nghệ (nay là Thanh Hóa). Khi cha ông mất, ông đưa mẹ về lại quê cũ chính là làng Đại Bái. Từ đây, ông đã cải tiến nông cụ sản xuất đồ đồng và đẩy mạnh việc sản xuất của nhân dân. 

Đến thế kỉ thứ XV, XVI, làng nghề đúc đồng Đại Bái ngày một mở rộng sản xuất và chuyên môn hóa ngành nghề, thành lập ra các phường: phường chuyên sản xuất (gò nồi đồng, làm mâm, chậu thau, rút dây đồng), phường chợ chuyên đẩy mạnh việc mua bán, tiêu thụ sản phẩm. 

Ngày nay, làng nghề Đại Bái có 5 xóm: 

  • Xóm Sơn chuyên đồ thờ và chậu

  • Xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng, thanh la

  • Xóm Giữa chuyên niêu, siêu

  • Xóm Ngoài chuyên nồi

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, làng Đại Bái có biết bao thăng trầm. Những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, làng nghề thất truyền, nhân dân bỏ làng mà đi. Đến những năm 1900, làng nghề mới được khôi phục. Ngày nay, làng nghề Đại Bái không chỉ trở thành một trong những làng nghề nổi tiếng nhất Việt Nam chuyên về gò, đúc đồng với gần 70 doanh nghiệp, 1200 hộ gia đình vẫn theo nghề, mà nơi đây còn là địa danh du lịch trọng điểm của Bắc Ninh thu hút du khách thập phương.

Làng Đại Bái ở đâu? 

Muốn ăn cơm trắng, cá trôi
Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh
Muốn ăn cơm trắng cá ngần
Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng

Làng nghề đúc đồng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) còn có tên là Làng Bưởi Nồi. Đến thăm làng nghề Đại Bái ngày nay, người ta thấy những con đường đổ nhựa phẳng lì, những khu công nghiệp, doanh nghiệp, cửa hàng thủ công mỹ nghệ cùng với những xưởng nghề ngày đêm vẫn vang lên những tiếng gõ, đục, hàn của nghệ nhân.

voh.com.vn-lang-dai-bai-2

Ngày đêm nơi đây vẫn vang lên tiếng động gõ, đục, hàn của nghệ nhân làm nghề (Nguồn: Internet)

Từ trung tâm Hà Nội đến làng nghề Đại Bái có thể đi theo 3 hướng: 

  • Quốc lộ 17

  • Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang/QL1A

  • Quốc lộ 38 và quốc lộ 17

Tuyến đường nhanh nhất là qua QL17 (lưu ý: tuyến đường này có thu phí).

Xem hướng dẫn tại đây: đường đi từ Hà Nội - làng đúc đồng Đại Bái

Thời gian dự kiến: 66 phút

Quãng đường: 38,1 km

Thời gian đi trong ngày lý tưởng: hãy đi từ 7-8h sáng hoặc 13h-14h và đến nơi vào lúc 9-10h hoặc 14-15h để có những trải nghiệm tốt nhất. 

Du lịch làng nghề đúc đồng Đại Bái có gì hay?

Đến du lịch tại làng nghề Đại Bái có thể chiêm ngưỡng rất nhiều các sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ tinh xảo. Từ xưa làng nghề chỉ sản xuất những đồ dùng gia dụng, sau đó là đồ thờ cúng. Ngày nay, với sự cải tiến công nghệ sản xuất, đưa các máy móc, thiết bị hiện đại, những công cụ do chính người dân cải tiến và sáng tạo phục vụ việc sản xuất, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng. Mẫu mã hàng hóa tại đây ngày càng đa dạng, từ những đồ thờ cúng, phong thủy: lư hương, đỉnh đồng, lục bình, chân hương, hoành phi câu đối, chuông đồng… đến đồ trang trí, lưu niệm: tranh đồng, lọ hoa, tượng chân dung...

voh.com.vn-lang-dai-bai-3

Bình hoa bằng đồng của làng nghề Đại Bái (Nguồn: Internet)

Giá cả sản phẩm ở đây đều được người dân nhìn nhận là phù hợp, rẻ và xứng đáng với chất lượng sản phẩm. Giá cả tùy vào từng sản phẩm, kích thước, độ gia công, độ tinh xảo, dao động từ 3 - 40 triệu. Chỉ cần bỏ ra khoảng chục triệu là có thể rước về nhà những sản phẩm đồ thờ cúng, phong thủy rước tài lộc cho gia chủ. Đồ đồng Đại Bái được đánh giá cao về chuyên môn sản xuất, do vẫn giữ được những phương pháp cổ truyền, bên cạnh đó có sự thay đổi nâng cao kỹ thuật sản xuất, sản phẩm đã được xuất khẩu đến những thị trường khó tính như: Tây Âu, Đông Âu, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á,...

voh.com.vn-lang-dai-bai-4

Các sản phẩm thờ cúng bằng đồng (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, bạn có thể vào tận xưởng sản xuất và xem quá trình sản xuất gò, đúc đồng của các nghệ nhân cũng như trao đổi giá với người bán. 

Những địa điểm du lịch nổi tiếng khi đến với làng nghề Đại Bái

Đến với làng nghề Đại Bái, du khách có thể tham quan xưởng đúc đồng và mua những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, ngoài ra nơi đây còn có những địa điểm tham quan di tích lịch sử nổi tiếng như: 

  • Đình Văn Lãng thờ Thành Hoàng làng là Lạc Long Quân và Nguyễn Công Hiệp
  • Đình Diên Lộc nơi thờ tổ nghề Nguyễn Công Truyền (xóm Sôn Chùa)
  • Chùa Diên Phúc hay chùa Đại Bái (xóm Tây Giữa) được trùng tu vào đời vua Lê Thần Tông (1646 – 1647). Chùa dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc, có nhà thập điện, lầu chuông hai tầng, có nhà Tả vu, Hữu vu mỗi bên đến mười gian.
  • Lăng mộ tổ sư nghề đúc Nguyễn Công Truyền
  • Dát đồng Nguyễn Công Truyền (xóm Trại)
  • Đặc biệt đó chính là lễ hội truyền thống làng Đại Bái – nơi tôn vinh những sản phẩm truyền thống được làm từ đồng, những tấm lòng gắn bó với nghề và lưu giữ những nét đẹp văn hóa của quê hương. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 4 âm lịch. 
  • Ngoài ra còn có ngày giỗ ông tổ nghề được tổ chức vào 29 tháng 9 âm lịch. Tiềm năng du lịch tại làng nghề Đại Bái ngày càng được chính quyền địa phương chú trọng và phát triển, trở thành mũi nhọn du lịch của tỉnh Bắc Ninh.

voh.com.vn-lang-dai-bai-5 

Lễ hội Đại Bái được tổ chức hàng năm (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi đi du lịch làng nghề đúc đồng Đại Bái

  • Hãy lưu ý về thời gian đi trong ngày để có những trải nghiệm tốt nhất.
  • Vào những khoảng thời gian giáp lễ, tết là lúc thị trường bán đồ đồng vô cùng sôi động. 
  • Tham khảo giá, các mặt hàng sản phẩm đa dạng tại các trang web mua đồ đồng Đại Bái trước khi đến cửa hàng. Khách hàng có thể đặt hàng trước qua trang web để đảm bảo số lượng sản phẩm mong muốn.
  • Hãy lưu ý về giá thành và chuẩn bị tiền mặt từ: 3 - 40 triệu để có thể ngay lập tức sở hữu những sản phẩm mong muốn tại làng.

Làng nghề Đại Bái và những làng nghề nổi tiếng khác ở nước ta như: làng nghề Lộng Thượng, Ngũ Xá, Ý Yên,... là minh chứng lịch sử cho văn hóa làng nghề đúc đồng thủ công của cha ông ta. Ngày nay, với sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ, hàng trăm làng nghề thủ công đã mai một dần thế nhưng làng nghề đúc đồng Đại Bái vẫn sừng sững trường tồn và năng động trong việc tìm những hướng đi mới, không ngại phát triển, tìm kiếm và chinh phục nhiều thị trường. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Bắc Ninh vẫn luôn chú trọng phát triển đưa làng nghề trở thành trọng điểm du lịch của địa phương. Nếu có dịp đến Bắc Ninh bạn nên ghé thăm làng đồng Đại Bái để cảm nhận rõ hơn.

Bí quyết đi du lịch Bắc Giang chinh phục giang san miền Đông Bắc Việt : Du lịch Bắc Giang có gì đặc biệt? Vùng đất gắn liền với các địa danh lịch sử này có rất nhiều điểm đến đang chờ bạn khám phá. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Khám phá Thác Đầu Đẳng cùng thiên nhiên hùng vĩ vùng Đông Bắc : Thác Đầu Đẳng được ví như bức tranh thiên nhiên hùng vĩ nằm giữa 2 dãy đá vôi trên dòng sông Năng nơi kết nối 2 tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang
Bình luận