Đã tìm được giá trị dài nhất của số Pi (π)

VOH - Việc tính chính xác số Pi không mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cuộc sống. Tuy nhiên, đây là một thử thách lâu đời của các nhà toán học.

Số Pi (ký hiệu: π), - còn gọi là hằng số Archimedes -  là một hằng số toán học có giá trị xấp xỉ bằng 3,1415. Pi là số vô tỉ, nghĩa là nó không thể được biểu diễn chính xác dưới dạng tỉ số của hai số nguyên. Nói cách khác, nó là một số thập phân vô hạn không tuần hoàn.

Đã tìm được giá trị dài nhất của số Pi (π) 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Live Science

Thông thường, người ta chọn Pi ở giá trị 3,14 để sử dụng trong các phép tính phổ thông. Để nâng cao tính chính xác, người ta dùng đến giá trị 3,141592653 (với mười chữ số thập phân) là đủ cho các phép tính.

Việc tìm ra số Pi dài hơn từ lâu đã trở thành thách thức đối với các nhà toán học và khoa học vi tính nghiệp dư và chuyên nghiệp, đòi hỏi khả năng tính toán và lưu trữ với biên độ cực lớn.

Theo trang web American Fun Science, nhân Ngày Quốc tế số Pi (14/3), Solidigm, một công ty lưu trữ máy tính có trụ sở tại California, đã công bố thông tin cho biết công ty này đã tính toán giá trị số pi (π) lên khoảng 105 nghìn tỷ chứ số sau số thập phân, phá kỷ lục thế giới trước đó của số pi là 100 nghìn tỷ chữ số.

Trước đây, năm 2021, các nhà khoa học ở Đại học Khoa học ứng dụng Grisons tại Thụy Sĩ đã sử dụng siêu máy tính trong 108 ngày để tính được 62,8 nghìn tỷ chữ số sau dấu thập phân. Đến năm 2022, Google đã tính số pi tới 100 nghìn tỷ chữ số sau dấu thập phân, lập kỷ lục thế giới tại thời điểm đó.

Và nay, Solidigm thiết lập kỷ lục thế giới mới với quá trình tính toán kéo dài 75 ngày, sử dụng tổng cộng 1 triệu GB dữ liệu, cho ra kết quả khoảng 105 nghìn tỷ chứ số sau số thập phân.

Với việc sử dụng khả năng con người trong tính giá trị số Pi, kỷ lục thế giới hiện nay đối với số Pi có nhiều chữ số sau dấu phẩy nhất (70.000 số) được thiết lập bởi Rajveer Meena ở Đại học VIT tại Ấn Độ vào ngày 21/3/2015 - theo Guinness World Records.

Trong kỹ thuật và công nghệ, sự chính xác của số Pi được áp dụng để tính toán và mô hình hóa các hình dạng quỹ đạo tròn, từ bánh xe tải đến các trục động cơ và bánh răng. Việc này giúp dự đoán và đo lường vận tốc, gia tốc và các thông số khác của các thiết bị và máy móc một cách chính xác và hiệu quả.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tính chính xác của số Pi được sử dụng để kiểm tra và đánh giá hiệu suất của các thuật toán và phần mềm tính toán. Việc đo lường và kiểm tra tốc độ, độ chính xác của máy tính cũng phụ thuộc vào sự chính xác của số Pi.

Bình luận