Đêm nay (17/11) có thể quan sát mưa sao băng Leonid đạt cực đại

(VOH) - Do trong thời điêm này, bầu trời TPHCM khá ít mây nên rất thuận lợi để quan sát trận mưa sao băng này.

Mưa sao băng Leonids xuất hiện vào tháng 11 hàng năm, khi Trái đất đi qua vùng có những mảnh vỡ của sao chổi Tempel-Tuttle. Khi các mảnh vỡ này đi qua bầu khí quyển Trái đất sẽ tạo ra những vệt sáng. Nó được đặt tên là mưa sao băng Leonid vì xuất hiện xung quanh chòm sao Leo.

Tại Việt Nam, thời điểm bắt đầu của mưa sao băng là từ 23g50 đêm 17/11 đến 5g30 sáng ngày 18/11. Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, đây là trận mưa sao băng cỡ nhỏ với mật độ khoảng 15-20 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Thời điểm quan sát tốt nhất trận mưa sao băng này ở Việt Nam là khoảng thời gian từ 2 giờ ngày 18/11 khi chòm sao Sư tử đã lên khá cao ở chân trời phía Đông.

Để chiêm ngưỡng bạn hãy chọn một nơi ít ánh đèn, an toàn để có thể ngồi quan sát. Hãy tìm chòm sao Sư tử (chòm sao Leo) ở phía Đông. Mưa sao băng hoàn toàn có thể ngắm bằng mắt thường. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng kính thiên văn nếu có điều kiện thì việc quan sát sẽ được tốt hơn.

Nếu bạn muốn chụp ảnh mưa sao băng Leonid, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA khuyên bạn nên sử dụng máy ảnh lấy nét thủ công trên giá ba chân, có khả năng mở cửa trập trong thời gian khá lâu; hoặc có bộ hẹn giờ tích hợp, được trang bị ống kính góc rộng. Tất nhiên, để có thể chụp ảnh mưa sao băng là bạn phải xác định được thời điểm cực đại và hướng quan sát sao băng. 

Tuy nhiên, do đây là trận mưa sao băng nhỏ, lại vào thời điểm gần ngày Trăng tròn (ngày 19 Âm lịch) nên ánh trăng sẽ hạn chế khả năng quan sát.

Cũng như nhiều sự kiện thiên văn khác, khi quan sát, người xem cần chọn vị trí quang đãng, an toàn, tránh ánh sáng từ đèn cao áp, tránh ô nhiễm không khí và phải chú ý vấn đề thời tiết

Ảnh minh họa - Nguồn: NASA

Mưa sao băng Leonid xuất phát từ bụi sao chổi Temple-Tuttle. Cơn mưa sao băng này rất đặc biệt bởi nó có chu kỳ đỉnh điểm sau mỗi 33 năm với tần suất hàng trăm, hàng nghìn sao băng mỗi giờ. Khi đó, hiện tượng này được gọi là "bão sao băng". 

Lần "bão sao băng" gần nhất là vào năm 2001. Dự kiến thế giới sẽ được quan sát cơn bão tiếp theo vào năm 2034.

Hầu hết các cơn mưa sao băng đều diễn ra hằng năm với thời điểm tương tự nhau. Đó là vì các bụi sao băng xuất phát từ phần sót lại của các sao chổi hay tiểu hành tinh khi nó di chuyển xung quanh Mặt trời, cắt ngang qua quỹ đạo của các hành tinh bao gồm Trái đất. 

Khi Trái đất chuyển động xuyên qua lớp bụi này, các mảnh vụn sẽ xâm nhập vào khí quyển và ma sát với không khí, bốc cháy thành các quả cầu lửa mà ta hay gọi là sao băng.

Sao băng thường có kích thước nhỏ như một hạt cát nên sẽ bốc cháy và tan rã trước khi tiếp đất, vì vậy hầu như không gây nguy hiểm.

Bình luận