Phát hiện hai lăng mộ hoàng gia 3.500 năm tuổi ở Hy Lạp

(VOH) – Các nhà khảo cổ Mỹ vừa phát hiện ra hai lăng mộ hoàng gia hoành tráng có niên đại từ khoảng 3.500 năm trước gần một cung điện lớn của thời Mycenae ở vùng Peloponnesos, thuộc miền nam Hy Lạp.

Một thông cáo của Bộ văn hóa Hy Lạp cho biết mái nhà hình mái vòm của cả hai ngôi mộ gần cung điện Pylos thuộc thời kỳ đồ đồng đã sụp đổ trong thời cổ đại, và các căn phòng trong lăng mộ chất đầy đất đá đến nỗi kẻ trộm không thể vào để lấy trộm châu báu.

Tuy nhiên, các ngôi mộ đã bị xáo trộn trong suốt thời gian sử dụng qua nhiều thế hệ, không giống như một ngôi mộ thời Mycenae khác được tìm thấy gần đây vào năm 2015 mang lại một kho báu vàng bạc tuyệt đẹp, đồ trang sức và cánh tay bằng đồng được chôn cất cùng với một người đàn ông được cho là người cai trị đời đầu của Pylos.

lăng mộ hoàng gia 3.500 tuổi

Khu vực di tích hai lăng mộ hoàng gia 3.500 tuổi. Ảnh: AP

Các đồ vật đào bới được từ hai lăng mộ này gồm một mặt nhẫn bằng vàng và một bùa hộ mệnh bằng vàng có hình một vị thần Ai Cập cổ đại, nhấn mạnh thêm về mối liên kết văn hóa và giao thương ở thời kỳ đồ đồng.

Sự phát hiện này là cực kỳ quan trọng khi nó hé lộ chi tiết về giai đoạn đầu của nền văn minh Mycenae của Hy Lạp.

Thời kỳ Mycenae (khoảng từ năm 1650 - 1100 trước CN) là thời đại cung cấp nhiều chất liệu cho rất nhiều câu chuyện thần thoại và truyền thuyết về Hy Lạp cổ đại trong đó có cuộc chiến thành Troia.

Ngôi mộ lớn nhất có đường kính 12m, tính theo độ rộng của nền ngôi mộ. Các bức tường đá xung quanh mộ cao 4,5m; đã giảm hơn phân nửa so với chiều cao nguyên thủy. Ngôi mộ thứ hai kích thước chỉ bằng hai phần ba ngôi mộ đầu với các bức tường bao cao 2m.

Cả hai ngôi mộ đều thuộc kiểu kiến trúc lăng mộ tholos, với các công trình mái vòm ngầm dành riêng cho hoàng gia Mycenae.

Hai lăng mộ này đã được các nhà khảo cổ thuộc trường đại học Cincinnati khai quật trong suốt hai năm qua, cũng là nhóm tìm ra ngôi mộ Chiến binh Griffin gần đó.

Cả ba di tích trên đều có niên đại từ rất lâu, lâu hơn cả tàn tích cung điện gần đó, là nơi mà trong sử thi Odyssey ghi chép là nơi đóng đô của Vua Nestor.

Bình luận