Sao chổi phát nổ trong không gian, phun trào “núi lửa băng”

(VOH) – Một sao chổi bay qua không gian được phát hiện đang phát nổ với những đợt phun trào mạnh như núi lửa phun trào ở Trái đất. Nhưng thay vì là nhung nham, sao chổi đã phun ra các vật liệu băng.

Theo Livescience, sao chổi được nhắc đến có tên 29P/Schwassmann-Wachmann (P29) và được xác định là ngôi sao chổi hoạt động mạnh nhất trong hệ sao của chúng ta. Kể từ tháng 6/2017, Hiệp hội Thiên văn học Anh đã ghi nhận 143 lần phun trào lớn, nhỏ từ vật thể này.

Sao chổi phát nổ trong không gian, phun trào “núi lửa băng” 1
Sao chổi 29P được Kính viễn vọng Không gian Spitzer chụp bằng tia hồng ngoại sau một vụ phun trào vào ngày 8/12/2003 - Ảnh: NASA/JPL/CALTECH/TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU AMES/ĐẠI HỌC ARIZONA

Trận phun trào vào ngày 2/4 vừa qua được các nhà thiên văn đặc biệt chú ý, vì nó đã dự đoán trước khi sự kiện xảy ra.

29P có kích thước rộng khoảng 59,55 km, mất khoảng 15 năm để quay quanh Mặt trời và là một trong khoảng 500 vật thể "centaur", bị đẩy từ Vành đai Kuiper, một cấu trúc đầy các sao chổi và tiểu hành tinh lạnh giá ở "rìa" của hệ Mặt trời đến quỹ đạo giữa sao Hải Vương và sao Mộc.

Các núi lửa băng, tương tự như các núi lửa trên Trái đất, phóng ra các vật chất từ bên trong hành tinh hoặc sao chổi. Tuy nhiên, khác với núi lửa thông thường, núi lửa băng giải phóng các chất dễ bay hơi như nước, amoniac hoặc metan vào môi trường dưới các điểm đóng bằng của các hợp chất này.

Khi các núi lửa băng phun trào trên sao chổi, chúng sẽ phóng những luồng hơi khí băng giá ra ngoài không gian, làm cho kích thước và độ sáng của sao chổi được tăng lên nhiều lần.

Vào ngày sao chổi 29P phát nổ, núi lửa băng đã phóng carbon monoxide, khí nitơ, một số chất rắn băng giá và hydrocarbon lỏng ra ngoài vũ trụ với tốc độ 724,204 km/giờ, dẫn đến ánh sáng phản xạ từ sao chổi nhiều hơn gấp 10 lần, khiến sao chổi 29P tăng độ sáng đáng kể.

Sao chổi phát nổ trong không gian, phun trào “núi lửa băng” 2
Sao chổi 29P trong một đợt phun trào "núi lửa băng" làm cho nó sáng hơn nhiều lần trên bầu trời - Ảnh: ISTOCK / GETTY IMAGES PLUS

Các núi lửa lạnh cũng được ghi nhận có ở trên mặt trăng Enceladus của sao Thổ, mặt trăng Europa của sao Mộc, mặt trăng Triton của sao Hải Vương, và hành tinh lùn Ceres trong vành đai tiểu hành tinh và sao Diêm Vương.

Các nhà thiên văn học cho biết, họ đã dự đoán được sao chổi 29P sẽ phun trào khi quan sát thấy nó có vẻ mờ hơn bình thường vào ngày 1/4. Theo Richard Miles của BAA, “29P dường như đạt đến độ sáng mờ nhạt nhất có thể để chuẩn bị cho một đợt phun trào sắp diễn ra”.

Cũng theo BAA, ước tính lượng vật chất mà vụ phun trào này giải phóng lên tới hơn 1 triệu tấn vật chất, là một vụ phun trào bất thường trong toàn thế giới sao chổi. Và chiếc đuôi từ vụ phun trào kéo dài tận 56.000 km.

Sao chổi 29P vẫn có thể được nhìn thấy phát sáng trên bầu trời đêm do các vật chất bị phóng ra của nó có thể được phát hiện bằng kính viễn vọng trong chòm sao Gemini

Theo Newsweek

Bình luận