Tại sao đôi khi lại nhìn thấy Mặt trăng xuất hiện vào ban ngày?

(VOH) – Mặt trăng thường xuất hiện vào ban đêm, nhưng đôi khi chúng ta lại nhìn thấy nó “hiển thị” cùng lúc với Mặt trời? Tại sao lại có hiện tượng độc đáo này?

Đôi khi chúng ta nhìn thấy Mặt trăng vào ban ngày giống như nhìn thấy nó vào ban đêm. Sau Mặt trời, cho đến nay Mặt trăng chính là thiên thể sáng nhất mà con người có thể nhìn thấy.

Tại sao đôi khi Mặt trăng xuất hiện vào ban ngày? 1

Mặt trăng xuất hiện trên nền trời vào lúc 17h tại Hà Nội. - Nguồn ảnh: TPO

Tuy nhiên, bạn có thắc mắc vì sao có những lúc bạn nhìn thấy Mặt trăng vào ban ngày, đôi lúc thì lại không?. Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng này xuất hiện do bầu khí quyển của Trái đất và chu kỳ quỹ đạo của vệ tinh tự nhiên của chúng ta.

Điều gì xảy ra khi Trái đất không có bầu khí quyển?

Trái đất có bầu khí quyển và Mặt trời sáng hơn tất cả mọi thứ, ban ngày bầu khí quyển tán xạ ánh Mặt trời nên chúng ta không thể nhận ra Mặt trăng ngay cả khi nó đang xuất hiện.

Nếu Trái đất không có bầu khí quyển, chúng ta có thể nhìn thấy Mặt trăng từ Trái Đất vào mọi lúc. Edward Guinan, một giáo sư thiên văn và vật lý thiên văn tại Đại học Villanova ở Pennsylvania (Mỹ) cho biết, để có thể được nhìn thấy vào ban ngày, Mặt trăng phải vượt qua ánh sáng tán xạ từ Mặt trời.

Trong hai hoặc ba ngày gần thời điểm trăng non, những người quan sát trên Trái đất không thể nhìn thấy Mặt trăng, vì vị trí của nó trên bầu trời. Tuy nhiên, độ gần tương đối của Mặt trăng với Trái đất (384.400km) có nghĩa là ánh sáng mà nó phản chiếu sẽ sáng hơn đối với chúng ta so với các vật thể phát ra ánh sáng ở xa hơn, chẳng hạn như các ngôi sao hoặc hành tinh khác.

Theo Guinan, những ngôi sao có thể nhìn thấy từ Trái đất kém sáng hơn một triệu tỷ lần so với ánh sáng từ Mặt trời và mờ hơn hàng triệu lần so với ánh sáng của Mặt trăng. Ánh sáng tán xạ từ Mặt trời trên bầu trời sáng đến mức lấn át ánh sáng của các ngôi sao vào ban ngày, nhưng không phải lúc nào cũng là ánh sáng phản chiếu của Mặt trăng.

Guinan giải thích, vì Mặt trăng gần Trái đất hơn các ngôi sao và có những thời điểm nó đủ gần và đủ to để phản chiếu đủ ánh sáng mặt trời nên nó sáng hơn bầu trời xung quanh. Vì thế, chúng ta có thể nhìn thấy mặt trăng vào ban ngày.

Xem thêm:
Con người trở nên sáng suốt hơn sau khi cận kề cái chết?
Giải mã lý do nỗi sợ bóng tối của con người
Top 10 dãy núi có đỉnh cao nhất thế giới hiện nay

Một tháng có bao nhiêu ngày có thể nhìn thấy Mặt trăng vào ban ngày?

Khả năng Mặt trăng hiển thị trong ánh sáng ban ngày cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như các mùa, giai đoạn của Mặt trăng và độ trong của bầu trời trong một ngày nhất định.

Theo các nghiên cứu, Mặt trăng có thể nhìn thấy vào ban ngày trung bình 25 ngày trong một tháng và điều này diễn ra suốt cả năm. Năm ngày còn lại xảy ra xung quanh giai đoạn trăng non và trăng tròn. Ở chu kỳ trăng non, nó quá gần Mặt trời để có thể nhìn thầy và ở giai đoạn trăng tròn, nó chỉ có thể được nhìn thấy vào ban đêm, bởi Mặt trăng mọc lúc hoàng hôn và lặn lúc Mặt trời mọc.

Guinan cho biết, ngày duy nhất không có Mặt trời trên bầu trời trong một thời gian chính là lúc trăng tròn. Ngày đó, Mặt trời lặn, Mặt trăng mới mọc và ngược lại. Đây là ngày duy mà Mặt trăng và Mặt trời không xuất hiện cùng một lúc.

Mặt trăng ở trên đường chân trời trong 12h/ngày, nhưng sự xuất hiện của nó có thể không phải lúc nào cũng trùng với giờ ban ngày. Vào mùa đông, các ngày thường ngắn hơn ở vĩ độ trung bình, nên sẽ có ít thời gian hơn để có thể nhìn thấy Mặt trăng trong ngày.

Theo Guinan, thời gian tốt nhất để ngắm Mặt trăng vào ban ngày là trong quý đầu tiên (một tuần sau khi trăng non) và quý thứ ba (một tuần sau khi trăng tròn). Ở những thời gian này, chúng ta có thể nhìn thấy Mặt trăng cùng với Mặt trời trên bầu trời, trung bình từ 5 – 6h/ngày.

Bình luận