Thời gian ngủ hợp lý cho mọi lứa tuổi

( VOH ) - Ai cũng biết giấc ngủ có vai trò quan trọng góp phần tạo nên một cơ thể khỏe mạnh. Thế nhưng, ít ai biết được khoảng thời gian ngủ hợp lý trong ngày để có sức khỏe tốt.

1. Ngủ bao nhiêu tiếng là đủ?

Thực tế, đã có nhiều người chia sẻ rằng mình đã ngủ đủ 7 hoặc 8 tiếng nhưng vẫn cảm thấy người uể oải như mất ngủ. Nguyên nhân có thể do họ chưa biết cách ngủ hợp lý.

Theo các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ, thời gian ngủ hợp lý ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau. Theo đó, tổng thời gian ngủ hợp lý sẽ là:

  • Thanh thiếu niên (14 – 17 tuổi): Ngủ từ 8 – 10 tiếng mỗi ngày.
  • Thanh niên (18 – 25 tuổi): Ngủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày.
  • Người trưởng thành (26 – 64 tuổi): Ngủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày.
  • Người già (trên 65 tuổi): Ngủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày.

thoi-gian-ngu-hop-ly-cho-moi-lua-tuoi-voh-1

Ngủ đủ giấc để duy trì sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ngoài việc ngủ đủ tổng số giờ được khuyến cáo như trên thì bạn cũng nên quan tâm đến chất lượng giấc ngủ để mỗi sáng thức dậy sẽ thấy khỏe khoắn, đầu óc minh mẫn, tinh thần phấn chấn và yêu đời hơn.

2. Vậy thời gian ngủ như thế nào là hợp lý?

Dựa vào tổng số giờ nên ngủ theo độ tuổi mà bạn có thể tự phân chia giờ đi ngủ và thức dậy sao cho phù hợp với lối sinh hoạt và công việc của mình.

thoi-gian-ngu-hop-ly-cho-moi-lua-tuoi-voh-2

Trước khi đi ngủ bạn nên thư giãn, tránh làm việc quá sức (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vào buổi tối từ 21 giờ, cơ thể con người bắt đầu cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 – 2 tiếng đồng hồ. Giấc ngủ say sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động hiệu quả. Cụ thể, cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể diễn ra như sau:

  • Từ 21 – 23 giờ: Hệ miễn dịch đào thải chất độc. Thời gian này bạn cần thả lỏng cơ thể và tinh thần, có thể nằm nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, xem phim hoặc nghe nhạc thư giãn, tránh làm việc căng thẳng, có thể kết hợp vài động tác massage đầu và cổ. Không chỉ với người bệnh mà ngay cả người bình thường cũng nên thư giãn và ngủ trong khoảng thời gian này để cơ thể nhanh phục hồi sức khỏe.
  • Từ 23 – 1 giờ: Gan bài độc, loại bỏ các chất thải ra ngoài cơ thể, sử dụng triệt để các chất dinh dưỡng của thực phẩm và giúp việc trao đổi chất trong cơ thể được tốt hơn. Gan sẽ thực hiện tốt nhất chức năng của nó khi cơ thể trong trạng thái ngủ say.
  • Từ 1 – 3 giờ: Túi mật giúp cơ thể tiêu hoá chất béo, mỡ xấu, cholesterol trong thức ăn và trong máu. Việc này cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say.
  • Từ 3 – 5 giờ: Đây là thời gian bài độc của phổi. Đây chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi.
  • Từ 5 – 7 giờ: Đây là khoảng thời gian ruột già bài tiết các chất cặn bã, chất thải từ quá trình tiêu hóa. Bạn nên đi vệ sinh vào thời điểm này để làm sạch hệ tiêu hóa, ngăn ngừa độc tố vào cơ thể.
  • Từ 7 – 9 giờ: Khoảng thời gian này là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, đồng thời đây cũng là thời điểm lý tưởng cho bữa ăn sáng, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Như vậy, dựa vào tổng thời gian ngủ hợp lý và cơ chế đồng hồ sinh học vừa nêu trên bạn có thể sắp xếp cho mình khoảng thời gian ngủ và thức dậy khoa học, nhằm đảm bảo ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi hợp lý và bài tiết chất thải được tốt hơn. Sau khi tập được thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ thì tin chắc rằng bạn sẽ luôn có một cơ thể khỏe mạnh, phòng chống được nhiều bệnh tật.

Bình luận