Chờ...

Phát triển bền vững 23/5: Tìm cơ hội hỗ trợ, phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai

VOH - ESG được Nhà nước và các nhà đầu tư ngày càng quan tâm; Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn.

ESG được Nhà nước và các nhà đầu tư ngày càng quan tâm

Tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các DN và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để thúc đẩy việc áp dụng ESG hiệu quả.

Diendan-ESG-Vietnam-1

Đây là một ý kiến được trao đổi tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam và Tọa đàm “Net Zero – cam kết và hành động vì tương lai bền vững” do Báo Dân trí và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức chiều ngày 22/5 tại Hà Nội.

ESG đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Tại Việt Nam, ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để thúc đẩy việc áp dụng ESG hiệu quả. Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

 “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển ESG trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022/TT-NHNN.

Chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.

Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững…

Tìm cơ hội hỗ trợ, phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai

Sáng ngày 22/5/2024, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cùng với Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) đã có buổi làm việc nhằm trao đổi tìm cơ hội hỗ trợ, phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai.

Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam giới thiệu về Hội và các hoạt động của Hội. Chia sẻ về định hướng cũng như các chính sách phát triển sàn tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Minh Hà – Nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế - Bộ TN&MT – Trưởng ban đối ngoại Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã chia sẻ về tiến trình phát triển sàn tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng như những cơ hội mà các Doanh nghiệp tại Việt Nam có thể xây dựng và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sàn tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Buổi làm việc cũng đã thảo luận về các nội dung mà hai bên có thể hợp tác để đáp ứng nhu cầu của CCTPA và đối tác.

Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn

Trong khuôn khổ thăm làm việc tại Nhật Bản, dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Saito Ken, đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN), Thống đốc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Hayashi Nobumitsu và Chủ tịch điều hành Hội đồng thúc đẩy Ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) Matsuzawa Ken.

meti1-171638973602627151666220240522234303

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Saito Ken. Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh sự hợp tác của METI với Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 ở Châu Á (AZEC) qua việc lập Nhóm công tác xúc tiến chuyển đổi xanh. Bộ trưởng METI Saito Ken khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp với Việt Nam thông qua lĩnh vực số hóa, chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng bền vững, phát triển năng lượng tái tạo.

Trung Quốc: Rào cản thương mại của phương Tây gây nguy hiểm cho ngành năng lượng mặt trời

Giám đốc điều hành các công ty năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đang chỉ trích Mỹ và châu Âu về chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cho rằng phương Tây nên "để công nghệ tốt nhất giành chiến thắng.

Bất chấp kỳ vọng về nhu cầu dài hạn mạnh mẽ, một số nhà sản xuất năng lượng mặt trời Trung Quốc đang ngày càng xuất khẩu nguồn cung dư thừa, dẫn đến giá giảm mạnh và bị Mỹ, châu Âu phàn nàn về các chính sách thương mại và công nghiệp của Bắc Kinh.

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã tăng đáng kể thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm xe điện và pin mặt trời, đồng thời chấm dứt miễn thuế đối với một số đơn vị tấm pin mặt trời.

Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành điều tra các lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Bất chấp căng thẳng địa chính trị, công ty Trung Quốc coi việc áp dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn là một xu hướng toàn cầu không thể ngăn cản.

'Đèn mặt trời' trên cao nguyên đá

Sùng Mí Phìn và người dân thôn Lũng Hòa B (xã Sà Phìn, H.Đồng Văn, Hà Giang) sử dụng những chiếc đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời, đang góp phần vào việc giảm lượng phát thải carbon về 0 mà VN đã cam kết với quốc tế phải đạt được vào năm 2050.

Homestay mới được anh đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nhưng không giống như nhiều homestay tại Hà Giang chỉ hướng vào dịch vụ. Điều đáng nói ở đây là cách sử dụng điện tiết kiệm của gia đình Phìn và người dân thôn Lũng Hòa B.

So với sử dụng đèn điện thông thường, đèn năng lượng có chi phí đầu tư cao hơn nhưng anh chỉ đầu tư một lần, mỗi tối thắp sáng khoảng 3 giờ và tuổi thọ đèn khoảng 10 năm. Quan trọng nhất là sử dụng đèn năng lượng giúp gia đình tiết kiệm điện rất nhiều.

Thấy được lợi ích từ năng lượng tái tạo, Phìn dự kiến lắp đặt những tấm pin năng lượng cho hệ thống nước nóng phục vụ ở homestay, tránh tình trạng khách du lịch phải sử dụng nước rất lạnh và buốt giá vào mỗi sáng sớm.

Bình luận