Chờ...

Phát triển thị trường tín chỉ carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?

VOH - Dự kiến, Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng.

Sáng 17/3, Trung tâm Khoa học và Hợp tác Net Zero Vietnam – Asia (VANZA) phối hợp với Công ty tư vấn Hà Nam Carbon, Viện nghiên cứu Vùng và đô thị (IRUS) và Hà Nam Fabrics tổ chức Hội thảo “Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu” đã thu hút nhiều chuyên gia trong ngành và các doanh nghiệp lớn quan tâm.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? 1
Toàn cảnh buổi hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả thảo luận xoay quanh chủ đề: “Thị trường carbon, bù đắp carbon, giảm phát thải và tiếp cận tài chính xanh để phát triển thị trường tín chỉ carbon cùng kinh nghiệm thực tiễn tại một số nước trên thế giới”; “Tầm quan trọng của KTTH và xây dựng văn hóa doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và môi trường”; “ESG giải mã chiến lược và thực hành tiêu chuẩn ESG, kinh nghiệm tại doanh nghiệp Nhật và cách tiếp cận thúc đẩy thực hiện tại doanh nghiệp Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam – Asia cho biết: “VANZA thành lập nhằm mục đích tạo nên một diễn đàn hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững theo xu hướng Net Zero. Góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? 2
Ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch Trung tâm Khoa học và hợp tác Netzero Việt Nam – Asia phát biểu tại hội nghị

VANZA tổ chức hội thảo với mong muốn chia sẻ những thông tin quý giá từ các chuyên gia, ý tưởng sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn để cùng nhau đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hành ESG, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn hướng tới Netzero như một xu hướng tất yếu.”

Sức nóng của tín chỉ carbon 

Dự kiến, Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm, nhu cầu về cơ chế trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính thức từ năm 2028; đến hết năm 2027, xây dựng xong quy định quản lý tín chỉ carbon, thí điểm triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã phân tích, kiến giải, luận bàn về thị trường carbon sẽ mang đến cơ hội hay thách thức gì cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net zero Carbon vào năm 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phân tích, bàn luận về chủ đề “Tín chỉ Carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu”, Th.S Thái Trần, Giám đốc công ty Tư vấn Hanam Carbon – chuyên gia đứng Top 5 tư vấn CDM trên toàn thế giới cho biết: “Tham gia vào thị trường carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Các doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: thực hiện giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon, thúc đẩy nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn Tài chính Xanh để hiện thực hóa thị trường chính là cơ hội mà các bên cần nắm bắt”.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? 3
ThS Thái Trần, Giám đốc công ty Tư vấn Hanam Carbon – chuyên gia đứng Top 5 tư vấn CDM trên toàn thế giới

Chuyên gia Thái Trần cũng đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp Việt, cần tận dụng các cơ hội từ thị trường tài chính carbon như thế nào trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ giảm phát thải tiến tới Net zero Carbon vào 2050, còn thế giới đang áp dụng các luật chơi về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải chịu thêm nhiều tỷ đô la tiền thuế phát thải Carbon khi xuất sang thị trường châu Âu do ảnh hưởng bởi cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon. Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” trên, từ dó có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này.

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, các chuyên gia đều thừa nhận việc triển khai trong thực tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh cần phải thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, điều chỉnh về chiến lược, nguồn lực tài chính, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thể chế hóa các chính sách, công cụ pháp lý để hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. 

Để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào ‘sân chơi” quốc tế, từ đó nâng cao thương hiệu và vị thế của các doanh nghiệp Việt nói riêng và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung cần phải bắt đầu từ đâu trong lộ trình này. Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB  chia sẻ : “Kinh tế tuần hoàn là xu hướng, là theo trend, là tất yếu. Hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện. 

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn lực thì nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào và làm thế nào để thành công? Theo tôi nên bắt đầu từ lãnh đạo, nhà lãnh đạo phải thay đổi quan điểm, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng phải nghĩ đến môi trường, nghĩ về marketing, về trách nhiệm xã hội. Suy nghĩ về thu hút khách hàng có trách nhiệm, xây dựng văn hóa cùng nhau nghĩ về môi trường, tạo cho doanh nghiệp có bản sắc, chúng ta nên làm vì hiệu quả sẽ đến từ văn hóa doanh nghiệp.”

Phát triển thị trường tín chỉ carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? 4
Ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB chia sẻ tại hội nghị

“Trong một sân chơi hướng về nền KTTH, về tín chỉ carbon, những doanh nghiệp khi cần sản phẩm của mình, trước đây họ thường đòi hỏi ISO, còn bây giờ họ sẽ cần tìm doanh nghiệp trong chuỗi liên kết thực hiện KTTH, đầu vào cũng phải KTTH, thì mới có thể thực hiện KTTH khép kín. Vòng tròn khép kín của KTTH sẽ giúp doanh nghiệp lớn, đặc biệt DN xuất khẩu sang thị trường EU.” Ông Mã Thanh Danh cho biết thêm.

Ông Mã Thanh Danh cũng nhấn mạnh, một vòng tròn tuần hoàn mà sản phẩm được sử dụng, thu gom, tái sử dụng, tái chế, càng lâu trong vòng tròn này càng tốt, đó chính là kinh tế tuần hoàn.

Chưa kể quá trình này cần phải biết cách giảm sử dụng năng lượng, xoá bỏ những quy trình bất hợp lý làm tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, ngay khi thiết kế sản phẩm đã phải tính đến vòng đời, cách thu hồi, cách tái chế đơn giản và hiệu quả nhất.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là bắt đầu từ nhận thức của ông chủ doanh nghiệp, phải hiểu ngay trước mắt có thể chưa thu được lợi nhuận nhưng lâu dài và uy tín, thương hiệu được thị trường chấp nhận, khả năng cạnh tranh tăng cao so với sản phẩm cùng loại.

Thúc đẩy thực hành ESG để nền kinh tế phát triển bền vững

Phát triển bền vững với công cụ ESG không còn là lựa chọn có hay không, mà là con đường bắt buộc phải tuân thủ để tồn tại và phát triển. ESG bền vững không phải là xu hướng nhất thời mà chính là mục tiêu cần thiết của các doanh nghiệp Việt.

Theo các diễn giả phân tích, thực hành ESG hay Net zero sẽ giúp doanh nghiệp có những lợi thế nhất định, thứ nhất là khả năng tiếp cận được những nguồn vốn với chi phí vốn thấp hơn so với doanh nghiệp bình thường. Hai là khoản đầu tư bỏ ra hôm nay thường được xem là chi phí sẽ chuyển thành doanh thu, lợi nhuận sau 5-10 năm. Ngược lại, nếu không đầu tư thì chưa tới 5 năm sau sẽ bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng sẽ là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành các hành động phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm này, Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen cho rằng: “Là một thành viên trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. ESG đã ra đời cùng với bộ nguyên tắc đầu tư trách nhiệm (PRI) để thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức đầu tư phải quan tâm, thực hiện các hoạt động kinh doanh, đầu tư của mình một cách có trách nhiệm với xã hội.

Thúc đẩy thực hiện ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, giảm rủi ro mà các tác động môi trường, xã hội, quản trị gây ra. Thúc đẩy thực hiện ESG là nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), góp phần hiện thực hóa xã hội không carbon (NET ZERO).”

Phát triển thị trường tín chỉ carbon – Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu? 5
Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen

ESG (môi trường - xã hội - quản trị) nổi lên như một công cụ để doanh nghiệp hướng đến bền vững và sau đó đạt được mục tiêu net zero. Doanh nghiệp Việt không thực hành tốt ESG hoặc không sớm triển khai thì 3-5 năm tới sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ góp phần đạt được mục tiêu SDGs, qua đó cải thiện hình ảnh, nâng cao giá trị thương hiệu, thu hút đầu tư.

ESG, tài chính xanh và tín chỉ carbon để hướng tới Netzero

Trong khuôn khổ hội thảo, một tọa đàm trao đổi và thảo luận giữa các chuyên gia và doanh nghiệp đã diễn ra và làm nóng hội trường khi vấn đề về ESG, tài chính xanh, những bước tiến và phương pháp hiệu quả để đạt được tín chỉ carbon và thúc đẩy sự phát triển bền vững với mục tiêu Net Zero carbon được mổ xẻ nhiều. 

Những nội dung về “nút thắt” của thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam cần phải tháo gỡ ra sao để có thể tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ thị trường này cũng được các chuyên gia thẳng thắn đề cập. Tọa đàm cũng chỉ ra hành trình xây dựng một tương lai bền vững và không carbon cho Việt Nam.

Chuyên gia Thái Trần cũng chia sẻ rằng, các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tại thị trường Việt Nam khi mua tín chỉ carbon nên ủng hộ tín chỉ carbon của Việt Nam.

Ngoài ra các chuyên gia cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng KTTH khép kín và phát triển thị trường tài chính carbon. Thành công của kinh tế tuần hoàn và các doanh nghiệp cũng như của Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi này đều phụ thuộc vào khả năng thích nghi và áp dụng các giải pháp phù hợp.

Năm 2050, Net Zero trở thành mục tiêu chung và Việt Nam không nằm ngoài nỗ lực đó. Cùng với doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đồng thời tạo ra giá trị kinh tế. 

Cuộc đua Net Zero không chỉ là một thách thức, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với sự phát triển bền vững và hòa nhập vào xu hướng toàn cầu của môi trường kinh doanh xanh.

VANZA

*Vanza tiên phong trong lĩnh vực Net Zero với giải pháp toàn diện, thực tế, hiệu quả từ đội ngũ chuyên gia với kiến thức chuyên môn sâu rộng, giàu kinh nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon.

*Vanza có chức năng tuyên truyền, đào tạo cho các Hội viên, đối tác, doanh nghiệp, kết nối với các chuyên gia trong nước và Quốc tế

*Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chiến lược sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, giảm khí thải. Tạo ra sản phẩm và dịch vụ có tính bền vững theo bộ 3 quy chuẩn của ESG.

*Đề xuất, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước để có những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu Net Zero

*Chia sẽ thông tin, kinh nghiệm về KTTH và NLTT của thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam để hướng đến Phát triển bền vững

 *Kết nối thương mại, đầu tư giữa các đối tác hội viên, doanh nghiệp với nhau, và với các tổ chức tài chính trong nước  và quốc tế.

 

HANAM CARBON

Với trên 125 dự án CDM đã đăng ký (18 dự án từ Việt Nam) và trên 15 năm trong thị trường carbon; Hanam Carbon – thuộc tập đoàn Caspervandertak Consulting có trụ sở chính tại Hà Lan, là công ty thuộc top 5 nhà tư vấn CDM toàn thế giới. Các thị trường chính: 

Châu Âu, China, Japan, Thailand, Vietnam, Hong Kong, Malaysia, Cambodia.

Hanam Carbon là đơn vị nhiều kinh nghiệm trong việc xác định và phát triển dự án giảm phát thải carbon - giảm phát thải KNK; có khả năng triển khai và giám sát hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Trong hệ sinh thái Hanam Carbon có cả giải pháp công nghệ dành riêng cho thị trường Carbon.

Bình luận