Chờ...

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, cơ hội giá gạo xuất khẩu tăng cao đến hết năm 2023

VOH - Ngày 20/7, Chính phủ Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng loại không phải basmati. Lệnh cấm ngay lập tức khiến giá gạo tăng cao trên toàn cầu.

Do ảnh hưởng của lệnh cấm, một số siêu thị ở Mỹ và Canada đã chứng kiến cảnh tượng hết hàng nhanh chóng, buộc phải giới hạn số lượng gạo mỗi người có thể mua.

Vậy lệnh cấm xuất khẩu gạo này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình lương thực thế giới? Liệu đây có phải là cơ hội cho Việt Nam? Để trả lời những câu hỏi trên, VOH Online có phỏng vấn Thạc sĩ Lưu Văn Vinh, chuyên gia về an ninh phi truyền thống.

*VOH:Thưa ông, nguyên nhân nào khiến Ấn Độ lại đưa ra lệnh cấm xut khu go, có thể nói là rất nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Ngày 20/7 vừa qua Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng  (không phải gạo Basmati). Đây là sự kiện lớn đối với thị trường gạo toàn cầu. Có thể nói lệnh cấm “rất nhạy cảm” bởi vì cách đó 3 ngày, Nga tuyên bố không gia hạn thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc của Ukraine trên biển Đen.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non basmati từ ngày 20/7
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ ngày 20/7 - Ảnh: Current Affairs

Đây có thể gọi là “2 cú sốc” đối với thị trường lương thực thế giới. Ukraine là cường quốc xuất khẩu lúa mì, còn Ấn Độ là cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu hiện nay.

Lý do Ấn Độ ban hành lệnh cấm trên, qua nghiên cứu nhận thấy có cả lý do chủ quan lẫn khách quan.

Về chủ quan: Một số diễn biến tại thị trường gạo trong nước không thuận lợi, đó là:

Thứ nhất, giá bán lẻ đã tăng 11,5% trong một năm, và 3% trong tháng 6/2023 như tuyên bố của Bộ Lương thực Ấn Độ.

Thứ hai, tốc độ xuất khẩu gạo của Ấn Độ tăng đột biến từ cuối 2022 đến nay. Xuất khẩu gạo đã tăng lên 4,2 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023, so với 3,36 triệu tấn cùng kỳ 1 năm trước đó.

Thứ ba, Ấn Độ chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, chi tiêu cho lương thực sẽ tăng hơn thời điểm bình thường. Ấn Độ không muốn có sự tăng giá lương thực vào thời điểm quan trọng này.

Thứ tư, cuộc bầu cử quốc hội ở các bang lớn như MP, Rajasthan, Chhattisgarh và Telangana, cũng như cuộc bầu cử Lok Sabha năm 2024 đã bắt đầu. Chính phủ không muốn lương thực tăng giá, là chủ đề tranh luận trong quá trình vận động.

Về khách quan, là cường quốc sản xuất và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, vụ lúa năm nay của Trung Quốc bị thiệt hại nặng do thời tiết khắc nghiệt. Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên thế giới, và gần 90% gạo được sản xuất ở châu Á, nơi đang bị ảnh hưởng El Nino.

Do đó, nắng nóng sẽ tiếp tục nhiều hơn và lượng mưa thấp hơn. Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh không chỉ với Trung Quốc, mà cả Philippines hay Indonesia. Với nhiều yếu tố không thuận lợi, hiện nay giá gạo đang đi lên và ở mức cao nhất 11 năm qua.

*VOH: Theo ông, những quốc gia nào sẽ chịu tác động mạnh nhất từ lệnh cấm xuất khẩu gạo này?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Là cường quốc xuất khẩu gạo, Ấn Độ có rất nhiều bạn hàng, ước tính hơn 140 quốc gia. Những nhà nhập khẩu chính gạo non-basmati của Ấn Độ bao gồm: Benin, Bangladesh, Angola, Cameroon, Djibouti, Guinea, Bờ Biển Ngà, Kenya và Nepal. 

Theo nhiều chuyên gia, người dân châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định của Ấn Độ. Tiếp theo là quốc gia có số lượng kiều dân lớn ở Mỹ và châu Âu. Kiều dân Ấn Độ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Việc khan hiếm gạo Ấn Độ tại các siêu thị ở Mỹ và châu Âu những ngày qua xác nhận điều này. Ngoài ra, một số nước, trong đó có Việt Nam cũng nhập gạo Ấn Độ (từ 700 nghìn đến 1 triệu tấn/năm), được cho có chịu tác động từ lệnh cấm này.

*VOH: Khi lệnh cấm được đưa ra, giá gạo trên toàn cầu lập tức tăng. Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam có lúc lên tới 525 USD/1 tấn, cao nhất trong hàng chục năm qua. Ông có nghĩ rằng đây là cơ hội cho nông dân và các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Về yếu tố thị trường, mọi tác động do thời tiết, thiên tai, hay quản lý (hoặc cả 3), dẫn đến tăng giá gạo toàn cầu, đều là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên việc tăng giá gạo do lệnh cấm của Ấn Độ chỉ mang yếu tố thời điểm. Khi bất lợi được khắc phục, Ấn Độ có thể hủy lệnh cấm. Do vậy, khả năng cao cơ hội tăng giá lần này mang tính ngắn hạn, từ nay đến hết năm 2023.

Cơ hội tăng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hoặc 1 số nước khác, do 3 yếu tố.

Thứ nhất, cung không đủ bù lượng gạo Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt kỷ lục 22,2 triệu tấn vào năm 2022 (chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu trên thế giới), nhiều hơn tổng số gạo xuất khẩu của 4 quốc gia lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

Thứ hai, Nga hủy thỏa thuận biển Đen về vận chuyển ngũ cốc Ukraine, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, và nhiều quốc gia có thể nhập khẩu gạo để thay thế.

Thứ ba, trước nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng gạo toàn cầu, một số quốc gia đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, như Nga hay UAE.

Từ các yếu tố trên, gạo Việt Nam tăng giá thời qua là cơ hội cho các nhà sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên cần hiểu rõ, cơ hội cụ thể nhất đến với doanh nghiệp đang có gạo tồn kho lớn, có thể xuất khẩu ngay với số lượng cao. Đối với doanh nghiệp khác, nếu ký hợp đồng xuất khẩu thời điểm này, lợi nhuận không thể cao bằng doanh nghiệp có hàng sẵn, vì giá thu mua đã tăng.

*VOH: Theo ông, đâu là những thuận lợi, và lực cản, trong lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, kim ngạch của Việt Nam luôn có sự tăng trưởng. Theo số liệu Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm 2023 đến ngày 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn, đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và 28% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu năm nay, cao hơn cùng kỳ 2022 là khoảng 40 USD/tấn.

Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều ở châu Á: Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Theo kết quả thống kế 6 tháng đầu năm 2023, 3 quốc gia kể trên đã nhập khẩu gạo từ Việt Nam lần lượt là 1.698.593 tấn = 857,7 triệu USD; 677.387 tấn = 390,6 triệu USD, và 492.801 tấn = 244 triệu USD.

Về thuận lợi của Việt Nam trong xuất khẩu gạo, có 1 số nét chính:

- Việt Nam là quốc gia sản xuất nhiều gạo trên thế giới. Sản xuất hàng năm đạt khoảng 26 - 28 triệu tấn. Sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn/năm. Gạo Việt  đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, luôn được sự quan tâm của nhà nước.

- Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác mang tầm chiến lược, như EU, Israel, hay Vương quốc Anh. Ngoài ra còn có Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay CPTPP. Điều này tạo điều kiện cho gạo Việt Nam thâm nhập dễ hơn vào các thị trường.

- Việt Nam có hệ thống liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà sản xuất gạo, do vậy việc cung ứng ra thị trường thế giới được chủ động và kịp thời.

- Xuất khẩu gạo luôn có sự chỉ đạo, và điều hành của Nhà nước, có sự phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp, như Hiệp hội xuất khẩu gạo, và các tổ chức quốc tế như FAO.

Về lực cản của Việt Nam trong xuất khẩu gạo, một số điểm chính như:

- Tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn, dịch bệnh… dẫn đến sản lượng chưa được ổn định mỗi năm.

- Yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, do gạo là mặt hàng nhạy cảm, nên họ có xu hướng tự cung tự cấp lúa gạo. Muốn xuất khẩu tới các thị trường này, đòi hỏi phải bỏ ra chi phí nhiều hơn.

- Thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh rất gay gắt, không chỉ trên thế giới, nội địa Việt Nam cũng đang chịu sức ép cạnh tranh với gạo Thái Lan hay Đài Loan.

- Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%.

- Chưa có nhiều hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh.

- Sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, giá thành cao và giá trị gia tăng không nhiều. Bên cạnh đó là cơ giới hóa chậm, tổn thất sau thu hoạch lớn, ước tính từ 13-16%, trong khi của Thái Lan chỉ từ 7%-10%.

- Số lượng doanh nghiệp tham gia vào hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, do đó các hợp đồng liên kết không nhiều cả số lượng lẫn chất lượng.

- Cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản và chế biến nông sản thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản.

- Công nghiệp chế biến các sản phẩm từ gạo chưa phát triển đồng đều, nhất là sản phẩm phụ chưa được chế biến để nâng giá trị gia tăng.

- Có lúc còn lúng túng trong việc xử lý giá gạo xuất khẩu trước biến động tăng - giảm bất thường của thị trường thế giới.

*VOH: Từ đầu năm tới nay, thời tiết cực đoan như nắng nóng và lũ lụt xảy ra ở nhiều nơi, nhất là Trung Quốc và châu Âu. Tình hình khả năng cao sẽ còn tiếp diễn. Nhìn 1 cách tổng quan, ông cho rằng điều này sẽ tác động thế nào đến an ninh lương thực toàn cầu trong năm 2023?

Thạc sĩ Lưu Văn Vinh: Biến động lượng thực toàn cầu sẽ còn tiếp diễn không chỉ trong năm 2023. Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến tác động của bất ổn chính trị và dịch bệnh lên sản xuất nghiệp. Thời điểm hiện nay và những năm sau này, biến đổi khí hậu (lũ lụt, nắng nóng, nước biển dâng…) trên toàn thế giới, còn tác động mạnh hơn đến sản xuất nông nghiệp.

Để thích ứng và hạn chế tác động tiêu cực nêu trên, cần có sự chủ động của mỗi quốc gia, sự phối hợp ở cấp độ khu vực cũng như toàn cầu. Chỉ như vậy an ninh lương thực mới được đảm bảo, người dân mới được tiếp cận các nguồn cung với giá hợp lý.

*VOH: Xin chân thành cảm ơn Thạc sĩ Lưu Văn Vinh về buổi phỏng vấn hôm nay!

Bình luận