Chờ...

Cách giữ an toàn cho vật nuôi khi đi máy bay

(VOH) - Nếu không muốn vật nuôi bị chết “oan uổng” khi được vận chuyển bằng máy bay thì nhớ tìm hiểu kĩ trước khi dẫn chúng đi du lịch cùng nhé.

Nhu cầu vận chuyển vật nuôi theo đường hàng không đang ngày càng phổ biến với lý do đi chơi cùng chủ, kinh doanh... Mặc dù hầu hết những người chủ đều muốn vật nuôi có thể ở bên cạnh mình trong khoang hành khách nhưng vì lí do an toàn, nhiều hãng hàng không chỉ chấp nhận vận chuyển vật nuôi trong khoang hàng.

Bất chấp những rủi ro với vật nuôi, mỗi năm các hãng hàng không trên thế giới vẫn vận chuyển hàng triệu vật nuôi với sự cố tương đối ít. Để tránh rủi ro khi vận chuyển vật nuôi và tối đa hóa sự an toàn của chúng khi vận chuyển bằng đường hàng không, hãy chú ý những điều sau đây.

du lịch nước ngoài, vận chuyển vật nuôi, thú cưng,

Mỗi năm, hàng triệu vật nuôi được vận chuyển theo đường hàng không (Ảnh: People)

Tuân thủ các quy định hàng không

Việc mang theo vật nuôi lên máy bay luôn cần phải tuân theo quy định riêng của hãng hàng không và phải hoàn toàn chấp nhận mọi rủi ro xảy ra khi thú cưng gặp phải vấn đề sức khỏe.

Hiện tại, Vietnam Airlines là hãng hàng không nội địa duy nhất trong nước cho phép hành khách mang vật nuôi (chó, mèo, chim) lên khoang hành khách máy bay với điều kiện vật nuôi khoảng 10 tuần tuổi và nặng không quá 6 kg/con. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ dành cho hành khách mua vé hạng thương gia, hành khách là hội viên Bông Sen Vàng hạng Bạch kim và hành khách là hội viên Elite Plus của Liên minh Hàng không toàn cầu - Skyteam.

Vietjet Air và nhiều hãng hàng không cũng vận chuyển vật nuôi nhưng chỉ chấp nhận vận dưới dạng hành lý ký gửi (khoang hàng) chứ không được mang lên khoang hành khách.

Khi quyết định đưa vật nuôi di chuyển bằng đường hàng không cần lưu ý:

– Đặt vé máy bay kèm theo hành lý ký gửi – để gửi lồng đựng vật nuôi ở khoang hàng. Với Vietnam Airline, chó dẫn đường đi cùng hành khách là người bị khuyết tật về nghe hoặc nhìn, cùng lồng cũi và thức ăn của chó được vận chuyển miễn phí ngoài phần hành lý miễn cước của hành khách theo quy định.

Vật nuôi và lồng vận chuyển không được tính vào tiêu chuẩn hành lý miễn cước. Việc tính cước đối với vật nuôi được qui định như sau:

+ Hệ cân: áp dụng qui định tính cước thông thường dựa trên tổng trọng lượng của động vật và lồng vận chuyển.

+ Hệ kiện: Coi mỗi lồng động vật là một kiện hành lý quá cước và áp dụng qui định tính cước thông thường.

– Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ: các loại giấy tờ cần thiết liên quan đến việc chuyên chở vật nuôi/động vật cảnh bao gồm giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng dịch… Nếu đi nước ngoài, bạn còn cần chuẩn bị giấy phép xuất, nhập, quá cảnh hay những giấy tờ khác do nước nhập cảnh, xuất cảnh và trung chuyển yêu cầu.

– Chuẩn bị lồng nhốt: vật nuôi cần được nhốt trong lồng có đáy chống thấm nước, có khóa bảo vệ và có kết cấu đảm bảo cho việc vận chuyển an toàn để phòng tránh việc vật nuôi chạy ra ngoài.

– Chuẩn bị thức ăn và nước uống cho vật nuôi: trong suốt quá trình vận chuyển, bạn hãy đảm bảo để vật nuôi có đồ ăn, uống hoặc vận động trong trường hợp cần thiết.

Đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi khi “bay”

Khi quyết định vận chuyển thú cưng qua đường hàng không bạn cần xác định rõ, chỉ có những vật nuôi có sức khỏe tốt và không có mùi hôi khó chịu mới được chấp nhận vận chuyển. Những vật nuôi có sức khỏe kém hay đang mang thai sẽ bị từ chối vận chuyển.

Bạn cũng phải chấp nhận mọi rủi ro về thương tật, bệnh hay tử vong của vật nuôi trong suốt quá trình vận chuyển.

Trước khi mang thú cưng lên máy bay, bạn cần chú ý một số điều sau:

– Đưa chúng đến bác sĩ thú y: trước khi đưa vật nuôi đi du lịch, khám bênh cho chúng ý tưởng rất tốt – chứ không hẳn là chỉ để lấy giấy khám sức khỏe. Nếu bác sĩ xác định vật nuôi yếu về sức khỏe hoặc tinh thần thì tốt nhất không cho chúng đi máy bay.

– Chọn đường bay thẳng, không quá cảnh: với những chuyến bay có quá cảnh và đổi máy bay, việc mang theo vật nuôi cực kì phức tạp. Nếu bạn chuyển nhiều hãng hàng không trong cùng một hành trình, bạn sẽ phải kiểm tra lại vật nuôi của mình và thủ tục phức tạp bởi mỗi hãng hàng không, mỗi quốc gia có yêu cầu khác nhau cho việc nhập cảnh, chuyên chở động vật.

 – Tránh vận chuyển vật nuôi trong thời tiết khắc nghiệt: Nếu bạn đi du lịch nước ngoài vào các thời điểm khác nghiệt về thời tiết như mùa hè hay mùa đông, cần cân nhắc hạn chế mang theo thú cưng bởi chúng có thể không chịu được sự thay đổi của nhiệt độ trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, hầu hết các hãng hàng không quốc tế sẽ không vận chuyển vật nuôi từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9 hàng năm hoặc khi nhiệt độ vượt quá 30 độ C (khoảng 85 độ F).

Hãy chọn lồng nhốt có kích thước phù hợp với vật nuôi để chúng được thoải mái xoay chuyển (Ảnh: Idaho State Journal)

 – Chọn lồng nhốt phù hợp: Một số hãng hàng không quy định lồng nhốt vật nuôi khi vận chuyển đủ rộng, thoải mái để vật nuôi có thể đứng lên thẳng và xoay quanh. Bạn cũng cần trang bị lượng nước đủ cho vật nuôi trong thời gian bay. Nếu bạn có một con chó lớn, bạn cần chuẩn bị lồng lớn cùng bịch nước lớn kiểu nhỏ giọt để cho vật nuôi uống.

 – Trước khi bay bạn phải đến thật sớm vì có thể phải điền các giấy tờ liên quan đến vật nuôi. Bạn cũng nên cho vật nuôi được ăn trước khi bay 3 giờ, đề phòng trường hợp say máy bay mà nôn mửa trong cuộc hành trình. Bạn nên đeo cho vật nuôi một mảnh giấy có ghi tên của vật nuôi, tên chủ nhân, số điện thoại, địa chỉ để đề phòng trường hợp vật nuôi đi lạc hoặc bất kỳ chú ý y tế nào...

– Lúc đến nơi, bạn ra chỗ nhận hành lý, vật nuôi của bạn sẽ trôi theo băng truyền đến tay bạn (y như hành lý gửi thông thường).

Bạn lo lắng cho vật nuôi khi bị xếp vào khoang hàng là đúng, tuy nhiên, trên thực tế, vật nuôi được đặt vào một khoang chứa nhiệt độ và cách ly khỏi hành lý. Chúng cũng là đối tượng lên máy bay cuối cùng và là thứ xuất hiện đầu tiên khi băng tải hành lý chuyển động. Vì vậy, chỉ cần bạn chuẩn bị kĩ từ trước về sức khỏe và giấy tờ phù hợp cho chúng, bạn sẽ không phải căng thẳng về sức khỏe và sự an toàn của chúng trong suốt quá trình bay.

Bình luận