Chờ...

Cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê?

(VOH) – Việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được thảo luận tại phiên họp trực tuyến, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 chiều 26/5.

Dư luận hiện đang quan tâm đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, còn việc cấm hay không việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được các đại biểu thảo luận với những ý kiến trái chiều.

Kinh doanh thu hộ nợ: Quy định điều kiện chặt chẽ, ràng buộc hơn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh khẳng định, việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1 là giữ quy định như dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” theo quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành. Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Ủng hộ phương thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM lý giải, người cho vay nếu không thu hồi được khoản nợ cho vay một cách hiệu quả thì sẽ hạn chế cho vay. Do đó, để khuyến khích mở rộng hoạt động tín dụng cá nhân, phải có kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ để hỗ trợ cho hoạt động này. Tuy nhiên, ông lưu ý, luật của Thái Lan thì người ta quy định điều kiện thành lập cũng như quy trình thu hộ nợ là chủ lực, thậm chí quy định luôn thời gian gọi cho khách nợ, hoặc tiếp cận với khách nợ nhưng không được tiếp cận với hàng xòm của người đang nợ vay. “Tuy nhiên, thứ nhất là chúng ta phải đổi tên, bởi vì theo khảo sát của 3 luật của Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc thì người ta dùng từ ‘dịch vụ kinh doanh thu hộ nợ’, nghe dễ dàng hơn là đòi nợ. Và quan điểm thứ hai của tôi, thì tuy là ghi vào trong luật, nhưng hiện nay chúng ta nên dừng cấp phép mới bởi vì những điều kiện để đam bảo hoạt động nay kinh doanh đúng theo những quy định chuẩn mực, đem lại quyền lợi cho người cho vay, cũng như là người đi vay được thực thi một cách hợp pháp”, ông Ngân nói.

Cùng quan điểm ủng hộ hình thức kinh doanh thu hộ nợ, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không thể cứ ngành nào nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân hoạt động, nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật sẽ dễ dàng hơn. Thực tế cấm mà xã hội có nhu cầu rất cần thì tồn tại, và hiện nay có những trường hợp trá hình nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức cá nhân có liên quan nếu thu hộ nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp Luật phải xử lý nghiêm minh. “Có như thế tôi tin rằng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phức tạp như hiện nay việc kinh doanh theo thu hộ nợ theo kiểu xã hội đen nữa”, ông Hòa nêu ý kiến.

toàn cảnh phien hop

Quang  ảnh phiên họp chiều 26/5. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến vấn đề tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, thực tế thời gian qua, đã xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa các luật, rất nhiều phức tạp, gây chậm trễ, xử lý thủ tục kéo dài làm mất lòng tin đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi dự thảo luật quy định còn chung chung. Mặt khác, ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập, như hệ thống chính sách pháp luật, tính minh bạch còn đơn giản, chồng chéo giữa các luật gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng bên cạnh việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi, đối với thu nhập doanh nghiệp, làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo khe hở cho các doanh nghiệp lợi dụng giảm thuế phải nộp, gây nên tình trạng bất cân bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng. “Chính sách ưu đãi không ổn định, nên doanh nghiệp không tính trước được hiệu quả kinh doanh trong trung và dài hạn, cũng là nguyên nhân hạn chế việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để phát triển nền kinh tế”, bà Tuyết nói.

18 học sinh thương vong trong vụ cây đổ tại trường Bạch Đằng Quận 3, TPHCM - (VOH) - Chiều ngày 26/5 tại buổi họp báo chung quanh vụ cây xanh ngã tại trường Trung học cơ sở Bạch Đằng, UBND Quận 3 cho biết có 18 trường hợp học sinh thương, vong trong vụ tai nạn.

 

Bình luận