Chờ...

Cảnh giác với các chiêu trò lừa gạt trong ngày Black Friday

(VOH) - Ngày "Thứ Sáu đen tối" - Black Friday được xem như một "ngày siêu giảm giá". Tuy nhiên, hãy cảnh giác trước khi quyết định mua một món hàng, vì có thể bạn sẽ là nạn nhân của những cú lừa...

Black Friday là ngày gì?

Black Friday, hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối" được ấn định vào thứ 6 đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada), thường sẽ rơi vào khoảng ngày 23-29 tháng 11. Vào ngày này, phần lớn các cơ sở bán lẻ đều có chính sách khuyến mãi với rất nhiều mặt hàng giảm giá cực lớn. 

Năm nay Black Friday 2020 sẽ là vào ngày thứ Sáu 27/11.

Hãy tỉnh táo với các con số giảm giá

Có khá nhiều quảng cáo giảm giá sốc với lý do nhân ngày Black Friday, mức giảm thông thường là từ 20-50%. Thậm chí nhiều chủ cửa hàng đã sử dụng những con số khuyến mãi "khủng" như: giảm đến tận 70-80% giá, "sale sập sàn", "sale lớn nhất năm"... nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy vậy, có những món đồ được giới thiệu là giảm giá khủng ấy đều là hàng tồn kho, thiếu size, lỗi thời hoặc các sản phẩm kén người sử dụng. 

Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, có nhiều trường hợp các chủ gian hàng (đặc biệt là trên các trang thương mại điện tử không uy tín) thường dùng tiểu xảo nâng giá cũ của sản phẩm lên cao, sau đó lại áp dụng tỷ lệ giảm giá sâu nhưng thật ra giá thành sản phẩm hầu như không thay đổi. Điều này khiến nhiều khách hàng mắc bẫy về số phần trăm giảm giá.

Theo chia sẻ từ 1 người từng là nhân viên của một cửa hàng thời trang cho biết thực chất các dịp khuyến mãi như: Black Friday, Ngày độc thân,... là cơ hội vàng cho các cửa hàng vừa xả hàng tồn vừa tăng doanh thu. "Tâm lý người tiêu dùng cứ có chữ 'giảm giá sốc' hay 'giảm giá 80%' là sẽ vào cửa hàng xem. Nếu họ không mua hàng sale thì cũng xem thêm các sản phẩm khác, thấy ưng sẽ mua tiếp".  Để tránh mua phải hàng tồn, người này khuyên khách hàng nên xem xét từng đường kim, mũi chỉ trên các sản phẩm trước khi thanh toán. Vì hàng mua ngày Black Friday chỉ được xem, không được thử và miễn đổi trả.

Khách hàng cần cảnh giác với tâm lý "mua nhanh được giá hời"

Đã có một số trường hợp khách hàng mắc lừa khi giao dịch mua hàng trực tuyến.

Phổ biến nhất là tình trạng mua hàng khi xem livestream trên mạng xã hội. Người bán giới thiệu về sản phẩm rất tốt, mẫu mã đẹp và "siêu giảm giá chỉ trong 30 phút", điều này tạo áp lực tâm lý cho khách hàng phải mua nhanh, mua gấp để nhận được giá tốt. Tuy nhiên khi bạn nhận được hàng, thường là chất lượng không như bạn nghĩ, không đúng size hoặc thậm chí, bạn có thể mua một sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn nếu ra chợ hoặc các cửa hàng truyền thống.

Hoặc có những đối tượng xấu, chủ động tạo các trang buôn bán hàng trực tuyến, sau đó thường xuyên đăng tải hình ảnh quần áo, phụ kiện… lấy từ các cửa hàng khác, chủ yếu là của nước ngoài. Những hình ảnh hàng hóa này rất đẹp, nhìn giống như chính người bán tự chụp. Tiếp đó, các đối tượng đăng nhiều bài với nội dung bán đồ khuyến mại, chạy quảng cáo bài viết để thu hút khách hàng xem và mua hàng. Khi người tiêu dùng nhắn tin đặt mua, các cửa hàng này sẽ yêu cầu khách chuyển khoản trước 100% tiền hàng với lý do là hàng khuyến mại. Sau khi khách gửi tiền, cửa hàng tìm cách trì hoãn việc gửi hàng và lẳng lặng chặn Facebook người mua. Tuy số tiền bị mất của mỗi khách hàng chỉ dao động từ vài trăm đến một triệu đồng, nhưng nếu cửa hàng lừa được số đông khách hàng, số tiền các đối tượng lừa đảo ăn chặn được là rất lớn.

Ảnh minh họa

Thậm chí, còn có trường hợp đánh cắp thông tin của khách hàng như trường hợp của chị N. Chị này thường mua nước hoa của một shop quen thông qua trang mạng xã hội. Một lần đặt hàng như thường lệ, nhưng hàng được chuyển đến khá nhanh so với bình thường. Khi nhận hàng, do tin tưởng nên chị N. thanh toán tiền mặt hơn 3 triệu mà không kiểm tra hàng. Sau đó mới nhận ra là một kẻ lừa đảo và đã đánh cắp thông tin khi chị đặt hàng bằng cách bình luận trên trang mạng xã hội, và tiến hành giao nước hoa giả. Liên lạc lại với người bán, lúc này mới nhận được thông báo là chưa giao hàng vì mới về nên còn chưa kịp chia đơn.

Làm sao để không mắc bẫy?

Thực tế, phần lớn khách hàng không có nhu cầu mua sắm, nhưng với tâm lý ngày hội giảm giá “ai cũng mua, chẳng lẽ mình không mua” đã khiến nhiều người lao vào các cuộc săn sale. Vì thế, việc đầu tiên cần làm là bạn hãy là một người tiêu dùng thông minh! Hãy chủ động và kiểm soát nhu cầu mua sắm của mình sao cho hiệu quả và phù hợp nhất, tránh sa vào tâm lý số đông.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm, một số người tiêu dùng thường có thói quen so sánh giá để biết được giá thực của sản phẩm này cũng như lịch sử mức khuyến mãi của sản phẩm đó bằng các công cụ tìm kiếm trên internet.

Còn với phương thức giao dịch trên các trang mạng xã hội. Khách hàng cần chú ý xem xét đến thời gian đăng bài bán hàng của trang đó. Với những trang đăng bài liên tục nhưng hình ảnh chỉ được cập nhật trong thời gian gần (khoảng 1 tháng, vài tuần, vài ngày) có thể khẳng định uy tín của trang này ở mức độ thấp, cần cảnh giác hơn. 

Những người mua hàng dày dặn kinh nghiệm chia sẻ, một cách xác thực khá đơn giản là trước khi quyết định mua hàng có thể yêu cầu người bán cung cấp hình ảnh video của sản phẩm do cửa hàng tự quay. Những cửa hàng “đội lốt” rất dễ dàng để có ảnh của sản phẩm từ cửa hàng thật mà rất ít khi có được video.

Một dấu hiệu nữa là các trang bán hàng lừa đảo thường không cho hiển thị phần bình luận của các bài đăng, đây là cách để “bưng bít” thông tin phản hồi từ khách hàng. Người dùng cũng có thể để ý đến việc các bài đăng của một trang bán hàng có nhiều lượt trạng thái “phẫn nộ”, đây có thể là những người mua đã bị lừa mà không thể bình luận hay nhắn tin cho trang đó. Cần chú ý đến những cửa hàng cố ý lảng tránh hoặc không trả lời khi khách hàng xin số điện thoại hoặc địa chỉ cửa hàng để thử đồ.

 

Lừa đảo trên môi trường mạng internet thì phạm tội gì?

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ coi là hoàn thành khi: Hành vi chiếm đoạt xảy ra; Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp; Người phạm tội biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản. 

Theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

   a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

   b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

   c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

   d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

   a) Có tổ chức;

   b) Có tính chất chuyên nghiệp;

   c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

   d) Tái phạm nguy hiểm;

   đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

   e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

...

Bình luận