Chờ...

Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp TPHCM góp phần xây dựng đô thị khởi nghiệp

(VOH) - TPHCM đang phát triển với quyết tâm xây dựng một đô thị khởi nghiệp hiệu quả. Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp TPHCM chính thức ra mắt vào ngày 11/05/2016 với mục tiêu chung đó.

Hơn 4 năm hoạt động, Câu lạc bộ đã khẳng định được vai trò của mình trong việc, giúp các ý tưởng thành lập doanh nghiệp mới trở thành sự thật, giúp cho cho các thành viên trong câu lạc bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chiến lược phát triển, nhu cầu về đào tạo và kỹ năng nghề nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, việc thành lập câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã giúp cho hoạt động ươm tạo tại Thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung được quảng bá sâu rộng, từ đó thu hút thêm nhiều ứng viên tham gia ươm tạo; Liên kết, hợp tác giữa các Trung tâm Ươm tạo chặt chẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm là thành viên trong Câu lạc bộ, trên tinh thần cùng nhau phát triển nhằm mục tiêu chung giúp cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Người sáng lập ra Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chính là bà Lê Thị Bé Ba, Phó giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những sáng kiến giúp bà đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020.

Đài TNND TPHCM (VOH) phỏng vấn bà Lê Thị Bé Ba.

Bà Lê Thị Bé Ba, nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020.

*VOH: Bà giới thiệu cụ thể hơn về “Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”?

Bà Lê Thị Bé Ba: Tại TPHCM hiện có nhiều vườn ươm nhưng mỗi một vườn ươm, trung tâm ươm tạo thì có đặc thù khác nhau, chỉ có riêng thành phố Hồ Chí Minh là có vườn ươm doanh nghiệp về nông nghiệp thôi, đặc thù là vậy. Thế là các nơi mới tụ họp lại thành một câu lạc bộ để thống nhất quan điểm hỗ trợ cho các start-up để chia sẻ kinh nghiệm.

Ví dụ, vườn ươm mình có gì và vườn ươm khác có gì để cùng nhau chia sẻ cùng thúc đẩy xây dựng thành hệ sinh thái hỗ trợ các bạn khởi nghiệp. Định hình chung thì câu lạc bộ mang tính kết nối hết tất cả lĩnh vực khởi nghiệp chung, không chỉ riêng nông nghiệp mà kể cả mảng công nghệ cao và các lĩnh vực khác, có thể giúp các start-up tìm được đầu mối để tiếp cận dễ hơn.

Định hướng chung của câu lạc bộ là cùng san sẻ. Chẳng hạn, khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghệ công nghệ cao sẽ cần câu lạc bộ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, các thành viên vườn ươm nông nghiệp sẽ kết nối hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể thương mại sản phẩm được. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng xây dựng được cộng đồng để gọi quỹ, cùng nhau hỗ trợ gọi vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mang tính hỗ trợ cho cộng đồng là chính.  

*VOH: Như bà chia sẻ thì sự kết nối trong “Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp” là cơ sở tốt để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tìm đầu mối nhanh nhất. Bà có thể phân tích sâu hơn sự kết nối này?

Bà Lê Thị Bé Ba: Ví dụ bạn đang muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên không biết nơi nào hỗ trợ. Dẫu rằng phía vườn ươm có truyền thông nhưng vẫn giới hạn, nhưng khi tham gia Câu lạc bộ Ươm tạo Doanh nghiệp Thành phố” các start-up sẽ có cơ hội biết nhiều hơn vì tại đây đã tập hợp tất cả các vườn ươm, có các thông tin liên lạc và kết nối chặt chẽ với nhau.

Khi vườn ươm nào thấy đúng đối tượng thuộc lĩnh vực sẽ trực tiếp liên lạc, hỗ trợ các start-up.

Câu lạc bộ đang là đầu mối để kết nối tất cả các vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp. Câu lạc bộ cũng đã có họp thống nhất muốn nhân rộng mô hình này ra thêm. 

*VOH: Thưa bà, đối với các doanh nghiệp hiện nay, khó nhất vẫn là tìm được đầu ra cho sản phẩm, Câu lạc bộ đã hỗ trợ vấn đề này cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thế nào?

Bà Lê Thị Bé Ba: Quan điểm ngay từ ngày đầu là các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Câu lạc bộ thì mình định hướng, luôn luôn phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Chẳng hạn như một doanh nghiệp sản xuất nấm linh chi thì phải tìm sự khác biệt từ góc độ là chế biến dòng sản phẩm hàm chứa công nghệ cao, mang giá trị kinh tế cao hơn sản phẩm thô như là mặt nạ, mỹ phẩm hoặc viên nan uống có chứa nấm linh chi...

Vì nếu đơn thuần chỉ là bán sản phẩm giống người khác thì ngoài chợ cũng có, không thu hút, không thương mại được. Đó là lý do doanh nghiệp phải luôn tạo sự khác biệt.  

Đầu ra ở đây là Câu lạc bộ đã có kết nối với các kênh phân phối như Co.op cũng là một kênh mang tính hỗ trợ doanh nghiệp đã kết nối với Câu lạc bộ. Không chỉ thế, khi mình đưa ra các sản phẩm có sự khác biệt thì chắc chắn rằng các kênh phân phối khác sẽ dễ chấp nhận hơn.

Một điều quan trọng là khi sản phẩm đưa ra thị trường, phải đảm bảo có các giấy chứng nhận đủ điều kiện như: giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy công bố sản phẩm được ra thị trường…những sản phẩm phải đủ điều kiện như vậy mới ra thương mại được. Câu lạc bộ tư vấn luôn cho doanh nghiệp khởi nghiệp phải làm chuyện này.

*VOH: Nếu doanh nghiệp cần một lời khuyên, một lời nhắn gởi khi bắt đầu khởi nghiệp hoặc đổi mới sáng tạo thì bà sẽ nói điều gì?

Bà Lê Thị Bé Ba: Khi doanh nghiệp muốn khởi nghiệp từ một sản phẩm nào đấy thì điều đầu tiên là phải khảo sát nhu cầu thực tế thị trường hiện nay. Người ta cần gì và người ta muốn gì vì sản phẩm ra đời là để phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu khách hàng chứ không phải cho bản thân doanh nghiệp.

Cho nên, mình nhắn nhủ các bạn là khi làm một sản phẩm gì thì phải tạo sự khác biệt và sự khác biệt này là cái mà thị trường đang cần, giúp cho cộng đồng xã hội được lợi ích. Chứ không phải cứ lợi nhuận là làm, thì sẽ không lâu dài và không phát triển bền vững.

Câu lạc bộ sẽ hỗ trợ các bạn từ khi bắt đầu hình thành sản phẩm đến khi đưa sản phẩm ra thị trường.  

*VOH: Cảm ơn bà.

Bình luận