Chờ...

Cơ hội tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ từ Covid-19

(VOH) - Do dịch Covid-19 nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian qua, đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, thậm chí làm cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, phá sản hoặc nếu có sản xuất tốt nhưng sản phẩm không xuất khẩu, không tiêu thụ được, giá cả xuống thấp cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp vượt khó, trụ vững trong mùa dịch đã mở ra nhiều hướng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ khó khăn trong dịch bệnh, khó khăn trong giãn cách xã hội, doanh nghiệp thấy được lợi thế từ việc liên kết các chuỗi sản xuất lại với nhau để cùng tồn tại là một xu thế hiện nay.

chuổi sản xuất
Ảnh minh họa

Điểm sáng liên kết 

Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tháng 8/2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển. Các địa phương trên cả nước tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa; thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu, đồng thời xuống giống lúa vụ thu đông. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất – chế biến – tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Từ khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát tại Việt Nam, đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự hồi phục kinh tế của Việt Nam. Ứng phó với đại dịch Covid 19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn và cấp bách cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nông nghiệp khi mà chuỗi cung ứng, vận chuyển có thể đứt gãy làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết đến nay tình hình công ty tuy gặp nhiều khó khăn, do công nhân phải thực hiện 3 tại chỗ, cũng như thời gian hoạt động, sản xuất bị thu hẹp ngắn lại nhưng trong tháng qua, dưới sự hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan, doanh nghiệp đã thu hoạch được khoảng 500 tấn nhãn, hơn 300 tấn thanh long và thu hoạch tốt một số trái cây khác ở các tỉnh phía Nam để xuất khẩu. Mặc dù vậy sản lượng chỉ cung cấp đủ từ 50- 60% nhu cầu thị trường của các nước trên thế giới. Sau thời gian vượt khó để đứng vững trước dịch Covid 19, doanh nghiệp nhận thấy việc kết nối giữa người nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp đã có sẵn hệ thống vận chuyển, nhà máy sản xuất và nhân công là một thuận lợi trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng các hợp tác xã, người nông dân cùng liên minh lại thành chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ để cùng có lợi.

Ở các tỉnh chúng tôi đều có cơ sở tại các nhà máy và có lực lượng công nhân đang làm việc tại chỗ, đảm bảo được phòng chống dịch thì chúng tôi mạnh dạn đề nghị kết nối với các đơn vị có nhu cầu, đưa đơn hàng và chúng tôi tổ chức sản xuất và vận chuyển”, ông Nguyễn Đình Tùng  nói.

Nhìn nhận thực tế trong thời gian qua, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huy Long An, một đơn vị sản xuất nông nghiệp lớn ở miền Tây cho biết dịch Covid-19 không chỉ đem lại sự khó khăn mà còn mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cho người nông dân. Nếu chúng ta biết tận dụng tốt, kết nối lại với nhau giữa các chuỗi sản xuất thì sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa sản phẩm của mình đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Cơ hội là chúng ta cấu trúc lại sản xuất và tiêu thụ, làm cho mạch sản xuất và tiêu thụ liền mạch lại hơn. Ví dụ như thương lái ở Bình Điền, nơi có đầu mối nguồn cung tập trung sẵn ở các tỉnh thành và hiện nay, họ chỉ cần điện thoại là có hàng. Cho nên câu chuyện kết nối với thương nhân Bình Điền là khác với cấu trúc sản xuất và kết nối với nhà tiêu thụ bằng kênh hiện đại như bây giờ", ông Huy cho biết.

chuổi sản xuất 3
Ảnh minh họa

Tiếp tục nâng chất

Trong khó khăn do dịch bệnh gây ra, một số doanh nghiệp Việt đã có cái nhìn toàn cảnh về thị trường, ứng biến hiệu quả hơn, vượt qua đợt khó khăn này để đáp ứng tốt nhất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, từ khó khăn như hiện nay, đã kết nối chặt chẽ hơn giữa chính quyền với doanh nghiệp và người nông dân từ đó giúp các bên tương tác tích cực hơn với nhau để tạo ra các gói sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, đặc biệt là bán hàng theo gói combo - một phương thức bán hàng mới trong giai đoạn dịch bệnh và giãn cách như hiện nay. Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đánh giá việc liên kết, phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân đã có chuyển biến rõ rệt.

Chúng tôi nắm rõ danh sách các đầu mối, hợp tác xã cũng như cơ sở, doanh nghiệp, vùng trồng, từ đó chúng tôi kết nối khi có đặt hàng combo, chúng tôi có thể xác định lợi thế của hợp tác xã nào đứng ra làm đầu mối để làm. Từ khi xác định đầu mối đó, chúng tôi mới kết nối lại những nơi cung ứng, phối hợp với hợp tác xã này để làm đầu mối một cách kịp thời. Tới thời điểm này, Tiền Giang khẳng định rằng năng lực để tham gia các gói combo đưa ra thì Tiền Giang đáp ứng đầy đủ và đảm bảo”, ông Võ Văn Lập nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho rằng, việc thành lập Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ các tỉnh phía Nam kết nối tiêu thụ nông sản cũng là một hướng đi  mới. Chính hướng đi đó, xuất phát từ nội tại đầy khó khăn do dịch Covid-19, do giãn cách xã hội mà đến nay từ trong nguy đã tìm ra cơ hội đổi mới tư tuy sản xuất của người nông dân, cũng như thay đổi cách quản lý của các bộ, ngành liên quan thông qua Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian qua. Đây là đòn bẩy để người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp chuyển dẩn sang sản xuất theo nhu cầu thị trường cần. Ông Trần Thanh Nam chia sẻ: “Rất mong các sở, doanh nghiệp, hợp tác xã chúng ta quan tâm đến diễn đàn này, sẽ giúp chúng ta có thông tin để kết nối, nhưng cái chính tạo kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ, nâng chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, của các hệ thống siêu thị. Đó là nâng cao trình độ tư duy kinh tế nông nghiệp.”

Hiện nay, nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, trình độ dân trí cao đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và minh bạch. Trong tình hình dịch bệnh, giãn cách gặp nhiều khó khăn nhưng với sự liên kết chuỗi chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đã phần nào tháo gỡ bớt khó khăn chung. Do vậy, dù có dịch bệnh hay không có dịch bệnh thì doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân cần nắm bắt cơ hội để liên kết với nhau lại thành chuỗi liên kết để hỗ nhau trong kỹ thuật, thị trường và lưu thông, thì mới có thể đáp ứng với nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe và khó tính như hiện nay.

Bình luận