Chờ...

Con đường hướng đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp

(VOH) - Hội nghị Con đường hướng đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại nhiều đầu cầu.

Hoạt động do Saigon Innovation Hub (SIHUB) và Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Thụy Sĩ phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và Văn phòng Đề án 844 (Bộ KH-CN) thực hiện.

Hội nghị nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TechFest 2021 cho thấy tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tiếp cận dòng vốn IPO trong nước, những khung chính sách trên thế giới về IPO...

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM (Sihub) chia sẻ, hơn 2 năm qua đơn vị đã xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm 14 học phần. Khóa học được tổ chức thí điểm 2 lớp đầu tiên, đến nay đã đào tạo khóa thứ 7 với tổng số tham gia hơn 500 học viên đại diện cho các startup. Việc đào tạo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trong tình hình Covid-19.

Chương trình này giúp doanh nghiệp quản trị, tổ chức công ty một cách chuẩn mực để hướng đến IPO trong tương lai. Ngoài ra, họ còn được tham gia các hoạt động kết nối với các tổ chức tài chính, đơn vị tư vấn để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Một số doanh nghiệp gọi được vốn khi tham gia chương trình.

Trong ba năm tới, chương trình dự kiến phát triển thêm khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp quan tâm và có tiêm năng để đào tạo IPO. Trong số này dự kiến có khoảng 200 – 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để IPO.

Con đường hướng đến IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp 1
 

Được biết, văn phòng đề án 844 giao Sihub triển khai chương trình đào tạo hướng đến con đường IPO cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng mong muốn, thời gian tới chương trình huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo đi vào chiều sâu hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, đi đến cuối con đường khởi nghiệp là IPO.

Dẫn chứng về bức tranh IPO của các startup trong khu vực ASEAN, Thứ trưởng Tùng còn chia sẻ, năm nay các quốc gia ghi nhận 54 thương vụ IPO với tổng giá trị là 5 tỷ đô la. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận được thương vụ IPO nào. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thúc đẩy chính sách hỗ trợ, đề ra các chủ trương mới về phát triển thị trường đầu tư trong và ngoài nước.

"Mô hình của Sihub là cơ sở để chúng tôi trao đổi thảo luận về việc nhân rộng hỗ trợ hướng đến IPO của Đề án 844 và mong muốn nhận được góp ý của của chuyên gia, doanh nghiệp để hoàn thiện định hướng phát triển, triển khai hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam", ông Tùng nói.

Dẫn báo cáo từ Diễn đàn Đổi mới sáng tạo thế giới, tỷ phú người Thụy Sỹ Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo thế giới cho biết trong hội nghị, các nền kinh tế từng giàu có, xuất khẩu về vốn và nguồn lực cũ như Luxembourg, Bỉ, Thụy Sĩ, Hồng Kông… đã không xuất hiện trong bản đồ các nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Thay vào đó, những nước có công nghệ thông tin phát triển.

Điều này cho thấy, những ý tưởng đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực phát triển của các doanh nghiệp mà còn là động lực phát triển của các nước lớn hiện nay và là những gì mà phần còn lại của thế giới đang cần. Thậm chí xuất khẩu các sản phẩm đầu tư như cổ phiếu đang là nguồn phát triển kinh tế của nhiều nước.

Theo đó, khi phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, phải tính toán để có thể xuất khẩu toàn cầu. Muốn vậy, startup cần rất nhiều vốn, cả vốn về tài chính và vốn về tri thức. IPO (chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng) là hình thức để doanh nghiệp có được các nguồn vốn này từ khắp nơi trên thế giới. IPO không chỉ là cách gây dựng vốn cho một doanh nghiệp khởi nghiệp mà nó là bước đường quan trọng của một quốc gia. Ví dụ như Đức, những doanh nghiệp như Porsche, Liper… đều phát triển vượt bậc kể từ khi IPO. Trong 3/4 thập kỉ vừa qua, các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán đã chiếm 70% lượng tài sản của Đức.

Tỷ phú Axel Schultze rất ấn tượng với sự phát triển của các quốc gia châu Á như Việt Nam, bởi họ đã vượt qua nhiều quốc gia châu Âu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Những doanh nghiệp dẫn đầu sẽ tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Tinh thần đổi mới sáng tạo đã có ở Việt Nam, các yếu tố tăng tốc cũng đã có ở Việt Nam và ông nghĩ Việt Nam sẽ có sự phát triển vượt bậc trong tương lai.

Bình luận