Chờ...

Đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên dùng tại Việt Nam (Phần 1): Khu công nghiệp đường sắt

(VOH) - Phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt góp phần nâng cao năng lực và chất lượng vận tải đường sắt, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển GTVT chung của cả nước.

Trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và EU gia tăng mạnh, những năm gần đây Việt Nam nổi lên là "cứ điểm" sản xuất thay thế tại khu vực Đông Á.

Ở trong nước, do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, các nhà phát triển bất động sản thương mại tại đô thị lớn cũng như vùng ven gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra. Nắm bắt cơ hội từ trào lưu dịch chuyển sản xuất, các nhà phát triển bất động sản thương mại đã chuyển hướng sang lĩnh vực đầu tư bất động sản khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp FDI vào đầu tư mở xưởng sản xuất.

Các thương hiệu bất động sản khu công nghiệp đã có bề dày hàng chục năm kinh nghiệm có thể kể đến là VSIP, Long Hậu, Kinh Bắc, Tín Nghĩa, Sonadezi, Thăng Long, Idico... đều có bộ máy nhân sự chuyên biệt về phát triển và khai thác khu công nghiệp cũng như mạng lưới khách hàng quốc tế.

Thách thức đối với nhà phát triển khu công nghiệp mới tham gia thị trường là áp lực cạnh tranh với các thương hiệu thâm niên và tiến độ thực hiện, vì để hình thành một khu công nghiệp thì cần thời gian chuẩn bị nhất định, có thể mất vài năm để hoàn thiện pháp lý và đi vào hoạt động.

Đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên dùng tại Việt Nam  Phần 1: Khu công nghiệp đường sắt 1
Nhà máy sản xuất thiết bị đường sắt của Hitachi tại Newton Aycliffe, Vương quốc Anh.  Ảnh: Hitachi Rail Europe

Do đó các nhà phát triển khu công nghiệp đi sau cần chọn hướng đi mới. Trong đó, phát triển khu công nghiệp thế hệ mới sẽ giúp nhà phát triển đa dạng hóa nguồn thu chứ không chỉ dựa vào doanh thu cho thuê đất.

Đặc biệt là việc là thành lập ‘khu công nghiệp chuyên dùng’ nhằm phục vụ cho một đối tượng khách hàng chuyên sâu, ví dụ như khu công nghiệp đường sắt.

Đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên dùng tại Việt Nam  Phần 1: Khu công nghiệp đường sắt 2
Đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên dùng tại Việt Nam  Phần 1: Khu công nghiệp đường sắt 3
Hình ảnh phân xưởng sản xuất tàu điện cao tốc của Tập đoàn Hitachi tại Hitachi tại Newton Aycliffe, Vương quốc Anh. Ảnh: Hitachi Rail Europe

Trong quy hoạch giao thông, Việt Nam đã có chiến lược phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển đường sắt nội đô cho các đô thị lớn bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.

Khái toán cho thấy tổng mức đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc Nam khoảng 70 tỷ đô la Mỹ, còn đầu tư một tuyến metro nội đô ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khoảng 3 tỷ đô la Mỹ.

Tại mỗi thành phố có tổng cộng 8 tuyến cơ bản, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 48 tỷ đô la Mỹ cho 16 tuyến metro nội đô của cả hai thành phố. Như vậy, kinh phí ước tính mà Việt Nam sẽ chi ra trong vài thập kỷ tới để hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt là khoảng 120 tỷ đô la Mỹ.

Đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên dùng tại Việt Nam  Phần 1: Khu công nghiệp đường sắt 4

Đầu tư phát triển khu công nghiệp chuyên dùng tại Việt Nam  Phần 1: Khu công nghiệp đường sắt 5

Bốc dỡ và vận chuyển các toa tàu metro thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, do nhà thầu cung ứng Hitachi thực hiện

Thời gian qua, sản xuất công nghiệp đường sắt tại Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng lực và chất lượng vận tải đường sắt, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển giao thông vận tải chung của cả nước.

Liên danh Petechim & Pacific Group đã hình thành concept phát triển chuỗi ‘khu công nghiệp đường sắt’ để thực hiện công tác tư vấn phát triển dự án hạ tầng và xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với hướng đi khác biệt cho các nhà phát triển khu công nghiệp mới thành lập sau này.

Việc thành lập các khu công nghiệp đường sắt tại các địa phương có quỹ đất lớn và có quy hoạch cảng nước sâu để tiếp nhận các nhà sản xuất cấu kiện đường sắt, hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức sản xuất tại Việt Nam sẽ giúp giảm chi phí quốc gia để thực hiện dự án đường sắt xuyên Việt, đường sắt nội đô, đồng thời giúp cho nhà phát triển khu công nghiệp mới thành lập có đầu ra quy mô lớn và ổn định.

Các khu công nghiệp đường sắt, ngoài phục vụ cung ứng cho các dự án đường sắt xuyên Việt, đường sắt nội đô thì còn có sứ mệnh hình thành các tuyến đường sắt liên cảng, kết nối các khu công nghiệp với các cảng biển giúp cho việc vận chuyển hàng container và hàng rời đạt hiệu quả cao nhất, ít phụ thuộc vào đường bộ và giảm rủi ro tai nạn đường bộ.

Đồng thời, hình thành các tuyến đường sắt liên tỉnh, ví dụ như tuyến đường sắt liên tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa đi Cái Mép Thị Vải và Vũng Tàu; tuyến nối Cần Thơ với Hậu Giang, Cần Thơ với các tỉnh giáp ranh, ...

Việc hình thành chuỗi khu công nghiệp đường sắt cũng giúp Việt Nam từng bước sở hữu công nghệ đường sắt tiên tiến, khai thác tối ưu lực lượng lao động trẻ, tạo nguồn cung ứng trang thiết bị, vật tư ngành đường sắt cho các dự án trong nước, đồng thời gia công chế tạo xuất khẩu đi các quốc gia khác.

Để phát triển bền vững công nghiệp đường sắt, chính phủ cần có cơ chế đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặt biệt là các tập đoàn đường sắt có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới tham gia đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ khác để không chỉ hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp đường sắt nói riêng mà còn hỗ trợ cho các ngành công nghiệp nói chung.

Bình luận