Chờ...

Đề xuất Chính phủ có chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp du lịch

(VOH) - Trong hàng triệu lượt khách du dịch quốc tế mà Việt Nam đón hàng năm, số lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 80%.

"Đến thời điểm này, ngành dịch vụ du lịch đang chịu thiệt hại rất lớn. Riêng tại hệ thống khách sạn của công ty đã có 95% khách hàng hủy phòng, chỉ những người đi công tác mới đặt phòng, thời điểm này hầu như không có khách du lịch". Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Lê Thành nêu thực trạng này tại Chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 50 ngày 29/2.

Đề xuất Chính phủ có chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp du lịch

Du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 80% khách du dịch quốc tế mà Việt Nam đón hàng năm. Ảnh: Vneconomy

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, trong hàng triệu lượt khách du dịch quốc tế mà Việt Nam đón hàng năm, số lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm gần 80%. Do đó, khi dịch bệnh ở các quốc gia này diễn biến phức tạp thì lượng khách du lịch giảm mạnh là điều khó tránh khỏi. Không chỉ vắng khách du lịch đến từ các quốc gia có dịch, người dân trong nước cũng e ngại đi du lịch nên nhiều công ty dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú rơi vào tình trạng tạm dừng hoạt động vì không có khách hàng.

Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, thiệt hại của doanh nghiệp là điều đã thấy rõ, vì vậy các cấp, ngành cần có cơ chế hỗ trợ kịp thời. Đơn cử như với ngành du lịch, việc đề xuất mở các đường bay quốc tế mới, hướng tới các khu vực chưa có dịch sẽ không mang lại hiệu quả nếu không gắn liền với việc miễn thị thực cho khách du lịch. Nếu có đường bay mà khách phải chờ cấp thị thực tới 30 ngày thì không giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay của ngành du lịch, lưu trú. Do đó, cơ quan quản lý cần có sự linh động và phối hợp để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đối với đề xuất hỗ trợ lãi suất ngân hàng và giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp đang kiến nghị miễn giảm thuế, phải ghi rõ là miễn giảm thuế năm 2019, bởi nếu dịch bệnh không được khống chế sớm thì trong kỳ kinh doanh năm 2020, nhiều doanh nghiệp sẽ thua lỗ chứ không có lợi nhuận để đóng thuế. Tương tự với hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh khoanh nợ, giảm lãi suất với các khoản đang vay vì hiện nay doanh nghiệp không có đơn hàng, không có nguyên liệu thì cũng chưa có nhu cầu vay mới. Thứ ba là bảo hiểm xã hội, nhà nước nên miễn 1 quý bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp”.

Bình luận